Nguyên Tổng cục trưởng Lê Mạnh Hùng nói về những ấn tượng cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan
Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hải quan trước thềm kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành, ông chia sẻ những ấn tượng sâu sắc nhất về công tác cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan.
Không muốn nhắc nhiều đến đóng góp của cá nhân, trong câu chuyện với chúng tôi, nguyên Tổng cục trưởng Lê Mạnh Hùng chia sẻ về những cảm nhận, đánh giá của ông đối với sự phát triển của ngành Hải quan.
Trước tiên là câu chuyện về thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa. Ông nhớ lại: Đầu những năm 2000, việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ hải quan ngày càng phát triển. Song song với xu hướng này, ngành Hải quan cũng phải triển khai các chương trình cải cách thủ tục hành chính theo định hướng chung của Chính phủ. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan sớm xác định việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử là một xu thế tất yếu, phù hợp với sự phát triển của cộng đồng Hải quan quốc tế cũng như thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Luật Hải quan 2001 chưa quy định chi tiết cho phép người khai hải quan và cơ quan Hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Tại thời điểm đó, thủ tục hải quan hầu hết vẫn thực hiện thủ công, trên tờ khai hải quan giấy, cơ quan Hải quan kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi cho hàng hóa thông quan. Việc thực hiện thủ tục hải quan thủ công không phù hợp với sự phát triển của hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và xu hướng cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Để triển khai cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng ban hành Quyết định số 810/QĐ-BTC ngày 16-3-2004 về Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2004-2006. Tiếp đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/2005/QĐ-TTg làm cơ sở pháp lý để triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử.
Trong lĩnh vực thể chế, chính sách, với quyết tâm nghiên cứu và đưa thủ tục hải quan điện tử vào triển khai trong thực tế, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo quyết liệt việc sửa đổi Luật Hải quan 2001, bổ sung các quy định về cải cách, hiện đại hoá, việc chấp nhận hồ sơ hải quan điện tử, kiểm tra sau thông quan và các quy định ban đầu về áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro. Do quản lý rủi ro là một khái niệm mới, nhiều bộ, ngành lúc đó chưa đề cập đến khái niệm này nên trong Luật sửa đổi chỉ quy định “Kiểm tra hải quan được thực hiện trên cơ sở phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan để đảm bảo quản lý Nhà nước về hải quan và không gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu”. Để thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hải quan 2005, tập thể lãnh đạo Tổng cục cùng các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã làm việc và báo cáo, làm rõ với Chính phủ và các đoàn đại biểu Quốc hội các quy định mới bổ sung vào Luật Hải quan 2005. Từ đó, Chính phủ và Quốc hội đã nhất trí ủng hộ việc thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp tháng 6-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2006.
Cùng với việc xây dựng thể chế, một trong những tiêu điểm của công tác hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2004-2006 là triển khai có hiệu quả việc thí điểm thủ tục hải quan điện tử tại Cục Hải quan Hải Phòng và Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh. Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong giai đoạn đầu của quá trình cải cách, phát triển và hiện đại hoá, thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai thí điểm tại Cục Hải quan Hải Phòng và Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh, sau đó được mở rộng ra các Cục Hải quan tỉnh, thành phố khác. Chính bởi bước đột phá vào phương pháp quản lý mới này đã tạo sự tin tưởng, quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc triển khai các chương trình, dự án hiện đại hóa giai đoạn sau như Dự án hiện đại hóa WB, Dự án VNACCS/VCIS do Hải quan Nhật Bản tài trợ và làm cơ sở cho việc ban hành Luật Hải quan 2014.
Cùng với tiến trình hiện đại hóa của Ngành, không thể không nhắc đến công tác hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiệp vụ hải quan. Và việc trang bị những máy soi container đầu tiên cho Hải quan là câu chuyện thứ hai được ông đề cập. Nguyên Tổng cục trưởng Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh:
Cùng với việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hải quan, thực hiện hải quan điện tử, Tổng cục Hải quan cũng hết sức chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ kiểm tra, giám sát hải quan và máy soi container là ưu tiên hàng đầu.
Trong khi các hệ thống máy soi đòi hỏi vốn đầu tư lớn và để tiết kiệm ngân sách, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định viện trợ không hoàn lại 2 hệ thống máy soi trị giá khoảng 10 triệu USD, để trang bị tại cảng Cát Lái (TP.HCM) và cảng Hải Phòng. Tiếp đó, thông qua quỹ hợp tác ASEAN- Nhật Bản, Nhật Bản đã tài trợ thêm một máy soi dạng cổng trị giá khoảng 2 triệu USD, để trang bị cho cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị). Đây chính là những chiếc máy soi container đầu tiên mà ngành Hải quan được trang bị, từ đó tạo đà để ngành Hải quan trang bị thêm được 8 máy soi container nâng số máy soi của toàn Ngành hiện nay lên con số 11, góp phần đẩy nhanh công cuộc cải cách, phát triển và hiện đại hoá hải quan, giảm thời gian, chi phí thông quan hàng hoá cho doanh nghiệp.
Liên quan đến công tác xây dựng lực lượng, nguyên Tổng cục trưởng Lê Mạnh Hùng nhớ lại:
Thời điểm đó, Tổng cục Hải quan tập trung nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ cấu, tổ chức của Ngành theo hướng quản lý tập trung, nâng vai trò tham mưu, chỉ đạo của các Vụ, Cục khối cơ quan Tổng cục. Dấu ấn nổi bật trong thời kỳ này là chuyển một số khâu nghiệp vụ từ trong thông quan sang bộ phận kiểm tra sau thông quan, hình thành bộ máy tham mưu, chỉ đạo công tác cải cách, hiện đại hóa từ Tổng cục xuống các Cục Hải quan địa phương…
Trong công tác xây dựng lực lượng, Tổng cục Hải quan luôn chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho toàn thể đội ngũ CBCC, nâng cao ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động… Giai đoạn này, Tổng cục Hải quan ban hành nhiều văn bản chỉ đạo với mục tiêu xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch, vững mạnh. Đồng thời các quy định ban đầu về áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong Luật Hải quan 2005 đã giảm thiểu rủi ro cho công chức Hải quan, đặc biệt là lãnh đạo Hải quan các cấp trong việc thực hiện thủ tục hải quan, phân định rõ trách nhiệm của công chức, lãnh đạo trong quy trình thủ tục hải quan. Từ đó, các đơn vị trong Ngành đã quán triệt và thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn công tác phòng, chống tham nhũng và trong thời gian này, ngành Hải quan đã không để xảy ra các vụ việc lớn liên quan đến công chức Hải quan vi phạm pháp luật.
Giai đoạn ông Lê Mạnh Hùng đảm nhận ví trí người đứng đầu Ngành cũng là thời kỳ Tổng cục Hải quan quyết định chuyển và xây dựng trụ sở mới. Ông chia sẻ: Giai đoạn tôi làm Tổng cục trưởng, trụ sở tại 162- Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) được xây dựng từ đầu những năm 1980 với quy mô phục vụ cho 200 CBCC làm việc không còn đáp ứng được trước sự phát triển mạnh mẽ của Ngành. Bởi số CBCC khối cơ quan Tổng cục thời điểm đó gần 1.000 người, hơn nữa với xu hướng quản lý hải quan tập trung ở cơ quan Trung ương nên số lượng CBCC tại cơ quan Tổng cục sẽ tiếp tục tăng lên. Trước bối cảnh đó, Tổng cục Hải quan đã báo cáo và được Bộ Tài chính quyết định sẽ lựa chọn địa điểm để xây dựng trụ sở làm việc mới. Nhưng việc tìm được địa điểm phù hợp không hề dễ dàng. Sau nhiều buổi làm việc của lãnh đạo Tổng cục Hải quan với Bộ Tài chính và UBND TP.Hà Nội, địa điểm xây dựng trụ sở mới được quyết định là Lô E3- Khu đô thị mới Cầu Giấy (nay là đường Dương Đình Nghệ) như hiện nay.
Trước khi chia tay phóng viên Báo Hải quan, nguyên Tổng cục trưởng Lê Mạnh Hùng chia sẻ thêm một ấn tượng lớn nữa, đó chính là việc xây dựng cơ chế khoán biên chế và kinh phí cho ngành Hải quan. Hải quan được xem là cơ quan đi đầu trong khối cơ quan Trung ương về cải cách, hiện đại hóa. Nhưng để thực hiện và duy trì được hoạt động này, góp phần quan trọng vào tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng của đất nước đòi hỏi phải có những sự đầu tư nhất định. Điều này được Quốc hội, Chính phủ ghi nhận và ủng hộ, tạo điều kiện thông qua việc khoán biên chế và kinh phí cho ngành Hải quan theo Công văn số 307/UBTVQH11 ngày 24-12-2004 và Quyết định số 109/2005/QĐ-TTg ngày 16-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ cơ chế này, ngành Hải quan có nguồn lực tài chính để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho công tác hiện đại hoá như hệ thống máy soi, camera giám sát, tàu tuần tra, trang thiết bị công nghệ thông tin, trụ sở làm việc khang trang, hiện đại của các đơn vị từ Tổng cục đến các Chi cục. Đến nay, chính sách này đang tiếp tục phát huy hiệu quả và giữ vai trò quan trọng để ngành Hải quan thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Là Tổng cục trưởng đầu tiên trưởng thành từ Tổng cục Hải quan, ông có thể chia sẻ gì về vinh dự này”?
Ông Lê Mạnh Hùng tâm sự: Trước đó, trong quá trình xây dựng và phát triển của Tổng cục Hải quan, vị trí người đứng đầu luôn được Đảng, Nhà nước phân công, điều động cán bộ chủ chốt từ các bộ, ngành, địa phương khác về. Dù không xuất thân từ lực lượng Hải quan nhưng các vị lãnh đạo tiền bối luôn có đóng góp rất to lớn vào những thành tích chung của Ngành. Nhất là đã góp công đào luyện, xây dựng được đội ngũ CBCC vững về phẩm chất, bản lĩnh chính trị, mạnh về chuyên môn nghiệp vụ, đủ sức đảm đương nhiều trọng trách, dẫn dắt hoạt động Hải quan Việt Nam ngày càng tiến lên hiện đại hóa hải quan, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Lúc lựa chọn vị trí người đứng đầu ngành Hải quan vào đầu năm 2004, Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính nhưng Tổng cục trưởng do Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm. Bộ Tài chính đã đánh giá đội ngũ cán bộ chủ chốt của ngành Hải quan ngày càng trưởng thành, việc lựa chọn người đảm đương chức vụ Tổng cục trưởng từ ngành Hải quan lúc này là cần thiết. Điều này thể hiện niềm tin của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính vào bản lĩnh chính trị, vào năng lực và sự trưởng thành của Hải quan Việt Nam, vì vậy, việc tôi được bổ nhiệm Tổng cục trưởng vừa là vinh dự của cá nhân vừa là vinh dự chung của toàn Ngành. |
Tin liên quan
Hải quan Khánh Hòa công nhận địa điểm kiểm tra đá xây dựng gần 9.000 m2
18:43 | 08/11/2024 Hải quan
Tổng cục Hải quan ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của Hiệp hội Logistics Việt Nam
18:16 | 08/11/2024 Hải quan
Cần đưa quy định xuất nhập khẩu tại chỗ về đúng bản chất của thực tiễn
16:35 | 08/11/2024 Hải quan
Hải quan Quảng Trị: Thu từ than đá nhập khẩu giảm mạnh
08:29 | 08/11/2024 Hải quan
Hải quan Hải Phòng giải quyết thủ tục hơn 250 nghìn tờ khai trong tháng 10
20:56 | 07/11/2024 Hải quan
Lấy ý kiến hoàn thiện quy định thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
20:27 | 07/11/2024 Hải quan
Tổng cục Hải quan lấy ý kiến về Đề án Cửa khẩu số
21:47 | 06/11/2024 Hải quan
Hàng hóa xuất nhập khẩu qua Hải quan Hải Phòng tăng mạnh
14:10 | 06/11/2024 Hải quan
Hải quan Hòn Gai về đích sớm nhiều chỉ tiêu năm 2024
09:15 | 06/11/2024 Hải quan
Nỗ lực thu thuế xuất nhập khẩu trước tác động từ FTA
08:21 | 06/11/2024 Hải quan
Hải quan Nghệ An: Thu ngân sách vượt thách thức sớm về đích
14:15 | 05/11/2024 Hải quan
Ngành Hải quan đặt mục tiêu chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2015
14:00 | 05/11/2024 Hải quan
Ngành Hải quan triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2024
16:10 | 04/11/2024 Hải quan
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Samsung Việt Nam tổ chức Ngày hội Trách nhiệm xã hội lần thứ 2
Hải quan Khánh Hòa công nhận địa điểm kiểm tra đá xây dựng gần 9.000 m2
4 thách thức gây áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ
Tổng cục Hải quan ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của Hiệp hội Logistics Việt Nam
TP Hồ Chí Minh “tiếp sức” doanh nghiệp công nghiệp và logistics
(INFOGRAPHICS): Thu ngân sách tại 10 đơn vị hải quan tăng 11,86%
14:03 | 04/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics
Phiên họp Ủy ban Kỹ thuật thường trực WCO tại Bỉ: Dấu ấn điều hành của đại diện Hải quan Việt Nam
09:25 | 29/10/2024 Hải quan
Hành vi buôn lậu “khí cười” tại Công ty Hoa Việt diễn ra thế nào?
10:18 | 29/10/2024 An ninh XNK