Tháo “nút thắt” trong điều hành, quản lý xăng dầu

07:23 | 20/11/2022

(HQ Online) - Nhiều chuyên gia cho rằng để tháo “nút thắt” trong điều hành xăng dầu cần phải tập trung quản lý mặt hàng này về một đầu mối là Bộ Công thương. Việc này sẽ tránh được sự chồng chéo, tạo sự chủ động hơn trong công tác điều hành.

Phối hợp nhịp nhàng mới có thể vận hành ổn định thị trường xăng dầu
Hải quan Quảng Ninh: Khởi sắc thu ngân sách từ xăng dầu, than nhập khẩu
Phối hợp sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn để điều hành thị trường xăng dầu
Nguồn cung xăng dầu vẫn còn nhiều khó khăn. 	Ảnh: Nguyễn Thanh
Nguồn cung xăng dầu vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Thanh

Công cụ, biện pháp nằm trong tay Bộ Công thương

Thời gian qua, tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán với số lượng hạn chế, đã gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan liên quan để theo thẩm quyền và quy định hiện hành thực hiện tổng thể các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, bao gồm cả những giải pháp trước mắt và lâu dài. Các Bộ, cơ quan: Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp cụ thể để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, kết quả xử lý chưa có chuyển biến rõ nét, tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ vẫn tiếp tục diễn ra, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

Thực tế hiện nay, vấn đề trong quản lý, cung ứng và kinh doanh xăng dầu đang được giao cho 7 bộ, ngành, cơ quan chức năng, chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện. Do vậy, các cơ quan phải hợp tác với nhau thật chặt chẽ, nhuần nhuyễn và hiệu quả, nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới và trong nước biến động bất thường như vừa qua. Song, theo nhận định của đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, trách nhiệm chính trong vấn đề quản lý nhà nước về xăng dầu là của Bộ Công Thương, do vậy, vấn đề quan trọng nhất là Bộ Công Thương có kịp thời, nhạy bén nắm bắt thông tin về tình hình kinh doanh xăng dầu trong nước, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn hay không? Những vấn đề nào vướng mắc, ngoài thẩm quyền Bộ Công Thương thì phải báo cáo Chính phủ để Chính phủ có chỉ đạo, giải quyết.

“Thực tế với xăng dầu hiện nay rõ ràng nguồn nhập khẩu, nguồn cung đầu vào không thiếu mà "tắc nghẽn" chính là do khâu quản lý. Có rất nhiều biện pháp, công cụ quản lý hiện nay đều nằm trong tay Bộ Công Thương. Vấn đề là Bộ lựa chọn công cụ nào, giải pháp ra sao để tính toán, cho cả trước mắt và lâu dài”, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm nhận định.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng Bộ Công thương nên sớm vào cuộc, tìm gốc rễ nguyên nhân để từ đó có giải pháp phù hợp. Câu chuyện chiết khấu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay cũng là cả “vấn đề”. Hiện Nhà nước không quy định chiết khấu vì yếu tố này phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá thế giới và sản lượng tồn kho của các thương nhân đầu mối cũng như phương thức bán hàng của hai bên.

Về biện pháp hành chính, Bộ Công thương đang có đầy đủ công cụ pháp lý, cơ sở pháp lý, lực lượng để kiểm tra, kiểm soát cả chuỗi cung ứng xăng dầu từ bán buôn đến bán lẻ, vì tất cả các đầu mối nhập khẩu đều phải được cấp phép của Bộ Công Thương. Tất cả các cửa hàng kinh doanh bán lẻ đều phải có giấy phép bán lẻ của Bộ Công Thương cấp thì mới được hoạt động.

Đề nghị giao đầu mối quản lý về Bộ Công Thương

Để tháo “nút thắt” trong việc điều hành, quản lý xăng dầu, mới đây, Bộ Tài chính cho biết sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo hướng giao toàn diện vấn đề xăng dầu cho Bộ Công Thương quản lý, kể cả quyết định giá và chi phí định mức nhằm đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động. Trước đề xuất này, nhiều chuyên gia đều đồng tình bởi lẽ việc chuyển quản lý xăng dầu về một đầu mối bộ, ngành sẽ tránh được sự chồng chéo, tạo sự chủ động hơn trong công tác điều hành. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, hiện nay, Chính phủ giao Bộ Công Thương quản lý sản xuất, kinh doanh xăng dầu, nhưng lại tách quản lý về cơ chế giá để Bộ Tài chính quản lý là không hợp lý, dẫn đến một số vướng mắc nảy sinh. Do đó, đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chuyển hoàn toàn việc quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương là hợp lý. Bởi Bộ Công Thương là bộ quản lý về hoạt động sản xuất kinh doanh, có trách nhiệm bảo đảm cân đối cung - cầu xăng dầu trên thị trường. Việc quản lý sản xuất, kinh doanh xăng dầu sẽ giúp Bộ Công Thương nắm rõ về giá thế giới, giá trong nước cũng như các chi phí của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu.

Có cùng quan điểm, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, Bộ Tài chính chỉ nên thực hiện nhiệm vụ quản lý khoản thu ngân sách nhà nước, thuế, phí đối với xăng dầu; còn toàn bộ hoạt động kinh doanh, xác định chi phí định mức, giá cơ sở và giá bán lẻ cuối cùng theo cơ chế hiện hành nên giao lại cho Bộ Công Thương. Khi có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo thì chúng ta mới có một thị trường vận hành tốt hơn.

Ông Vũ Đình Ánh cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính về chuyển hoàn toàn việc quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương là hợp lý và cần sớm sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề này đang trong quá trình đề xuất tại dự án Luật Giá (sửa đổi), nếu Luật Giá được thông qua thì Nghị định số 95/2021/NĐ-CP mới có thể điều chỉnh được.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Giá (sửa đổi) theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý về giá đối với một số mặt hàng do Nhà nước quản lý giá về cho các bộ ngành chuyên môn; không tập trung hết về một đầu mối là Bộ Tài chính.

Thùy Linh