![]() | Tháo gỡ khó khăn trong phân phối, xuất khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp, người dân |
![]() | Gạo Việt Nam liên tục đón tin vui |
![]() |
Gạo của Lộc Trời lên đường xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: DNCC |
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,08 triệu tấn, tương đương giá trị xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và 6% về giá trị so với cùng kỳ 2021. Như vậy, mặc dù xuất khẩu gạo cạnh tranh khá gay gắt, sản phẩm của Việt Nam vẫn ngày càng được ưa chuộng trên thị trường thế giới.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần cuối cùng của tháng 7/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 413 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 15 USD/tấn, hơn gạo Ấn Độ 70 USD/tấn, hơn gạo Pakistan 45 USD/tấn. Đối với gạo 25% tấm, gạo của Việt Nam ở mức 393 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại Thái Lan 4 USD/tấn, hơn gạo cùng loại Ấn Độ 65 USD/tấn và hơn gạo Pakistan 43 USD/tấn. Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo chủ lực của thế giới.
Dù tình hình xuất khẩu gạo có nhiều khả quan, song theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, các chi phí vận tải, logistics vẫn ở mức rất cao cộng với việc giá dầu tăng do ảnh hưởng của xung động Nga – Ukraine nên dù giá gạo xuất khẩu đạt mức cao nhưng lợi nhuận thu về cũng không mấy tích cực.
Kết quả kinh doanh ghi nhận tại báo cáo tài chính quý 2/2022 của một số doanh nghiệp đã phần nào phản ánh thực tế này. Điển hình như doanh thu quý 2/2022 của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) tăng trưởng hơn 800% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.297 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại ghi nhận lỗ 28 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 3 tỷ đồng.
Theo giải trình của Tổng giám đốc AGM Huỳnh Thanh Tùng, trong kỳ công ty đã đẩy mạnh bán hàng xuất khẩu, ký kết các hợp đồng mới và tăng sản lượng tiêu thụ cung ứng xuất khẩu giúp doanh thu tăng rất cao. Nhưng do chi phí bán hàng, logistics tăng mạnh đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công ty.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, AGM lỗ ròng 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận lãi hơn 4 tỷ đồng.
Tại Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, doanh thu thuần hợp nhất quý 2/2022 cũng tăng trưởng 30%, đạt 3.547 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại âm 46 tỷ đồng, dù cùng kỳ năm trước có lãi 47 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Lộc Trời cho biết, chi phí hoạt động và chi phí tài chính đều tăng là nguyên nhân dẫn tới kết quả lỗ trong kỳ của công ty.
Khoản lỗ trong quý 2/2022 đã kéo giảm lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 của Lộc Trời xuống chỉ còn 137 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, việc lỗ hoặc giảm lãi không phải là tình trạng chung của tất cả các doanh nghiệp. Tại những doanh nghiệp quản lý tốt các chi phí, lợi nhuận vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Điển hình như tại Tổng công ty Lương thực miền Nam (VSF), sau thời gian thua lỗ khá dài, doanh nghiệp này đã có lãi sau thuế 30 tỷ đồng trong quý 2/2022, trong khi cùng kỳ năm trước công ty lỗ 63 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả này, ông Trần Tấn Đức, Phó tổng giám đốc VSF cho biết, trong cùng kỳ năm 2021, công ty chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên tình hình sản xuất và tiêu thụ gạo gặp nhiều khó khăn. Trong năm nay, công ty đã quyết liệt chú trọng quản lý tốt chi phí, hoàn thành mục tiêu thực hiện các hợp đồng xuất khẩu mới nên đã mang về lợi nhuận. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, VSF lãi sau thuế gần 31 tỷ đồng, khả quan hơn rất nhiều so với mức lỗ 142 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021.
Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng đạt lãi ròng hợp nhất 23,5 tỷ đồng, tăng trưởng 38% dù doanh thu giảm nhẹ 3% trong quý 2/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Trung An lãi hợp nhất gần 51 tỷ đồng, tăng trưởng 168%.
Tương tự, tại Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (NSC), doanh thu thuần quý 2/2022 chỉ tăng gần 7% so với quý 2/2021, đạt 567 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tới 32%, đạt 86 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, NSC lãi sau thuế 123 tỷ đồng, tăng 24%.
Nguyễn Hiền