Theo tính toán của Bộ Y tế, để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, 70% dân số Việt Nam phải được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Như vậy, Việt Nam cần khoảng 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho người dân. Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp với chủng mới, nguồn vắc xin khan hiếm, Chính phủ đã kịp thời triển khai chiến lược "kiềng ba chân" để có vắc xin nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất có thể. Phát biểu tại Lễ phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19 toàn quốc ngày 10/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Với tầm nhìn xa và giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm thực hiện chiến lược vắc xin. Chiến lược vắc xin tập trung vào các nội dung chính, bao gồm nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu để sản xuất và phát triển vắc xin trong nước nhằm chủ động và tiêm miễn phí vắc xin cho nhân dân. Để thực hiện được việc đó, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã tập trung tổng hợp nhiều biện pháp như tăng cường đàm phán, ngoại giao, huy động tài chính để mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vắc xin". |
Tại Việt Nam, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ghi nhận ngày 23/1/2020, đến nay gần 2 năm dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, nhiều địa phương đã và đang phải trải qua đợt giãn cách xã hội kéo dài. Để đối phó được với dịch bệnh, vắc xin đang được đánh giá biện pháp hiệu quả nhất. Trong thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh công tác ngoại giao vắc xin. Các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã có hàng trăm cuộc điện đàm, tiếp xúc ở trong và ngoài nước với Chính phủ các nước, các hãng sản xuất vắc xin để vận động viện trợ và bán vắc xin cho Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã tham gia trực tiếp vào công tác ngoại giao vắc xin. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan cùng với hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc.
Ngày 13/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ xúc tiến, vận động, viện trợ vắc xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch Covid-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc phòng chống Covid-19 từ các đối tác đa phương và song phương. Cùng với các bộ, ngành, Bộ Y tế đã có hơn 200 cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vắc xin như: COVAX, AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson… Việc này thể hiện những nỗ lực của Bộ Y tế để có thêm vắc xin phòng Covid-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường mới. Trên hành trình tìm kiếm nguồn vắc xin cho người dân Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã chung tay, góp sức cùng với Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành tiếp cận với các đơn vị sản xuất vắc xin trên thế giới để đàm phán mua vắc xin. Đơn cử, Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đặt hợp đồng mua 30 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca. Đến nay, hợp đồng này của VNVC đã mang về gần 15 triệu liều vắc xin cho Việt Nam; Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn nhập khẩu 5 triệu liều vắc xin Covid-19 Vero Cell Inactivated được sản xuất tại cơ sở Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch. Từ những nỗ lực của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp lãnh đạo cấp cao các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Tổ chức Y tế thế giới và nhiều đối tác đã đồng ý cung ứng vắc xin cho Việt Nam thông qua đàm phán mua và viện trợ. Bộ Y tế thông tin, dự kiến Việt Nam có khoảng 124 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn khác nhau cam kết cung ứng cho Việt Nam đến cuối năm 2021 và lượng vắc xin sẽ về nhiều vào cuối năm nay. Tính đến ngày 20/9, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 50 triệu liều vắc xin Covid-19 các loại khác nhau, gồm: AstraZeneca, Vero Cell, Moderna, Pfizer, Sputnik… Đồng thời, Việt Nam cũng đã cấp phép lưu hành 8 loại vắc xin phòng Covid-19 trong điều kiện khẩn cấp để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, đó là: AstraZeneca, Gam-Covid-Vac (Spunik V), Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Spikevax (Moderna), Janssen, Hayat-Vax và Abdala. |
Từ lời kêu gọi của Chính phủ, Qũy Vắc xin phòng, chống Covid-19 đã liên tục nhận được sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, kiều bào ở nước ngoài. Theo thông tin mới nhất từ Ban Quản lý Quỹ vắc xin phòng Covid-19, tính đến 17h ngày 20/9/2021, tổng số huy động cho Quỹ là 8.691,8 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 13,5 tỷ đồng). Đây là số tiền ủng hộ của 549.128 lượt tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đáng chú ý, đến thời điểm này Quỹ đã chi 4.506,8 tỷ đồng, trong đó, chi mua vắc xin 4.498 tỷ đồng và chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin 8,8 tỷ đồng. |
Cũng như nhiều nước trên thế giới, nguồn cung vắc xin của Việt Nam đang bị phụ thuộc vào các hãng sản xuất vắc xin. Để sớm chủ động nguồn cung vắc xin, Bộ Y tế đã đồng hành cùng với các doanh nghiệp đủ năng lực tìm kiếm, hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin từ nước ngoài. Một trong những doanh nghiệp đang tham gia vào chuỗi cung ứng vắc xin Covid-19 là Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech). Vabiotech đã ký thỏa thuận với quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc xin phòng Covid-19 Sputnik-V từ bán thành phẩm, với quy mô 5 triệu liều/tháng, bắt đầu từ tháng 7/2021. Với kinh nghiệm nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nhiều năm, ngày 24/9 vừa qua, Vabiotech đã gia công, sản xuất thành công lô vắc xin phòng Covid-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam. Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech cho biết, lô vắc xin này đã được phía Nga phân tích và đánh giá đáp ứng yêu cầu quy chuẩn. Với lô vắc xin đầu tiên này sẽ giúp cho người dân Việt Nam sớm tiếp cận được nguồn vắc xin chất lượng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. |
Tập đoàn Vingroup đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Hoa Kỳ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19. Theo thoả thuận, Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Vinbiocare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vắc xin phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vắc xin ARCT-154 của Arcturus). Theo lộ trình, Vinbiocare sẽ phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo của Bộ Y tế Việt Nam đưa vắc xin VCB-COV19-154 vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam trên quy mô 20.000 người. Tháng 12/2021, VinbioCare dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Y tế xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện để sử dụng VCB-COV19-154 tại Việt Nam. Dự kiến, lô vắc xin đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào đầu năm 2022. Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ: “Việc nhận chuyển giao công nghệ vắc xin ARCT-154 của Arcturus là bước tiến quan trọng trong mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước tự chủ về vắc xin phòng Covid-19”. Cùng với đó, Công ty Nhật Bản Shionogi ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin tại tổ hợp Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein với Công ty MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 và Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc tế. Mới đây, Bộ Y tế đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin với đối tác Cuba để tiếp cận hồ sơ chuyên giao công nghệ sản xuất vắc xin Abdala. Bộ Y tế đã giao cho Công ty TNHH MTV vắc xin Pastteur Đà Lạt thoải thuận với đối tác Cuba về các điều khoản dự thảo Hợp đồng chuyển giao công nghệ và lập kế hoạch làm việc với đoàn chuyên gia Cuba sang khảo sát tại Việt Nam. Đánh giá về những kết quả chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin ở Việt Nam, TS Phạm Công Hiệp, giảng viên cao cấp Đại học RMIT Việt Nam cho biết, Chính phủ đang rất quyết đoán trong việc biến Việt Nam thành nguồn cấp vắc xin cho toàn thế giới thông qua các thoả thuận chuyển giao công nghệ, cũng như nghiên cứu và phát triển vắc xin trong nước. |
Ngoài việc ký kết với các doanh nghiệp nước ngoài để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, tại Việt Nam, có 4 doanh nghiệp tuyên bố tham gia vào việc nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19, gồm: Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Dược Nanogen, Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm y tế (Vabiotech), Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC – Bộ Y tế) cùng Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC). Đến thời điểm này, có 2/4 đơn vị kể trên đang thực hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trên người. Trong đó, vắc xin Nano Covax được Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp, hiện đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên người. Ngày 19/9, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã có thông tin, vắc xin Covid-19 Nano Covax "đạt yêu cầu về tính an toàn, chưa có dữ liệu đánh giá hiệu lực bảo vệ". Hội đồng Đạo đức chấp thuận các kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (tính đến thời điểm đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 3) và sẽ gửi cho thường trực Hội đồng tư vấn xem xét. Hội đồng cũng đề nghị Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Dược Nanogen và nhóm nghiên cứu vắc xin hoàn thiện báo cáo và tiếp tục triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax theo đề cương đã được phê duyệt để hoàn tất nghiên cứu vào tháng 3/2022. Cùng với vắc xin Nano Covax, vắc xin Covivac của IVAC đã nghiên cứu, phát triển là ứng viên vắc xin phòng Covid-19 thứ hai do Việt Nam sản xuất. Dự án nghiên cứu thử nghiệm vắc xin Covivac được IVAC tiến hành nghiên cứu từ tháng 5/2020. Ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã họp thông qua đề cương nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 2 vắc xin Coviac. Từ ngày 15-20/9 nhóm nghiên cứu đã thực hiện tiêm liều 2 của giai đoạn 2. Đây là giai đoạn “dò liều” để mức liều tối ưu giữa mức 3mcg và 6mcg để triển khai giai đoạn 3. TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện IVAC cho biết, cơ quan này đang chuẩn bị xây dựng đề cương thử nghiệm lâm sang giai đoạn 3. Cuối tháng 9/2021, nhóm nghiên cứu sẽ xin ý kiến chuyên gia góp ý đề cương. Theo dự kiến, giai đọan 3 sẽ triển khai trên 4.000 đối tượng ở 3 tỉnh là Khánh Hòa, Bắc Ninh và Thái Bình, trong đó có nhóm đối chứng sử dụng một loại vắc xin đã được cấp phép. |
Đánh giá về kết quả nghiên cứu vắc xin hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, đến nay việc nghiên cứu sản xuất vắc xin ở Việt Nam có nhiều tín hiệu đáng mừng. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, các Vụ, Cục chức năng của Bộ Y tế tích cực, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị nghiên cứu, đảm bảo nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu, chuyên gia công nghệ vắc xin Covid-19. Để đạt được những kết quả kể trên, Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin phòng Covid-19 trong nước. Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các nhà khoa học, các tổ chức, đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin bàn hướng đi phù hợp nhất, ngắn nhất để Việt Nam sớm có được vắc xin phòng Covid-19. Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu vắc xin, Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu cùng với nguồn kinh phí xã hội hóa. Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã tăng cường hỗ trợ các nhà nghiên cứu, sản xuất vắc xin bằng cách huy động các nguồn lực về cán bộ y tế, các nhà nghiên cứu, tăng cường tối đa các mẫu nghiên cứu. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, Bộ Y tế đã cử các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm, đồng thời tham vấn các chuyên gia quốc tế, nhất là các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, để tư vấn thêm cho việc nghiên cứu và phát triển vắc xin tại Việt Nam, cũng như xây dựng các đề cương nghiên cứu giúp cho các nhà sản xuất. Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã rút ngắn tối đa quy trình, quy phạm, nhanh nhưng bảo đảm chặt chẽ, khoa học. |
Để sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng, song song với việc tìm kiếm nguồn vắc xin, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô toàn quốc. Ngày 8/7/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3355/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021-2022. Chiến dịch tiêm chủng bắt đầu từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Chiến dịch tiêm chủng này được đánh giá lớn nhất trong lịch sử, với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải. Các cơ quan đã thiết lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng để “tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai”. Đối tượng tiêm chủng là toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế. Về nguyên tắc, sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin phòng Covid-19 đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau. |
Thực hiện chiến dịch trên, nhiều địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh thực hiện tiêm chủng. Bộ Y tế thông tin, tính đến ngày 5/10, tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là gần 47 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 35 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 11 triệu liều. Không dừng lại việc tìm kiếm vắc xin phòng Covid-19 cho người lớn, từ giữa tháng 7/2021, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Pfizer Việt Nam để thoả thuận, đàm phán về việc cung ứng, bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin Covid-19 để tiêm chủng cho trẻ em từ 12 -18 tuổi. Bộ Y tế khẳng định, hiện đang tích cực tìm kiếm nguồn cung vắc xin cho phòng chống dịch, trong đó có cả nguồn vắc xin dành cho người dưới 18 tuổi. Theo Bộ Y tế, từ tháng 10/2021 Việt Nam có thể sẽ tiếp nhận số lượng vắc xin Covid-19 nhiều hơn so với thời gian nên các địa phương cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng đạt được nhiều kết quả. Ngày càng có nhiều người dân được tiêm vắc xin phòng Covid-19, mục tiêu miễn dịch cộng đồng của Việt Nam đang được rút ngắn. Cùng với đó, với việc nỗ lực hợp tác nghiên cứu sản xuất vắc xin, Việt Nam sớm đảm bảo nguồn cung vắc xin lâu dài trong nước, tiến tới khả năng có thể tự chủ vắc xin phòng chống Covid-19. |