TP Hồ Chí Minh hỗ trợ doanh nghiệp, chặn đà suy giảm kinh tế
Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước những khó khăn do thiếu đơn hàng, thiếu vốn. Ảnh: T.D |
Nhiều khó khăn phía trước
Trong báo cáo gửi UBND TPHCM về tình hình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp trên đia bàn TPHCM mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, qua thực hiện khảo sát hơn 100 doanh nghiệp về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (đến tháng 2/2023), kết quả cho thấy 83% doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Các doanh nghiệp cho biết, các yếu tố khó khăn như thị trường bị thu hẹp (41,2%), hàng tồn kho nhiều (30,1%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%)... Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn đang dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn. Điều này xảy ra là bất thường so với các năm trước. Nguyên nhân được lý giải là do không có đơn hàng dự trữ.
Trong đó, đơn hàng đầu năm của ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ vẫn tiếp tục giảm mạnh, dự kiến còn giảm đến hết quý 2/2023 với mức giảm khoảng 50-60%. Nguyên nhân là do thị trường châu Âu, Mỹ sụt giảm tiêu thụ; người dân, doanh nghiệp trong nước hạn chế mua sắm, xây dựng công trình hoặc hoạt động sửa chữa. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng cao. Bên cạnh đó, tỷ giá USD đang biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công xuất khẩu, dẫn đến sức ép giảm lợi nhuận đầu năm 2023.
Các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm hoạt động cần ứng trước chi phí trả trước mùa vụ, trong khi áp lực đầu vào tăng cao. Doanh nghiệp cần vay vốn với mức lãi suất phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp để giữ chân khách hàng, giữ thị trường và góp phần thúc đẩy nền kinh tế phục hồi tốt hơn.
Doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô kinh doanh, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới; thị trường gần như đóng băng; một số lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản đáo hạn gây áp lực lên thị trường. Kim ngạch xuất khẩu của ngành vật liệu xây dựng sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Giá thép giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm 69,3%; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%; thị trường trong nước cũng sụt giảm do đầu tư công và dự án bất động sản đóng băng...
Ông Phùng Quốc Cường, Giám đốc vận hành Công ty Bảo Hưng chia sẻ, từ đầu năm 2023 đến nay, 3 thị trường xuất khẩu chính của công ty là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang cắt giảm khoảng 25% lượng đơn hàng so với cùng kỳ năm 2022. Tại thị trường trong nước, sức tiêu thụ hàng đồ gỗ nội thất cũng giảm mạnh. Hàng tồn kho tại hệ thống đại lý, cửa hàng phân phối còn khá nhiều. Thêm vào đó, doanh nghiệp phải đối mặt với hàng Trung Quốc giá rẻ đang ngày càng phủ rộng thị trường. Điều này đã buộc công ty phải cắt giảm hơn 30% nhân công lao động, giảm giờ làm để duy trì sản xuất.
Tương tự, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (Bình Tân, TPHCM) đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với 2.358 người có hợp đồng lao động từ 1- 3 năm từ ngày 1/4/2023. Đồng thời, công ty cũng dự kiến cắt giảm 3.000 lao động thuộc khu C và khu D. Nguyên nhân do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh kéo dài, cùng với tác động của kinh tế toàn cầu dẫn đến đơn đặt hàng của công ty bị giảm. Trước đó, vào tháng 11/2022, công ty này cũng đã cho gần 20.000 lao động nghỉ luân phiên một ngày trong tuần do tình hình đơn hàng khó khăn.
Trước tình hình trên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gặp khó khăn về phát triển thị trường, sắp tới đơn vị sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại như khuyến mãi tập trung, tổ chức khoảng 500 hội chợ trong năm 2023. Đối với hoạt động xuất khẩu, hỗ trợ tìm cơ hội vào các thị trường mới, trong đó phát triển ngày hội TPHCM - Ngôi nhà Việt Nam ở các nước và một hội chợ chuyên hàng xuất khẩu...
Gỡ vướng về vốn
Không chỉ thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt hàng loạt vấn đề nguyên vật liệu đầu vào, xăng dầu, lãi suất vay cao. Hiện nhiều doanh nghiệp đã phải thế chấp toàn bộ tài sản của công ty để vay vốn sản xuất, nhưng vẫn chật vật vì thiếu vốn để mở rộng sản xuất.
Thậm chí, hiện đã có nhiều doanh nghiệp phải bán một phần cổ phần hoặc bán doanh nghiệp cho các quỹ đầu tư, doanh nghiệp FDI do khó khăn. Có thể kể đến như tại Công ty Nhựa Bình Minh, 51% cổ phần đã thuộc về Tập đoàn SCG (Thái Lan); hay Công ty cổ phần Thực phẩm Ba Huân đã phải bán 25% vốn cổ phần. Trước đó, Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản VISSAN, Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt… đã phải bán một phần cổ phần hoặc cổ phần chi phối cho các quỹ đầu tư tài chính hay doanh nghiệp Hàn Quốc.
Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng là “mạch máu” của nền kinh tế. Chính vì vậy, những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn cần sớm được khơi thông kịp thời để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, nghiên cứu, giảm mặt bằng lãi suất…
Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết cơ quan quản lý đã chỉ đạo kéo giảm lãi suất bằng nhiều giải pháp và kỳ vọng những tín hiệu tích cực của thị trường gần đây sẽ góp phần đưa lãi suất đi xuống.
Theo ghi nhận, đến thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào và công bố nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi giảm 1-2 điểm % so với lãi suất hiện hành. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết đã dành nguồn vốn 1.000 tỷ đồng với lãi suất giảm bình quân khoảng 2 điểm % so với lãi suất thông thường nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, OCB đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đã giảm từ 1% đến 3% trong vài tuần qua đối với một số lĩnh vực để hỗ trợ doanh nghiệp. Dự kiến thời gian tới, lãi suất còn giảm thêm. Theo ông Tùng, lãi suất cho vay cao thực chất là rủi ro cho ngân hàng bởi nguy cơ nợ xấu rất lớn, do đó, các ngân hàng đều muốn giảm lãi suất.
Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, tại hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp mới đây, 16 ngân hàng thương mại tại TPHCM đã ký cam kết cho 64 DN vay 11.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn 7%/năm và trung - dài hạn 10%/năm. Trước đó, năm 2022, chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp đã giải ngân 568.340 tỷ đồng cho 32.500 khách hàng, tăng 16,65% so với năm 2021.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM: “Làm ngày, làm đêm” tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Trong tháng 2/2023, chúng ta thấy các kết quả phát triển kinh tế xã hội của thành phố đạt khá tốt theo dự báo tình hình, chỉ tiêu đề ra. Đây là điều đáng mừng, cần cố gắng tiếp tục phát huy để đạt kết quả tốt hơn trong tháng 3, kết thúc quý 1 như kế hoạch. Một số kết quả nổi bật của tháng 2 có thể kể ra như: TPHCM đã nỗ lực gặp gỡ, lắng nghe, ghi nhận các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, từ trong nước đến nước ngoài, từ doanh nghiệp nhà nước đến doanh nghiệp ngoài nhà nước; nhất là nhiều buổi gặp gỡ nhóm ngành bất động sản; tổ chức buổi kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng. Thông qua các buổi gặp gỡ, thành phố đã nhìn thấy những vấn đề cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới. Theo đó, nếu chúng ta tháo gỡ được các điểm nghẽn hiện nay, không chỉ mang lại niềm tin cho người dân, doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sản xuất kinh doanh mạnh mẽ hơn. Đây là điểm sáng nổi bật của tháng 2. Bên cạnh đó, từ đầu năm, TPHCM đã có chuyển biến tích cực trong hoạt động đầu tư công. Tuy nhiên, hiện thành phố vẫn còn một số khó khăn đó là sản xuất công nghiệp giảm 2,5% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp rút lui khởi thị trường cao gấp 3 lần so với doanh nghiệp thành lập mới. Theo các chuyên gia, sở, ngành thống nhất đánh giá, đà suy giảm kinh tế của quý 4/2022 vẫn còn ảnh hưởng đến quý 1/2023 và thậm chí đến hết quý 2/2023. Điều này đòi hỏi trong tháng 4 các sở, ngành thành phố tập trung giải quyết cơ bản các khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đặt ra từ các cuộc gặp gỡ. Trong đó, tập trung cao độ rà soát, tháo gỡ khó khăn đối với nhóm ngành bất động sản trên tinh thần "làm ngày làm đêm, bàn luận sao cho ra được sự thống nhất". Có như vậy mới có được niềm tin, giải quyết được trên thực tế mới có tác động tích cực. Hiện đã có một số tín hiệu tích cực từ kinh tế thế giới cộng với sự tập trung tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, của TPHCM, tôi tin rằng chúng ta sẽ nắm bắt được cơ hội để kết thúc sớm đà suy giảm và tăng tốc nhanh hơn. TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia: Hạn chế đà suy giảm, giữ vững tăng trưởng Vấn đề lớn hiện nay đối với kinh tế của Việt Nam là sự phục hồi của thị trường bất động sản, thị trường tài chính và các vấn đề về lãi suất ngân hàng cao, sẽ là thách thức rất lớn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước 6,5% năm 2023. Việc hạn chế đà suy giảm, giữ vững tăng trưởng phải là mục tiêu then chốt trong năm 2023 của TPHCM. Trong điều kiện lạm phát dưới 4% và lãi suất cao như hiện tại sẽ làm thui chột mọi nỗ lực trong đầu tư phát triển TPHCM. Tất cả phải chờ động thái từ Chính phủ. Trong tình hình này, TPHCM cần tìm kiếm các dư địa để nỗ lực phát triển. Trong năm nay, TPHCM cần cố gắng giữ tốc độ tăng trưởng không suy giảm quá nhiều so với mức 8-8,5% đề ra bằng nhiều giải pháp. Theo chương trình phục hồi kinh tế, năm 2022 là năm phục hồi, năm 2023, 2024, 2025 có ý nghĩa tăng tốc. Nếu năm nay chúng ta không giữ được mức tăng trưởng 8-8,5% thì khó khăn sẽ chồng chất năm sau, chuyên đề phục hồi kinh tế TPHCM sẽ bất lợi. Trước bối cảnh hiện tại của nền kinh tế, những khởi sắc cho TPHCM được dự báo sẽ chưa đến trong nửa đầu năm 2023. TPHCM cần tập trung để kết quả của 6 tháng cuối năm sẽ bù đắp thất thoát cho giai đoạn hiện tại. Để làm được điều này, UBND TPHCM cần giao Viện Nghiên cứu phát triển, Cục Thống kê, Sở Công Thương, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tập trung đánh giá rõ các ngành công nghiệp, dịch vụ có đóng góp nhiều nhất cho thành phố. Từ đó đề ra các biện pháp để thúc đẩy và tập trung là lĩnh vực thương mại, tài chính, bất động sản, du lịch, logistics, xây dựng. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TPHCM: Lãi suất cao đang “bào mòn” lợi nhuận doanh nghiệp Doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm gặp khó khăn do vừa phải duy trì ổn định sản xuất vừa phải tái đầu tư công nghệ sản xuất nhằm đáp ứng những rào cản kỹ thuật mới mà các thị trường xuất khẩu đang áp dụng. Do vậy, với mức lãi suất cao như hiện nay rất khó cho doanh nghiệp nếu muốn gia tăng hoặc tái đầu tư. Có thể nói, lãi suất tăng cao đang "bào mòn" lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, dù đây là ngành hiếm hoi vẫn duy trì được năng lực sản xuất thời gian qua. Để chia sẻ khó khăn với người dân do dịch Covid-19 kéo dài, hầu hết doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm đã giảm mức lợi nhuận xuống thấp, thậm chí là 0%. Đến đầu năm 2022, khi tình hình dịch bệnh đã ổn định, các doanh nghiệp bắt tay phục hồi sản xuất nhưng khó khăn lại ập đến vì phải đối mặt hàng loạt vấn đề nguyên vật liệu đầu vào, xăng dầu, lãi suất vay tăng mạnh. Hiện nhiều doanh nghiệp đã phải thế chấp toàn bộ tài sản của công ty để vay vốn sản xuất, nhưng vẫn chật vật vì thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Thực tế đáng báo động hiện nay là một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu lớn tại TPHCM, đầu tư công nghệ tiên tiến nhưng hiện quá khó khăn về tài chính. Các quỹ đầu tư nước ngoài đang "săn" các doanh nghiệp này. Nếu cứ để mai một các doanh nghiệp này thì thật đáng tiếc, vì số doanh nghiệp lớn tại TPHCM luôn chiếm trên 40% lượng hàng lưu thông trên cả nước. Không ai muốn “bán mình” cho các đơn vị khác khi đã ổn định việc kinh doanh. Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ về tất cả các ngành, lãi suất… để yên tâm sản xuất. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM: Cần sự đột phá trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Bức tranh doanh nghiệp TPHCM năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. Những tín hiệu khó khăn đã xuất hiện từ quý 4/2022 đó là sự sụt giảm của các đơn hàng ở các lĩnh vực dệt may, da giày, các ngành sản xuất đồ gỗ… Bên cạnh đó, với diễn biến, ứng xử của nhiều quốc gia trong vấn đề chống lạm phát khiến lãi suất bị đẩy lên cao tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, mà ngay cả những doanh nghiệp có tài sản thế chấp cũng không dám vay. Trước tình hình đó, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng và đánh giá cao Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Đầu tiên chúng tôi quan tâm là sự đột phá. Các giải pháp đề xuất phải mang tính chất đột phá. Trong giai đoạn thách thức, khó khăn như hiện nay, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng với tinh thần đột phá mạnh mẽ hơn, vượt qua được khuôn khổ của những giải pháp chúng ta đã áp dụng trong thời gian qua. Đồng thời, những chủ trương, chính sách nhanh chóng đi vào thực tế một cách cụ thể hơn. Mặt khác, lãi suất vay hầu hết đang trên 10%/năm, gây khó cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay. Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần khống chế trần lãi suất, giữ mức lãi suất cho vay khoảng 8- 8,5%/năm. Cùng với đó, Nhà nước cần thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung, dài hạn, áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau. Với UBND TPHCM, kiến nghị giảm bớt các công đoạn thẩm định hồ sơ, giảm thời gian làm thủ tục hành chính để đồng hành với doanh nghiệp. Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng về đất đai, nhà xưởng để có sổ đỏ thế chấp cho ngân hàng vay vốn. Đồng thời, chấn chỉnh tình trạng kiểm tra xây dựng, kiểm tra doanh nghiệp còn nhiều tiêu cực như hiện nay. T.D (ghi) |
Tin liên quan
Vinh danh 190 doanh nghiệp với 359 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024
08:49 | 05/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành xuất khẩu tỷ đô
07:45 | 06/11/2024 Kinh tế
Ngân hàng cung ứng vốn cho mùa cao điểm kinh doanh
14:00 | 05/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Cúp Number 1 Active tái xuất tại Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - An ninh Thủ đô 2024
16:42 | 05/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
HSG 7 lần liên tiếp được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam
14:55 | 05/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
"Bức tranh" lợi nhuận ngân hàng 9 tháng năm 2024
09:29 | 05/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Tăng trích lập dự phòng rủi ro “bào mòn” lợi nhuận ngân hàng
08:50 | 05/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Tân cảng Sài Gòn lần thứ 8 liên tiếp đạt Thương hiệu quốc gia
08:00 | 05/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Kiến nghị “cởi trói” thủ tục cho các “anh cả đỏ” về tăng vốn
21:29 | 04/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Viettel có thêm 2 Phó Tổng Giám đốc
09:59 | 04/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Doanh nghiệp hóa chất chuyển đổi Xanh để cạnh tranh hiệu quả
08:47 | 04/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Diễn đàn "Ngày hàng hóa hàng không" lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam
10:38 | 03/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
3 triệu người dùng 5G Viettel, tốc độ tăng trưởng gấp đôi 4G
08:30 | 02/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Giải nghịch lý để đón cơ hội từ các "đại bàng" công nghệ
16:43 | 01/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển bền vững
16:40 | 01/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Maersk khai trương kho ngoại quan tại Việt Nam
16:05 | 01/11/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan cần chuyển mình theo thương mại điện tử xuyên biên giới
Điều chỉnh chính sách để thích ứng trước tác động hai chiều của các FTA
Tháo gỡ điểm nghẽn
Chanh leo Việt Nam “rộng đường” sang Australia
Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành xuất khẩu tỷ đô
(INFOGRAPHICS): Thu ngân sách tại 10 đơn vị hải quan tăng 11,86%
14:03 | 04/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics
Phiên họp Ủy ban Kỹ thuật thường trực WCO tại Bỉ: Dấu ấn điều hành của đại diện Hải quan Việt Nam
09:25 | 29/10/2024 Hải quan
Hành vi buôn lậu “khí cười” tại Công ty Hoa Việt diễn ra thế nào?
10:18 | 29/10/2024 An ninh XNK