“Lũ chồng lũ, bão chồng bão” miền Trung: Đặc điểm và cách chế ngự
Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển và nằm trong khu vực châu Á gió mùa, hằng năm phải đối mặt với nhiều cơn bão, xoáy thuận nhiệt đới, chịu tác động của nhiều loại hình thời tiết phức tạp.
Các hiện tượng thiên tai xảy ra hầu như quanh năm và trên khắp mọi miền lãnh thổ, nhưng nhiều nhất là ở miền Trung.
Đặc điểm bão, lũ ở miền Trung
Mùa bão, áp thấp nhiệt đới ở Việt Nam thường vào mùa Hè và mùa Thu, từ tháng 6 đến tháng 11 vì nước ta nằm ở Bắc Bán Cầu. Còn ở Nam Bán Cầu thì mùa bão diễn ra vào tháng 12 đến tháng 3 năm.
Lý do là vì vào thời gian này trong tự nhiên có đầy đủ các điều kiện cho sự hình thành và phát triển của bão: Nhiệt độ nước biển cao (ít nhất là từ 26 độ C trở lên), khí quyển vùng nhiệt đới khá thuận lợi cho sự phát triển đối lưu và chuyển động xoáy quy mô lớn xảy ra khá mạnh mẽ.
Miền Trung nước ta nằm ở vị trí chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam. Gió này mang hơi ẩm nhiều do đi qua Ấn Độ Dương nên thường gây ra mưa. Do bị gió phơn tác động nên khi bão hình thành ở biển Đông thì bị gió đẩy lên phía Bắc.
Càng về các tháng sau, gió càng yếu nên bão có xu hướng dịch chuyển dần về miền Trung. Mỗi năm miền Trung hứng chịu 5-6 cơn bão.
Các trận bão biển và gió mùa Đông Bắc thường gây nên những trận mưa lớn ở miền Trung.
Bờ biển miền Trung dài 1.200 km, gồm các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Do dãy Trường Sơn chạy dọc bờ biển nên đồng bằng ở miền Trung hẹp và dốc với hệ thống sông ngòi chằng chịt.
Các tỉnh miền Trung có nhiều con sông lớn như sông Mã ở Thanh Hóa, sông Lam (sông Cả) ở Nghệ An, sông Gianh ở Quảng Bình, sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, sông Hương ở Thừa Thiên-Huế, sông Thu Bồn ở Quảng Nam, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi...
Sông, suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Các cửa sông lại hay bị bồi lấp, cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng.
[Vì sao các vụ sạt lở đất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra ở miền Trung?]
Tình trạng phá rừng, khai thác cát sỏi bừa bãi, hệ thống đập nước, thủy điện thiếu hợp lý và sự biến đổi khí hậu cũng làm cho tình trạng mưa bão, ngập lụt, sạt lở đất ở miền Trung thêm trầm trọng.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tiến, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, cho biết: Nguyên nhân gây mưa rất to ở Bắc Trung Bộ trong nhiều ngày gần đây là do chịu ảnh hưởng hình thế gây mưa lớn điển hình. Đó là tổ hợp của dải hội tụ với bão (hoặc áp thấp nhiệt đới) kết hợp không khí lạnh và địa hình chắn gió Đông Bắc của khu vực, gây ra một đợt mưa rất to và đặc biệt to. Cụ thể, chỉ trong gần 2 tuần, miền Trung đón liên tiếp 2 đợt không khí lạnh. Ngoài ra, sườn phía Đông của dãy Trường Sơn cũng đón một luồng gió mùa Đông Bắc đem hơi ẩm từ trên cao lục địa vào đất liền.
Đây là 2 hình thái thời tiết rất điển hình gây ra mưa lớn cho Trung Bộ hàng năm. Năm nay, các hình thái này xuất hiện cùng lúc, dồn dập, tạo thành một tổ hợp thời tiết cực đoan khiến mưa lũ xuất hiện với lượng lớn và kéo dài nhiều ngày.
Bão lũ chồng chất ở miền Trung là hậu quả của hình thái thời tiết phức tạp, có thể trở thành tình trạng "bình thường mới" trong tương lai. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng lên làm cho nước lũ sẽ khó thoát ra biển và lũ dâng cao hơn so với trước đây
Ứng phó dài hạn và ngắn hạn
Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất của sự biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã thực sự “gõ cửa” Việt Nam từ nhiều năm qua chứ không còn là lời cảnh báo. Các hiện thượng thời tiết cực đoan vừa qua ở miền Trung là một dẫn chứng.
Sự biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã có những tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường.
Thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) bị nước lũ bủa vây tứ phía. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Làm rõ việc khí hậu Việt Nam đã, đang và sẽ biến đổi như thế nào, từ đó đánh giá tác động của biến đổi khí hậu để làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp, chiến lược và kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu hậu quả thiên tai.
Cách ứng phó một cách lâu dài, bền vững với các loại hình thiên tai ở miền Trung nói riêng và trên cả nước nói chung là đưa ra các kịch bản biến đổi khí hậu một cách chính xác và càng chi tiết càng tốt.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phan Văn Tân (Trường Đại học Khọc tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), các kịch bản biến đổi khí hậu có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau nhưng mục đích cuối cùng vẫn là để xây dựng kế hoạch, chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bài toán ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việc giảm thiểu biến đổi khí hậu nói chung mang tính toàn cầu và đòi hỏi phải có sự đồng thuận của cả cộng đồng quốc tế về vấn đề cắt giảm phát thải khí nhà kính. Thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính địa phương mà thông tin từ các kịch bản biến đổi khí hậu là cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, chiến lược.
Ở Việt Nam, những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu trong nhiều năm gần đây có thể được cho là có liên quan đến sự biến đổi của các hệ thống hoàn lưu khí quyển, đại dương quy mô lớn cũng như sự biến đổi trong hoạt động của gió mùa châu Á.
Bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển về phía Nam và có quỹ đạo phức tạp, khó dự báo hơn. Hạn hán, lũ lụt xảy ra bất thường hơn. Hiện tượng nắng nóng có xu hướng gia tăng cả về cường độ, tần suất và độ dài các đợt. Số ngày rét đậm, rét hại giảm đi nhưng mức độ khắc nghiệt và độ kéo dài các đợt có dấu hiệu gia tăng.
Nhìn chung, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng những hiện tượng cực đoan, dẫn đến sự gia tăng các thiên tai có nguồn gốc khí tượng, tác động xấu đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế-xã hội và môi trường.
Việc kết nối tốt hơn giữa quan sát biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể giúp công tác quản lý rủi ro thiên tai đạt hiệu quả cao hơn. Cùng với đó, sự kết hợp giữa các số liệu quan trắc quá khứ cùng mô hình dự báo khí tượng có ý nghĩa quan trọng để đưa ra các dự báo có tính chính xác cao và kịp thời, nhằm hạn chế tối đa rủi ro mà thiên tai có thể gây ra cho con người và thiên nhiên.
Bài học kinh nghiệm
Về kinh nghiệm từ việc ứng phó với bão lũ vừa qua ở miền Trung, Tiến sĩ Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, nêu rõ bài học thực tế là không chỉ những vùng, địa phương được dự báo có hướng bão đi qua, mà mọi cấp, ngành cùng toàn dân phải có ý thức luôn thường trực, sẵn sàng dự kiến mọi tình huống có thể xảy ra để ứng phó kịp thời, nhất là khi có tin áp thấp nhiệt đới, bão gần đang "rình rập" ở biển Đông.
Bài học thứ hai là, trong bối cảnh biến đổi của khí hậu, thời tiết diễn biến rất phức tạp, các hiện tượng thiên tai khó lường, không theo quy luật vốn có từ lâu ở nước ta, như kinh nghiệm từ lâu để lại, các địa phương cần chủ động theo dõi sát diễn biến, linh hoạt ứng phó với các hiện tượng thiên tai xảy ra.
Nhiều nhà dân ngoài đê sông Lam tại huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) bị ngập nặng do nước sông Lam đang lên cao trên mức báo động 2. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Bài học thứ ba là thực hiện “bốn tại chỗ” một cách nghiêm túc, nhất là việc tập trung, điều động nhân lực tại địa bàn cần phải kỹ càng, thường xuyên diễn tập nhằm đối phó kịp thời, cứu hộ những bất trắc xảy ra.
Các vụ sạt lở đất ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Nam cho thấy, khi xảy ra sự cố, giao thông bị chia cắt thì việc trông chờ vào các lực lượng cứu hộ từ bên ngoài là không khả thi.
Bài học thứ tư, cần cố gắng đến mức cao nhất, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo dù điều này đòi hỏi sự đầu tư chất xám, phương tiện và kỹ năng rất lớn. Nhưng khi đã có dự báo chính xác thì việc đưa thông tin đến người dân, các cơ quan chức năng kịp thời, có sức thuyết phục cũng rất quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Đợt thiên tai vừa rồi rất bất thường, chưa bao giờ 4 cơn bão liên tiếp đổ vào miền Trung. Ngay trong tháng 1/2020, ngành khí tượng-thủy văn đã cảnh báo rằng năm nay sẽ có 4-5 cơn bão đổ về miền Trung...
Thứ năm, cần phải làm tốt công tác quản lý, hướng dẫn, thông báo đối với tàu, thuyền khi có mưa bão xảy ra, đặc biệt là công tác quản lý các tàu vận tải, tàu vãng lai hoạt động trên sông, trên biển. Trước khi cơn bão số 9 tràn vào Biển Đông, mặc dù đã có sự cảnh báo nhưng nhiều chủ tàu đánh cá ở miền Trung vẫn cho tàu ra khơi hoặc chậm trễ trong việc tránh trú.
Bên cạnh đó, phải hoàn thiện bộ máy phòng, chống thiên tai theo hướng tinh gọn, chuyên trách. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phân tích: "Lực lượng công an, quân đội trong thời gian qua đã tham gia rất tích cực, nhưng điều chúng ta rất cần là một lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, được trang bị phù hợp với mọi điều kiện cần thiết.
Trong thời gian vừa rồi đã xảy ra những trường hợp là chúng ta không có phương tiện nào để vào hiện trường ứng cứu nạn nhân bị vùi lấp (tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam). Các bộ, ngành chức năng đã báo cáo Thủ tướng về vấn đề này để có giải pháp trong thời gian tới."
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hạ tầng của chúng ta có sức chịu đựng thiên tai ở một mức độ nào đó, đê biển hiện được xây dựng để chịu được bão cấp 9, cấp 10; nếu bão lên cấp 15 thì kinh phí xây dựng phải lớn gấp đôi, chúng ta chưa đủ điều kiện.
Các nơi neo đậu tàu tránh trú bão mới đáp ứng khoảng 46% nhu cầu, chưa nói đến việc một bộ phận ngư dân chưa chấp hành tốt các quy định về ứng phó thiên tai.
Điều đáng quan tâm là các vụ sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người, phức tạp và không theo quy luật. Vừa qua, nhiều vụ sạt lở đất xảy ra tại những nơi ổn định về địa chất, không có trong bản đồ cảnh báo, nên cần ứng dụng khoa học-công nghệ tốt và nhanh hơn.
Hiện mới có trên 10 tỉnh có bản đồ về nguy cơ sạt lở, tuy nhiên đó mới là bản đồ tỷ lệ 1/5.000; muốn triển khai cụ thể phải có bản đồ 1/500.
Nếu theo bản đồ 1/5.000 thì một lúc phải sơ tán cả vài xã, nên không thể triển khai được, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu vấn đề tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 của Chính phủ và đề nghị trong thời gian tới phải có đầu tư nhiều hơn cho công tác này./.
Tin liên quan
FPT Long Châu chuyển nhanh 10 tấn thuốc hỗ trợ người dân vùng bão lũ
14:02 | 18/09/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Samsung Việt Nam ủng hộ 10 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh miền Bắc khắc phục hậu quả bão lũ
14:52 | 17/09/2024 Doanh nghiệp - Doanh nhân
Hải quan đường sắt Lào Cai đảm bảo thông quan thông suốt
13:40 | 16/09/2024 Hải quan
Giá xăng đồng loạt tăng từ 15 giờ ngày 7/11
15:25 | 07/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Đại sứ Việt Nam tại Peru: Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động cho Diễn đàn APEC
08:39 | 07/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Báo Nhân Dân đoạt giải Vàng, Giải thưởng Truyền thông Châu Á, WAN-IFRA
08:39 | 07/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đảng
21:02 | 06/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Đảm bảo không phát sinh bất công giữa các đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế
19:52 | 06/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Sửa Luật Đầu tư công: Chính phủ linh hoạt hơn, Quốc hội vẫn đảm bảo kiểm soát
14:29 | 06/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
CPI tháng 10 tăng 0,33%
10:51 | 06/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Tháo gỡ điểm nghẽn
08:07 | 06/11/2024 Người quan sát
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả
21:02 | 05/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đã rất tiết kiệm chi thường xuyên
16:06 | 05/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng lên đường tham dự các hội nghị GMS, ACMECS và CLMV tại Trung Quốc
08:49 | 05/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Đại biểu Quốc hội đề nghị gỡ khó cho điều nhập khẩu, cải thiện hạ tầng cho xuất khẩu
16:23 | 04/11/2024 Kinh tế
Thủ tướng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng
09:51 | 04/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Hàng giả làm khó công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ khu vực ASEAN
Hải quan Hải Phòng giải quyết thủ tục hơn 250 nghìn tờ khai trong tháng 10
Thích ứng chính sách và tăng tốc chuyển đổi số trong quản lý thuế, hải quan
Lấy ý kiến hoàn thiện quy định thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
Giảm 1% lãi suất cho các khoản vay trong đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp
(INFOGRAPHICS): Thu ngân sách tại 10 đơn vị hải quan tăng 11,86%
14:03 | 04/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics
Phiên họp Ủy ban Kỹ thuật thường trực WCO tại Bỉ: Dấu ấn điều hành của đại diện Hải quan Việt Nam
09:25 | 29/10/2024 Hải quan
Hành vi buôn lậu “khí cười” tại Công ty Hoa Việt diễn ra thế nào?
10:18 | 29/10/2024 An ninh XNK