Hơn 1 năm sau chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 và Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã xây dựng, hoàn thành Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” và ngày 12/1/2021 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án. Hành trình đó là nỗ lực của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và các cơ quan, đơn vị có liên quan để hiện thực hóa quyết tâm cải cách toàn diện, làm cho thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu trở nên thuận lợi hơn, hiệu quả hơn. |
Trong dòng chảy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) là công cụ để kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo an ninh, toàn toàn nhưng nếu kiểm soát chồng chéo, bất hợp lý thì đó lại là lực cản của dòng chảy ấy. Những câu chuyện về bất cập, chồng chéo trong hoạt động KTCN thậm chí diễn ra trong thời gian dài. Công cuộc “gỡ rối tơ vò” đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong những năm qua, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu đã đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, chưa tạo được bước chuyển biến mang tính đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu. |
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 (DB2020) do Ngân hàng Thế giới công bố tháng 10/2019, kết quả chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới không có sự thay đổi về điểm số và các chỉ số thành phần về thời gian và chi phí xuất nhập khẩu so với 02 năm trước (DB2018 và DB2019). Tuy nhiên, vị trí xếp hạng về chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới giảm 4 bậc (từ vị trí 100 xuống vị trí 104/190 nước); chỉ số chung về môi trường kinh doanh giảm 1 bậc (từ vị trí 69 lên đến vị trí 70/190 nước); vẫn đứng thứ 5 trong 10 nước ASEAN. Do vậy, để cải thiện chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới và chỉ số chung về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì cần triển khai các giải pháp để giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải cách toàn diện thủ tục kiểm tra chuyên ngành là một giải pháp hiệu quả. Chính vì vậy, Chính phủ đã đưa ra thêm một giải pháp nữa là giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên mới đáp ứng yêu cầu cải cách toàn diện, làm cho thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu trở nên thuận lợi hơn, hiệu quả hơn hiện nay. Sự gấp rút vào cuộc được Tổng cục Hải quan triển khai ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 13/11/2019 với việc khởi thảo ban đầu dự thảo Đề án và sau 1 tháng, ngày 18/12/2019, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành chức năng về triển khai Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019 của Chính phủ về xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. |
“Thống nhất đầu mối để có một cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng trước khi thông quan hàng hóa XNK, tránh tình trạng như hiện nay, kiểm tra một hộp sữa (cùng một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu) nhưng có cơ quan xác nhận đạt chất lượng, nhưng đến cơ quan giám định khác lại nói không đạt, trong khi “về mặt khoa học cần có sự thống nhất”. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Ông Nguyễn Văn Cẩn |
Chỉ 1 tuần sau, dù thời điểm cuối năm 2019 cận kề, từ ngày 25 đến 27/12/2019, Tổng cục Hải quan đã tổ chức làm việc tập trung với các đơn vị hải quan, các chuyên gia về dự thảo Đề án, với mục tiêu được xác định rõ là nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cắt giảm chi phí kiểm soát chất lượng hàng hóa trên cơ sở tách bạch nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ thực thi. Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đề nghị cần làm rõ yêu cầu đặt ra là “nhìn vào phải thấy sự thông thoáng, cải cách”. Quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Đề án, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan đã nghiêm túc triển khai thực hiện, nỗ lực phối hợp với các bên tham gia nghiên cứu hoàn thiện đề án. Quá trình xây dựng Đề án là sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan và đặc biệt là sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của từng cán bộ Tổ soạn thảo Đề án của Tổng cục Hải quan và những đơn vị có liên quan. Bởi với việc xây dựng một Đề án có tầm ảnh hưởng lớn, trực tiếp tới nhiều bộ, ngành, tạo sự thay đổi về quy trình so với hiện nay chắc hẳn khó tránh khỏi những ý kiến nhiều chiều.
Tháng 8/2020, tại cuộc họp bàn về nội dung Đề án, với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành; Văn phòng Chính phủ; Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN; Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai yêu cầu Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp các bộ tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; đánh giá tác động khi triển khai mô hình mới; đồng thời làm rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan, các bộ ngành khi triển khai mô hình mới, cũng như rõ trách nhiệm các bộ, ngành phối hợp với cơ quan Hải quan như thế nào. |
“Ý kiến của cộng đồng DN đặc biệt nhất quán khi bàn về giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành ngay từ ngày đầu tiếp cận về ý tưởng đến bây giờ khi đi vào nội dung thảo luận chi tiết. 99% ý kiến DN cho rằng nếu Chính phủ quyết tâm thực hiện giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành sẽ thực sự là cuộc cách mạng trong hoạt động XNK”. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân |
Trong quá trình đó Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, Tổng cục Hải quan cũng chủ động thành lập Tổ soạn thảo Đề án. Rất nhiều cuộc làm việc với chuyên gia trong nước, quốc tế, hiệp hội, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu; đồng thời báo cáo Văn phòng Chính phủ và nhận được chỉ đạo cũng như ý kiến tham gia của các bộ, ngành trong việc xây dựng Đề án. Cùng với đó, Tổng cục Hải quan cũng nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm triển khai tại các nước để áp dụng tại Việt Nam để xây dựng mô hình cải cách kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. |
Ngày 12/1/2021, Đề án cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 38/QĐ-TTg. Mục tiêu xuyên suốt trong Đề án nhằm tạo thuận lợi về thủ tục, giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. |
“Cụ thể hóa các mục tiêu đó chính là hướng đến cải cách toàn diện các quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro, đơn giản hóa quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, các kết quả của cơ quan tổ chức sẽ được chuyển trực tiếp tới cơ quan Hải quan để thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đồng thời với thực hiện thủ tục hải quan. Qua đó cắt giảm chi phí, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu. Tạo môi trường, điều kiện cần thiết thực hiện xã hội hóa hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường, quyền lợi và sức khỏe cộng đồng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế. Đặc biệt, sẽ phải tổ chức lại mô hình hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản, hiệu quả, phân công trách nhiệm một cách hợp lý, rõ ràng, minh bạch giữa các bên tham gia (các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan Hải quan, các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định). Mục tiêu trên sẽ được hiện thực hóa bằng 7 nội dung cải cách trọng tâm”. |
Theo mô hình mới, hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo mô hình mới được thực hiện tại bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoặc cơ quan Hải quan theo lựa chọn của tổ chức, doanh nghiệp. Trường hợp thực hiện tại cơ quan Hải quan, cơ quan Hải quan giải quyết thủ tục hải quan cùng với thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Đặc biệt, mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ áp dụng hiệu quả 3 phương thức kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm; ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, áp dụng thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro… Như vậy, với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, lịch sử tốt sẽ được hưởng phương thức kiểm tra giảm. |
* Bảng so sánh cắt giảm các bước thủ tục về kiểm tra chất lượng theo Mô hình mới. Trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu đã có chứng nhận hợp quy (phương thức kiểm tra thông thường) do cơ quan Hải quan thực hiện cắt giảm 2 bước thủ tục so với bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện: |
Trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu chưa có chứng nhận hợp quy (phương thức kiểm tra chặt) do cơ quan Hải quan thực hiện cắt giảm 3 bước thủ tục so với bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện: |
* Bảng so sánh cắt giảm các bước thủ tục về kiểm tra an toàn thực phẩm theo Mô hình mới. Trình tự, thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm theo phương thức kiểm tra thông thường do cơ quan hải quan thực hiện cắt giảm 2 bước thủ tục so với Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện: |
Thành quả bước đầu sau hơn một năm nỗ lực triển khai nhiệm vụ Chính phủ giao đã được ghi nhận. Tuy vậy với những cán bộ làm công tác nghiệp vụ của Tổng cục Hải quan, nhiệm vụ sẽ còn tiếp diễn và đòi hỏi sự tập trung cao độ hơn nữa, bởi Đề án được Thủ tướng Chính phủ mới là “kim chỉ nam” để Tổng cục Hải quan nói riêng và các bộ, ngành đơn vị có liên quan nói chung hiện thực hóa vào thực tiễn bằng các quy định, chính sách cụ thể, mang lại lợi ích tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. |
_____________
NỘI DUNG: NGỌC LINH
HÌNH ẢNH: NHÓM PHÓNG VIÊN
THIẾT KẾ: HOÀNG ANH