Thị trường tín chỉ carbon mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc mua bán tín chỉ carbon. Ảnh: ST |
Thị trường tiềm năng...
Theo các chuyên gia, thị trường tín chỉ carbon thế giới sôi động trong vài năm trở lại đây. TS Nguyễn Phương Nam, Chuyên gia đánh giá về kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định. Đây chính là các khách hàng sẽ tham gia thị trường carbon trong thời gian tới. Đến nay, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc mua bán tín chỉ carbon.
Là doanh nghiệp có nhiều nhà máy tại Việt Nam, Tập đoàn Nestlé cho biết doanh nghiệp này cam kết giảm 20% lượng phát thải vào 2025 và giảm đến 50% lượng phát thải vào 2030 để đến năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Trong năm 2023, doanh nghiệp này đã giảm đến 13,58% lượng phát thải nhờ những nỗ lực thay đổi trong quy trình sản xuất. Theo ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại và truyền thông Nestlé Việt Nam, doanh nghiệp đang nỗ lực giảm phát thải trên cả chuỗi cung ứng, trong đó đặt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào 2025.
Tại TPHCM, theo Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, “đầu tàu” kinh tế của Việt Nam được lựa chọn là địa phương đầu tiên thí điểm cơ chế trao đổi tín chỉ carbon. Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) cho biết, nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho thấy, quy mô thị trường sản phẩm của TPHCM có giá trị tín chỉ carbon khoảng 790 triệu USD.
Theo đó, TPHCM sẽ triển khai nhiều dự án có tiềm năng tạo ra tín chỉ, có thể kể đến như nâng cấp hệ thống đèn đường thành đèn LED tiết kiệm điện, lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho các tài sản công và một số công trình tư nhân trên địa bàn thành phố, trang bị các thiết bị tiết kiệm điện cho một số tòa nhà.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố có nhiều doanh nghiệp đang có cường độ phát thải khí nhà kính cao và có nhu cầu bù đắp khí thải. Chính vì vậy, việc triển khai cơ chế tín chỉ carbon tại TPHCM mở ra nhiều cơ hội, không chỉ đáp ứng điều kiện của doanh nghiệp đang hoạt động mà còn là lợi thế để thu hút thêm dòng đầu tư mới, trong bối cảnh đầu tư bền vững đang trở thành xu thế trên toàn cầu.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, thời gian qua, TPHCM ghi nhận nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư xử lý chất thải, nước thải; sử dụng nguyên liệu và quy trình thân thiện với môi trường… cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM nhấn mạnh, việc giảm phát thải trong các đơn vị xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản đang dần trở nên cấp thiết. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã phải dùng các máy móc ít tiêu tốn điện, chuyển đổi công nghệ lò hơi và phải lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng để đạt các tiêu chí xanh và giảm phát thải.
...Ngóng cơ chế, chính sách
Theo ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TPHCM, cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lẫn các doanh nghiệp Việt khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đều phải thực hiện các cam kết về môi trường. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã lắp đặt và tiếp tục có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng trong các khu công nghiệp. Do đó, ông Đức cho rằng cần sớm ban hành cơ chế để giúp doanh nghiệp giảm phát thải, vượt qua các “hàng rào xanh” trong cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa.
Dù có nhiều cơ hội nhưng theo các chuyên gia kinh tế, hiện vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết trong việc thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Cụ thể, hành lang pháp lý để việc tính toán, đánh giá, thẩm định tín chỉ carbon chưa đầy đủ và chưa có môi trường để mua bán tín chỉ carbon một cách rộng khắp. Đặc biệt, hầu hết các nội dung trong quá trình tạo lập, tính toán giá và bán tín chỉ carbon đều phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài.
Để triển khai hiệu quả chương trình thí điểm xây dựng cơ chế tài chính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, rất cần sự hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính... để xử lý các vướng mắc và thách thức nêu trên. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo và tập huấn cho các doanh nghiệp, tổ chức và cán bộ công chức về thị trường tín chỉ carbon; tăng cường hợp tác với các quốc gia, quốc tế có kinh nghiệm để triển khai hiệu quả thị trường tín chỉ carbon.
TS Phạm Văn Đại, Giảng viên cao cấp trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, bản thân tín chỉ carbon cần được xem như là tài nguyên quốc gia, không phải tài nguyên vô tận hay tái tạo được. Trong bối cảnh các nhà sản xuất lớn trên thế giới như Apple, Samsung đều đòi hỏi các nhà cung cấp phải trung hòa được carbon trong quá trình sản xuất thì xu hướng tìm mua tín chỉ carbon của doanh nghiệp Việt Nam là không tránh được. Do đó, về lâu dài Việt Nam cần quy hoạch tín chỉ carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ. Bên cạnh đó, cần xem xét hình thành Quỹ Dự trữ tín chỉ carbon cho doanh nghiệp Việt Nam để khi tham gia chứng chỉ toàn cầu, các doanh nghiệp không phải mua giá quá cao.
Theo dự thảo Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam”, lộ trình phát triển thị trường carbon ở Việt Nam theo ba giai đoạn. Từ năm 2025 sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Giai đoạn 2027 sẽ xây dựng quy định, hoạt động trao đổi quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế, triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
Giai đoạn 2028 tổ chức vận hành sàn giao dịch chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon trong khu vực và thế giới. Việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon góp phần cắt giảm lượng khí nhà kính theo hướng như cam kết khí hậu trước đây, đặc biệt là mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo thỏa thuận về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường: Cần phối hợp liên cơ quan đảm bảo tính nhất quán trong chính sách tăng trưởng xanh Chuyển đổi xanh không dừng lại ở xu hướng mà đang được luật hóa, trở thành quy định bắt buộc. Tuy nhiên Việt Nam hiện đối mặt với nhiều rào cản, như thiếu sự phối hợp và thống nhất giữa các ngành và các cấp chính quyền khác nhau, dẫn đến các chính sách và kế hoạch chồng chéo, không nhất quán, cản trở việc thực hiện và giám sát hiệu quả các hành động và mục tiêu tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính xanh còn non trẻ, khiến các dự án xanh gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn tài chính; việc thực thi các quy định về môi trường đôi khi còn lỏng lẻo, rườm rà, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không tuân thủ... Vì vậy, cần các giải pháp tăng cường phối hợp liên cơ quan để đảm bảo tính nhất quán và sức mạnh tổng hợp trong các chính sách tăng trưởng xanh. Cùng với đó là tăng cường đầu tư công và tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng xanh, như nhà máy điện mặt trời, trang trại, hệ thống quản lý chất thải và sáng kiến phủ xanh đô thị; xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, mạch lạc cho tăng trưởng xanh. Tăng cường nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường và thực hành bền vững thông qua các tuyên truyền và sự tham gia của cộng đồng trong thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa vào cộng đồng là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh các nỗ lực trên. TS. Nguyễn Phương Nam, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA: Để tạo ra tín chỉ carbon, doanh nghiệp phải có tầm nhìn về phát triển bền vững Thế giới đã công nhận Việt Nam có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon, đặc biệt là từ rừng, nông nghiệp và năng lượng. Khoảng 2 năm gần đây, tại Việt Nam nhu cầu tìm hiểu thông tin về thị trường mua bán tín chỉ carbon ngày càng nhiều. Đối với doanh nghiệp, để có tín chỉ carbon giao dịch trên sàn giao dịch thì phải tạo ra hàng hóa là tín chỉ carbon. Tuy nhiên, để có thể tạo ra tín chỉ carbon, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tầm nhìn về vấn đề bền vững, sẵn lòng đầu tư vào công nghệ sạch, chuẩn bị tâm thế cho sự chuyển dịch trong hệ thống chuỗi cung ứng xanh và bền vững của hệ sinh thái kinh doanh. Kết quả tín chỉ carbon không phải một sớm một chiều có được, thời gian ít nhất phải từ 3 năm cùng với sự quyết tâm cao của lãnh đạo doanh nghiệp. Theo đó, trong khi chờ hoàn thiện khung pháp lý, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị, tạo ra tín chỉ carbon và tham gia thị trường này. Trước hết, doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký dự án của mình với cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Doanh nghiệp phải đánh giá hiện trạng phát thải khí nhà kính thông qua báo cáo của mình. Doanh nghiệp phải tự bỏ tiền ra kiểm kê khí nhà kính và làm chính xác, minh bạch nhất có thể. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chuyên ngành sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải cho doanh nghiệp. Theo kế hoạch sản xuất hàng năm sau khi phân bổ, doanh nghiệp sẽ tạo ra tín chỉ carbon trên cơ sở sản xuất của mình. Ngoài ra, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện thế giới có quy mô 2 tỷ USD/262 tỷ USD (2021) so với thị trường bắt buộc nhưng thời gian qua phát triển rất nhanh. Doanh nghiệp có thể tham gia thị trường trao đổi tín chỉ carbon tự nguyện trước. Sau đó vẫn có cơ hội quay lại thị trường tín chỉ carbon bắt buộc trong nước khi hình thành, dự kiến thí điểm 2025 và chính thức 2028. Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty tư vấn PwC Việt Nam: Hướng tiếp cận mua bán hạn ngạch phát thải đòi hỏi nhiều thời gian hơn để triển khai Hiện nay có hai phương pháp tiếp cận đối với thị trường carbon, gồm mua bán hạn ngạch phát thải và mua bán tín chỉ để bù trừ. Với cách tiếp cận đầu tiên là mua bán hạn ngạch phát thải, Chính phủ sẽ quy định mức hạn ngạch phát thải, phân bổ cho các công ty. Các công ty sẽ tuân thủ mức hạn ngạch được cấp phép (giảm thiểu phát thải từ hoạt động vận hành; mua thêm hạn ngạch từ các công ty có mức phát thải thực tế ở dưới mức được cho phép). Cách tiếp cận thứ hai, các công ty bù trừ lượng phát thải không giảm được bằng cách mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải không giảm được (thị trường tự nguyện). Hướng tiếp cận mua bán hạn ngạch phát thải đòi hỏi nhiều thời gian hơn để triển khai. Trong khi đó, hướng tiếp cận mua bán tín chỉ để bù trừ carbon phù hợp hơn với khu vực Đông Nam Á trong ngắn hạn. Hướng tiếp cận mua bán tín chỉ để bù trừ carbon nên được triển khai trước ở thời điểm hiện tại. Trong khi hướng tiếp cận mua bán hạn ngạch phát thải có thể được cân nhắc triển khai sau. Cái nào chi phí ít, hiệu quả cao thì làm trước, rồi dần dần đầu tư thêm. Ông Nguyễn Tung Sơn, Trưởng Phòng Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM: Giá trị tín chỉ carbon của mỗi ngành là khác nhau Không phải cứ tạo ra được tín chỉ carbon sẽ bán đồng giá mà giá trị tín chỉ carbon của ngành này sẽ khác với ngành kia, của Việt Nam khác với Singapore, Hàn Quốc; hay vì sao có người bán 5 USD, người kia bán 100 USD… Tùy vào biên độ, thị trường quyết định. Ví dụ tín chỉ carbon sinh ra từ năng lượng mặt trời, điện gió có giá trị thấp vì việc tạo ra tín chỉ carbon là phụ. Khác hẳn với doanh nghiệp nằm trong danh sách phải giảm phát thải khí nhà kính hay doanh nghiệp nằm ngoài danh sách phải áp dụng công nghệ để giảm phát thải, tạo ra tín chỉ carbon có giá trị cao và bán được giá hơn. Bên cạnh đó, có thể hình dung tín chỉ carbon là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, được phân bổ hạn ngạch trong biên độ. Ví dụ 2025-2030 doanh nghiệp phải giảm lượng phát thải khí nhà kính bao nhiêu. Nếu qua giai đoạn này tín chỉ carbon giảm giá trị hoặc bán giá rất thấp. TPHCM dự kiến số lượng các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2023, 2024 là 157 cơ sở. Hiện, TPHCM đang hướng dẫn thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho các cơ sở, nếu cơ sở đáp ứng các yêu cầu sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Tổ chức cá nhân muốn kinh doanh tín chỉ carbon phải nộp đơn đăng ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua hệ thống đăng ký quốc gia. T.D (ghi) |
Tin liên quan
Vi mạch bán dẫn là ngành ưu tiên thu hút đầu tư của TP Hồ Chí Minh
11:14 | 01/11/2024 Kinh tế
Cần gì để tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm?
23:05 | 31/10/2024 Kinh tế
Nhiều cơ hội cho dòng tiền chảy vào bất động phía Nam
18:05 | 31/10/2024 Kinh tế
Đối tác EU không còn "nhân nhượng", Việt Nam phải thích ứng từ chính sách ESG
17:56 | 31/10/2024 Kinh tế
Phát triển khu thương mại tự do: 'Cú hích' để Đà Nẵng phát triển
16:18 | 31/10/2024 Kinh tế
Giá vàng tăng mạnh làm giảm nhu cầu vàng tại Việt Nam
15:57 | 31/10/2024 Kinh tế
Hoa Kỳ không áp thuế chống bán phá giá nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam
15:37 | 31/10/2024 Kinh tế
Bàn giải pháp bứt phá phát triển ngành Logistics
13:49 | 31/10/2024 Kinh tế
7 nhóm hàng xuất khẩu chục tỷ đô
09:24 | 31/10/2024 Xuất nhập khẩu
Lực cản nào hạn chế thị phần hàng Việt tại Anh?
22:32 | 30/10/2024 Kinh tế
Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines đạt gần 6,5 tỷ USD sau 9 tháng
20:04 | 30/10/2024 Kinh tế
Lan tỏa xu hướng sản xuất, tiêu dùng xanh
19:49 | 30/10/2024 Kinh tế
Giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội vẫn còn ít
16:27 | 30/10/2024 Kinh tế
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Vi mạch bán dẫn là ngành ưu tiên thu hút đầu tư của TP Hồ Chí Minh
Cảng Hoàng Diệu lập kỷ lục khai thác 1 triệu tấn hàng trong tháng 10
Kẻ đáng gờm 2 tuổi
Lạm phát của Eurozone trong tháng 10 tăng mạnh hơn dự báo
Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Cuba chống lại lệnh cấm vận của nước ngoài
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
08:35 | 29/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics
Phiên họp Ủy ban Kỹ thuật thường trực WCO tại Bỉ: Dấu ấn điều hành của đại diện Hải quan Việt Nam
09:25 | 29/10/2024 Hải quan
Hành vi buôn lậu “khí cười” tại Công ty Hoa Việt diễn ra thế nào?
10:18 | 29/10/2024 An ninh XNK