Đại dịch Covid-19 có sức tàn phá ghê gớm đối với kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ chủ động trong việc "dọn tổ đón đại bàng" của các địa phương trong thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn đã chọn Việt Nam để "làm tổ", kéo theo nhiều DN khác cũng đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. |
Trò chuyện với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhắc đến quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án của Tập đoàn Toto (Nhật Bản) vào cuối năm 2020. Một hành trình được vị Chủ tịch này ví von là “giai thoại”. Ông Lê Duy Thành kể: trong chuyến công du đầu tiên của mình trên cương vị mới vào tháng 10/2020, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide khi ấy đã chọn đến Việt Nam. Hai bên đã thống nhất chọn một dự án điển hình để trao giấy chứng nhận đầu tư, đánh dấu một bước mới trong quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản. “Lần đầu tiên, một dự án FDI được chúng tôi hoàn tất thủ tục chỉ trong 36 giờ sau khi nhà đầu tư nộp hồ sơ cho tỉnh Vĩnh Phúc. Để có được kết quả này, chúng tôi đã huy động tất cả bộ máy của các ngành liên quan để hoàn tất triển khai thủ tục cho dự án trong thời gian nhanh nhất”, ông Lê Duy Thành nói. |
Chia sẻ về quan điểm của tỉnh trong thu hút đầu tư, lãnh đạo Vĩnh Phúc cho biết, mục tiêu bảo vệ DN, giữ an toàn cho DN luôn được đặt lên hàng đầu. Trong thời kỳ dịch bệnh, Vĩnh Phúc luôn xác định quan điểm rõ ràng: Lấy chống dịch an toàn là một điều kiện để thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư và tạo môi trường cho DN phát triển. Một tổ công tác đặc biệt cũng đã được tỉnh này thành lập để hỗ trợ DN, trong đó có DN FDI. Các lãnh đạo DN FDI có thể đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhờ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh, thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc vẫn rất khả quan, tăng vượt so với kế hoạch năm và tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, và tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong đó 9 tháng đầu năm 2021 tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút vốn FDI đạt 992,48 triệu USD, bằng 248,12% kế hoạch năm và tăng 218,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Sở dĩ Vĩnh Phúc thành công trong thu hút FDI bởi đây là một tỉnh có cách đi riêng trong việc “xây tổ đón đại bàng”. Bên cạnh chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch, “thần tốc” trong xử lý thủ tục, tháo gỡ vướng mắc, việc đặt sự an toàn của DN lên hàng đầu chính là bí quyết đem lại thành công cho địa phương này trong thu hút FDI thời gian qua. Vĩnh Phúc hiện đang là một trong 4 địa phương có cơ sở hạ tầng và các điều kiện phục vụ cho phát triển công nghiệp tốt nhất cả nước và luôn nằm trong top đầu các tỉnh, thành về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. |
Bắc Ninh cũng là một địa phương phía Bắc có nhiều cách làm hay để giữ chân DN FDI và thu hút nguồn vốn đầu tư mới. Nếu như Vĩnh Phúc lựa chọn chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch, nhanh chóng xử lý thủ tục, tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư thì Bắc Ninh, với đặc điểm có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất cả nước đã đặt tiêu chí “2 ít” là ít đất, ít dùng lao động, tập trung khuyến khích các dự án công nghệ cao, tiết kiệm đất, dùng ít lao động. Tỉnh cũng có tiêu chí “3 cao” là: suất vốn đầu tư các dự án FDI cao, tăng cường tính lan toả dự án; ưu tiên các dự án FDI công nghệ cao, gắn với giải quyết vấn đề gây ô nhiễm môi trường; hiệu quả cao, tập trung làm sao thu hút nguồn lực cho ngân sách, góp phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Bắc Ninh có “4 sẵn sàng”, trước hết là tập trung sẵn sàng mặt bằng, tạo cho các nhà đầu tư đến với Bắc Ninh có điều kiện tốt nhất; sẵn sàng nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu tư; sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật; sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, trong thời gian tới, để tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, Bắc Ninh sẽ tập trung vào các nội dung: tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, ưu đãi cho các nhà đầu tư; phương châm “3 cao, 4 sẵn sàng” tiếp tục được triển khai, sẵn sàng về mặt bằng, hạ tầng đầu tư, cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất về nguồn nhân lực, các cơ quan quản lý nhà nước sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, thay đổi phương thức xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư theo đúng địa chỉ mà chúng ta mong muốn, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư một cách chủ động; có phương án thu hút đầu tư vào từng lĩnh vực thế mạnh của địa phương (công nghiệp điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…), tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ DN về điều kiện sản xuất, phương tiện đi lại cho công nhân, điều kiện ăn ở cho công nhân, tháo gỡ cơ chế cho chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam… |
Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh |
Hà Nội với vị thế là Thủ đô, là trái tim của cả nước, là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, trong nhiều năm qua, TP Hà Nội luôn xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam; là động lực quan trọng để phát triển Thủ đô, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, chính quyền TP luôn tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người lao động làm việc trong doanh nghiệp. Với mong muốn thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào Thủ đô, chính quyền TP Hà Nội đã và đang tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của TP. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP đã thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký vào khoảng 48,7 tỷ USD. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù TP Hà Nội chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của TP Hà Nội, đã đầu tư vào Hà Nội với số vốn đăng ký là 1,28 tỷ USD; qua đó đã đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội chung của TP, với khoảng 10% tổng thu ngân sách của TP, 12,6% vốn đầu tư phát triển, 30% tổng việc làm và 45% tổng kim ngạch xuất nhập của toàn TP. “Đây là một minh chứng vững chắc về môi trường đầu tư kinh doanh của TP Hà Nội và là điểm đến an toàn, hấp dẫn và ổn định cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định. Tinh thần “dọn tổ đón đại bàng” đã được Chính phủ và người đứng đầu đặc biệt chú trọng. Ngay từ những tháng đầu năm 2020, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi ấy còn là Thủ tướng Chính phủ đã nhận thấy trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở đất nước còn nghèo, không thể có một hạ tầng hoàn thiện, một cơ chế hoàn thiện, vì vậy “chúng ta biết tạo nên một sức mạnh từ lợi thế của Việt Nam và phải làm nhanh hơn, tốt hơn”. Nếu cứ bình bình với cách làm cũ, trì trệ, không đổi mới thì khó có thể thành công. Vì vậy, một tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng lãnh đạo một số cơ quan đã được thành lập để đón sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng mạnh mẽ hậu dịch Covid-19. |
Đến năm 2021, tiếp tục kế thừa tinh thần luôn sát cánh cùng các DN FDI, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tiếp có các cuộc làm việc với đại sứ các nước và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN trong bối cảnh dịch Covid-19. Tại các cuộc làm việc này, trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, hiệu quả và không né tránh, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp giải đáp, làm rõ nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể của DN. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Đại sứ Hàn Quốc, hiệp hội DN và kết nối trực tuyến với gần 30 DN Hàn Quốc tại Việt Nam ngày 14/9/2021. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Chính vì vậy, dù chịu nhiều tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, trong làn sóng đầu tư, chuyển dịch chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn trên thế giới, nhiều “đại bàng” vẫn chọn Việt Nam để “làm tổ” và nhiều “đại bàng” khác cũng đã có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù dòng FDI toàn cầu chưa có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, nhưng trong 9 tháng năm 2021, bất chấp những khó khăn do đại dịch, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng trở lại, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. |
Tình hình thu hút vốn FDI tại Việt Nam 9 tháng đầu năm |
Dù Việt Nam đã "dọn tổ" tốt, nhưng đại dịch lại là nguyên nhân bất khả kháng, ngay khi nhận diện được mối nguy từ đại dịch, Chính phủ đã ngay lập tức bắt tay vào công cuộc phòng chống và cứu trợ nền kinh tế. Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với đại dịch đã được cộng đồng DN FDI ghi nhận, đánh giá cao và bày tỏ sự lạc quan vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam, đồng thời cam kết tiếp tục đầu tư, kinh doanh lâu dài. Đặc biệt là khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra thông điệp về xây dựng lộ trình thích ứng an toàn, xác định quan điểm mới về chống dịch và “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. |
Infographics: Những dự án FDI điển hình trong 9 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam. |
Theo đánh giá trong nghiên cứu toàn cầu do ngân hàng HSBC công bố mới đây, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn. HSBC nhận định, Việt Nam không chỉ là một câu chuyện thành công về chuỗi cung ứng gia công với lợi thế về vị trí địa lý, mà còn đang thiết lập một động cơ tăng trưởng kinh tế nội tại. Điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn. Đặc biệt, Việt Nam ngày càng trở thành địa chỉ đầu tư tốt đối với các DN nước ngoài bởi thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có tính thanh khoản thuộc nhóm cao nhất ASEAN, chỉ đứng sau Thái Lan. Điều này đồng nghĩa, các xu hướng môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư khi vào Việt Nam. Nhìn vào những con số thu hút vốn FDI trong 9 tháng năm 2021 có thể dễ dàng nhận thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư. Singapore tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về vốn đầu tư tại Việt Nam. |
Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó yêu cầu phải đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư, xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, nhấn mạnh tới việc ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành…, không xem xét mở rộng đầu tư với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiểm ẩn rủi ro môi trường… Chính vì thế, thu hút vốn FDI trong giai đoạn tới càng phải “tinh lọc”, phải có sự thay đổi về chất, để các dự án phải đem đến hiệu quả cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, để cả nhà đầu tư và nền kinh tế Việt Nam, DN Việt Nam cùng hưởng “trái ngọt”. Để gỡ vướng cho quá trình đầu tư tại Việt Nam, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành quyết định bãi bỏ hàng chục thủ tục trong lĩnh vực đầu tư, nhằm gỡ vướng cho quá trình đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, ban hành kèm 65 bộ thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam từ cấp trung ương, cấp tỉnh và thủ tục do ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất thực hiện. “Các thủ tục hành chính này đều nhằm mục đích tạo thuận lợi thông thoáng cho hoạt động đầu tư của người dân, DN, chủ đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, việc thu hút vốn FDI trong thời gian tới phải có chọn lọc hơn, hướng tới việc lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ..., tức là lấy hiệu quả đầu ra làm tiêu chí đánh giá, làm sao thu hút những dự án sử dụng ít đất hơn, ít tài nguyên hơn, ít năng lượng hơn, ít lao động hơn nhưng lại có đóng góp vào ngân sách lớn hơn. Đó chính là những dự án công nghệ cao và chỉ công nghệ cao mới giải quyết được những vấn đề đó. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, tham gia của cả DN và Chính phủ; đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ DN trong nước kết nối với DN FDI; trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, cần có chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng thời kỳ, tránh đầu tư dàn trải, không hiệu quả.
Bên cạnh đó, cũng cần rà soát các DN FDI theo hướng phân loại, đánh giá tuân thủ pháp luật, nhất là bảo vệ môi trường và chống chuyển giá; thận trọng khi xem xét các dự án về luyện thép, nhiệt điện, nhôm. Rà soát lại các ưu tiên, ưu đãi cho DN FDI, đặc biệt là đối với DN có công nghệ thấp, tốn diện tích, tiêu hao năng lượng cao, rủi ro môi trường và các DN không có kế hoạch gắn kết lâu dài tại Việt Nam; thay đổi chính sách ưu đãi, chỉ tập trung cho những DN công nghệ cao có chuyển giao công nghệ, gắn kết với DN trong nước. Và chỉ cấp giấy phép cho những dự án có công nghệ cao và đóng góp trực tiếp vào việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao. Ngoài ra, khuyến khích các dự án liên doanh với DN bản xứ,… Song song với đó DN FDI phải có lộ trình để các DN trong nước từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, nhất là khâu nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động Việt Nam trước mắt và lâu dài. Có như thế, Việt Nam sẽ tận dụng được khối FDI nhằm nâng cao thương hiệu quốc gia thông qua việc nắm bắt những tiến bộ khoa học kỹ thuật, để có được lực lượng nòng cốt cho ngành cơ khí hiện đại trong tương lai. Mới đây trong buổi tới thăm nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại và làm việc với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên tại Khu công nghiệp Yên Bình (thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) (ngày 3/9/2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh mong muốn Samsung gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và gia tăng giá trị xuất khẩu trong các sản phẩm của Samsung sản xuất tại Việt Nam thời gian tới; đề nghị Samsung tăng cường chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý cho phía Việt Nam; xem xét tạo điều kiện để có người Việt Nam nằm trong số lãnh đạo cấp cao của Samsung tại các nhà máy ở Việt Nam. |
Không chỉ trải “thảm đỏ” để thu hút đầu tư, trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã từ chối khá nhiều dự án FDI chất lượng thấp, không đảm bảo tiến độ, có tác động không tốt tới môi trường. Theo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bắc Ninh, song song với việc tiếp nhận, cấp phép cho các dự án FDI mới, địa phương này cũng đã mạnh tay thu hồi nhiều dự án FDI không đảm bảo tiến độ. Và chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến tháng 5/2021, địa phương này đã xử lý, quyết định thu hồi 20 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư xấp xỉ 210 triệu USD. Không chỉ Bắc Ninh, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, địa phương này đã thẳng thừng từ chối nhiều dự án FDI do không đáp ứng được các tiêu chí về thu hút đầu tư, bao gồm những dự án có công nghệ lạc hậu, có khả năng gây ô nhiễm môi trường hoặc các dự án đầu tư nhằm tận dụng đất đai, tận dụng lao động giá rẻ... Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều địa phương trên cả nước đã tỏ rõ quan điểm, kiên quyết nói “không” với những dự án có vốn đầu tư nước ngoài kém chất lượng, không đảm bảo được những vấn đề về môi trường, chậm tiến độ... Sự mạnh tay của các địa phương trong việc thu hồi các dự án FDI cho thấy, tư duy trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đã có những thay đổi rõ rệt. Có thể thấy việc trải thảm đỏ hút vốn đầu tư, thu hút tất cả những dòng vốn không cần tính đến chất lượng, đã và đang qua. |
PV: Trước những khó khăn của DN, Chính phủ đã có những giải pháp, chính sách gì để tháo gỡ khó khăn và chia sẻ với các nhà đầu tư nước ngoài, để họ yên tâm đầu tư lâu dài, bền vững tại Việt Nam? Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc: Trong bối cảnh các DN phải đối mặt với khó khăn, thách thức trước đại dịch, cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách liên tiếp và nghiêm ngặt, Chính phủ đã tham mưu cho Đảng hoặc trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm đảm bảo vừa phòng chống, dịch bệnh, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là DN là chủ thể, trung tâm; đầu mối giải quyết là các địa phương; Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sẽ đồng hành, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất về cơ chế, chính sách để DN duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất. Qua làm việc, các Hiệp hội DN nước ngoài, DN FDI đều ghi nhận và đánh giá cao các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN thời gian qua; và cho rằng các chính sách này đã góp phần giảm bớt những khó khăn mà DN đang phải gánh chịu, giúp DN có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Với chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, hoạt động FDI tiếp tục sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. PV: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những kiến nghị, giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn và thách thức mà DN trong các khu công nghiệp (KCN) và Khu kinh tế (KKT) đang phải đối mặt, thưa bà? Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc: Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động làm việc với các DN FDI, các Ban quản lý KCN, KKT. Qua tổng hợp, có 6 nhóm vấn đề khó khăn mà các DN trong KCN, KKT đang phải đối diện. Đến nay, về cơ bản các khó khăn của các DN trong KCN, KKT đã được giải quyết bằng các Nghị quyết của Chính phủ. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện một số giải pháp mang tính cấp thiết và một số giải pháp mang tính dài hạn. Thứ nhất, cần triển khai nhanh, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung vào các điểm nghẽn, ách tắc với phương châm "sớm nhất, hiệu quả nhất" nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực với DN; tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và chuỗi lao động. Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN. Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tổ chức hàng loạt buổi làm việc trực tiếp với các DN để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc; đồng thời làm việc trực tiếp với các bộ, ngành có liên quan và UBND địa phương để xử lý sớm nhất, hiệu quả nhất khó khăn của DN. Thứ ba, các địa phương cần khẩn trương xây dựng, công bố ngay chương trình phục hồi kinh tế và kế hoạch mở cửa trong tình hình mới. DN chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh tại địa phương và điều kiện thực tế của DN. Hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy. Tăng cường đối thoại giữa DN và chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn và đánh giá thực chất quá trình xử lý kiến nghị của DN. Về dài hạn, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về KCN, KKT để tạo thuận lợi cho phát triển KCN, KKT, theo hướng tiếp tục kiện toàn, thực hiện triệt để việc phân cấp, uỷ quyền cho Ban Quản lý KCN, KKT để thực hiện có hiệu quả mô hình “một cửa, tại chỗ”; tiếp tục đổi mới mô hình các khu theo hướng chuyên ngành, chuyên môn hoá và phát triển bền vững (KCN sinh thái, KCN chuyên sâu…); xây dựng nhà ở và thiết chế cho người lao động đồng bộ với quá trình phát triển KCN, KKT và thu hút đầu tư. PV: Trước những nỗ lực của Chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài có đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của Việt Nam thưa bà ? Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc: Thực tế cho thấy, mặc dù đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam; dòng vốn FDI toàn cầu sụt giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi, nhưng trong 9 tháng đầu năm 2021, chúng ta vẫn thu hút được tới 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Điều này thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài, DN FDI vào môi trường kinh doanh của Việt Nam và tính hiệu quả trong các giải pháp đồng hành, hỗ trợ DN và thu hút đầu tư của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cộng đồng DN FDI đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, bày tỏ sự lạc quan vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam và cam kết tiếp tục đầu tư, kinh doanh lâu dài, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng lộ trình thích ứng an toàn, xác định quan điểm mới về chống dịch. Bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để chúng ta tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử. Đồng thời, góp phần thúc đẩy một số mô hình sản xuất kinh doanh mới như: kinh tế số, chuyển đổi DN dựa trên nền tảng số; phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như công nghiệp dược, tăng cường hệ thống năng lực y tế của địa phương… Đây cũng chính là cơ hội để các nhà đầu tư nghiên cứu cơ hội đầu tư. Gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các DN nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các DN trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, có 67% số DN châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam. DN Nhật Bản bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2021, trong đó 47% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. DN Hàn Quốc đều có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam và phần lớn DN Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, tin tưởng Việt Nam sẽ sớm khống chế dịch bệnh. Những tín hiệu tích cực này đã cho thấy sự lạc quan, tin tưởng về khả năng phục hồi phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ của Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, khẳng định Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư. PV: Xin cảm ơn bà! |