Sửa Luật Quản lý thuế: Tăng sức mạnh cho công cụ chống chuyển giá
Doanh nghiệp lớn lỗ lớn
Chuyển giá và kiểm soát chuyển giá đang là bài toán đau đầu của các nhà quản lý nhiều quốc gia trên thế giới chứ không riêng Việt Nam bởi đây là lĩnh vực phức tạp cả về pháp lý và kĩ thuật quản lý, lại thường liên quan đến các công ty đa quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn. Tại Việt Nam, hành vi chuyển giá đã bắt đầu xuất hiện cùng với sự gia tăng của các doanh nghiệp FDI.
Biểu hiện của việc chuyển giá là nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới kinh doanh tại Việt Nam báo lỗ liên tục. Ví dụ như trường hợp của Metro Việt Nam. Doanh nghiệp này bắt đầu đi vào kinh doanh từ 28/3/2002. Và từ đó đến năm 2013, đơn vị này liên tục kê khai lỗ với tổng số tiền 1.657 tỷ đồng, chỉ duy nhất 1 năm lãi 173 tỷ đồng. Mặc dù đã được thanh tra nhiều lần, song chỉ sau khi Metro công bố thương vụ bán hệ thống của mình tại Việt Nam cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với giá lên tới 879 triệu USD, gấp gần 3 lần tổng vốn đầu tư thì nghi vấn chuyển giá của tập đoàn này mới được đặt ra đối với các cơ quan chức năng.
Sau khi thực hiện thanh tra năm 2014, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Metro điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng cộng 507 tỷ đồng. Trong đó, các vi phạm lớn nhất là điều chỉnh giảm lỗ đối với các khoản chi phí chưa đảm bảo các điều kiện và thủ tục như: Chi phí nhượng quyền thương mại, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, chi phí không phục vụ sản xuất, kinh doanh lên tới 335 tỷ đồng. Điều chỉnh giảm khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với khoản thu hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi từ các nhà cung cấp 110 tỷ đồng và 62 tỷ đồng là điều chỉnh thuế nhà thầu nước ngoài.
Những “ông lớn” khác cũng có hành vi chuyển giá như Coca Cola, Pepsi... và chỉ chịu nộp thuế sau khi bị thanh tra và bị truy thu.
Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế- Hải quan, Học viện Tài chính, cơ sở cho việc chuyển giá xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể hoàn toàn có quyền quyết định giá cả của một giao dịch kinh tế. Do vậy, họ hoàn toàn có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá họ mong muốn. Động cơ của hành vi chuyển giá không gì khác chính là lợi nhuận của hoạt động kinh doanh xét trên phương diện tổng thể. Việc xác định giá giao dịch giữa các thành viên của các bên liên kết không thay đổi tổng lợi ích chung nhưng có thể làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của họ. Thông qua việc định giá, nghĩa vụ thuế được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi bị điều tiết thấp hơn và ngược lại.
Theo nhiều chuyên gia, chuyển giá không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng và chứa đựng nhiều rủi ro khác, thậm chí có thể đẩy doanh nghiệp khác vào tình trạng phá sản. Hơn nữa, đấu tranh chống chuyển giá đã phức tạp, đấu tranh chống chuyển giá ở những doanh nghiệp lớn càng khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Bởi các doanh nghiệp lớn luôn có tiềm lực tài chính và một đội ngũ chuyên gia cực kỳ am hiểu về kế toán, tài chính, thuế và luật để có thể tạo ra vô vàn các giao dịch liên kết phức tạp và lập nên các báo cáo tài chính rất công phu, đủ che mắt các cơ quan thuế.
Hoàn thiện thể chế chính sách
Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, công tác chống chuyển giá của Việt Nam đã được chú trọng trong nhiều năm qua. Hệ thống thể chế, chính sách điều chỉnh các hành vi chuyển giá đã không ngừng được hoàn thiện. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết đã được quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Cụ thể, bổ sung nguyên tắc quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; nguyên tắc áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro thấp; nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, nhiều nội dung liên quan đến chống chuyển giá trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. Ví dụ như: Dự thảo đã trao cho cơ quan thuế thẩm quyền kiểm tra thuế, thanh tra tính tuân thủ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết; Cơ quan thuế sẽ ấn định thuế trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện các giao dịch không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh; Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt 20% trên số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn trong trường hợp đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập tờ khai giao dịch liên kết theo đúng quy định về xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết, nhưng cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền khi thanh tra, kiểm tra kết luận số liệu thanh tra, kiểm tra khác với số liệu đã khai của người nộp thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp…
“Tôi cho rằng, công cụ chống chuyển giá đã đủ mạnh để cơ quan thuế xử lý doanh nghiệp cố tình trốn thuế qua hình thức chuyển giá”, bà Nguyễn Thị Cúc khẳng định.
Những năm qua, cơ quan quản lý Thuế tại Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để ngăn chặn hành vi chuyển giá. Động thái đầu tiên đánh dấu sự vào cuộc hóa giải vấn đề chuyển giá chính là sự ra đời của Thông tư 74/1997/TT-BTC hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài, sau đó là Thông tư 89/1999/TT-BTC, Thông tư 13/2001/TT-BTC và Thông tư 117/2005/TT-BTC. Các văn bản nói trên đã thể hiện tinh thần cơ bản xử lý vấn đề chuyển giá là xác định lại giá chuyển giao theo nguyên tắc giá thị trường sòng phẳng. Tuy nhiên, các văn bản nói trên chỉ dừng lại ở đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp FDI mà chưa áp dụng đối với các doanh nghiệp trong nước, tức là mới chú trọng vấn đề chống chuyển giá quốc tế, chứ chưa phải là giải pháp cho vấn đề chuyển giá nội địa. Với sự ra đời của Thông tư 66/2010/TT-BTC, lần đầu tiên ở Việt Nam, một văn bản pháp lý về chống chuyển giá được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, cả doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp khác. Đặc biệt, đến khi Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2017 ra đời, công tác chống chuyển giá tại Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới, đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn và tiến gần hơn với các thông lệ quốc tế trong kiểm soát chuyển giá. Minh chứng cho điều này là theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2017, cơ quan Thuế các cấp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 734 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Từ đó, truy thu, truy hoàn và phạt 2.270 tỷ đồng; giảm lỗ 7.416 tỷ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.134 tỷ đồng. |
Tin liên quan
FTSE Rusell và Morgan Stanley làm việc với Uỷ ban Chứng khoán về nâng hạng thị trường
21:13 | 04/11/2024 Chứng khoán
Thu ngân sách nhà nước năm 2024 sắp cán đích dự toán
15:49 | 04/11/2024 Tài chính
Sửa đổi quy định để công chức thuế chủ động, trách nhiệm hơn
08:42 | 04/11/2024 Tài chính
Đề xuất nhiều giải pháp nhằm rút ngắn thời gian hoàn thuế
17:24 | 03/11/2024 Tài chính
Sàn thương mại điện tử Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam
09:57 | 03/11/2024 Thuế - Kho bạc
Hiệu quả từ xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực Kho bạc Nhà nước
07:31 | 03/11/2024 Tài chính
Cuối tháng 10/2024, còn hơn 2% vốn đầu tư công chưa được phân bổ
12:51 | 02/11/2024 Tài chính
Hoàn thiện pháp luật về thuế xuất nhập khẩu theo hướng miễn giảm đúng đối tượng
09:31 | 02/11/2024 Hải quan
Nhà đầu tư cá nhân được quyền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
17:41 | 01/11/2024 Chứng khoán
Tăng tính chủ động, phân quyền mạnh hơn khi sửa đổi 7 luật về tài chính
08:57 | 01/11/2024 Tài chính
Kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn nợ công quốc gia năm 2024
07:52 | 01/11/2024 Tài chính
Còn áp lực lên mặt bằng giá, phấn đấu CPI bình quân không vượt quá 4%
21:37 | 30/10/2024 Tài chính
Chuyển quyền cho Chính phủ miễn, giảm, xử lý tiền phạt chậm nộp thuế là phù hợp
20:41 | 29/10/2024 Tài chính
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Kiến nghị “cởi trói” thủ tục cho các “anh cả đỏ” về tăng vốn
FTSE Rusell và Morgan Stanley làm việc với Uỷ ban Chứng khoán về nâng hạng thị trường
Những thông tin hấp dẫn trên Tạp chí Hải quan số 89 phát hành ngày 5/11/2024
Chính sách về thuỷ sản chưa sát thực tế, lo doanh nghiệp xuất khẩu bế tắc
Cuộc đua sít sao chưa từng có
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
08:35 | 29/10/2024 Sự kiện - Vấn đề
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics
Phiên họp Ủy ban Kỹ thuật thường trực WCO tại Bỉ: Dấu ấn điều hành của đại diện Hải quan Việt Nam
09:25 | 29/10/2024 Hải quan
Hành vi buôn lậu “khí cười” tại Công ty Hoa Việt diễn ra thế nào?
10:18 | 29/10/2024 An ninh XNK