VỚI 126 KM BỜ BIỂN VÀ HƠN 4.000 KM2 DIỆN TÍCH MẶT BIỂN NỘI HẢI, TP HẢI PHÒNG CÓ NHIỀU TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH VÀ GIỮ VỊ TRÍ TRỌNG YẾU TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA MIỀN BẮC VÀ GIAO THƯƠNG QUỐC TẾ CỦA CẢ NƯỚC. ĐẶC BIỆT, HẢI PHÒNG LÀ MỘT TRONG SỐ ÍT CÁC ĐỊA PHƯƠNG CÓ ĐẦY ĐỦ 5 LOẠI HÌNH GIAO THÔNG GỒM: ĐƯỜNG BIỂN, ĐƯỜNG KHÔNG, ĐƯỜNG SẮT, ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA. ĐỂ PHÁT HUY CÁC TIỀM NĂNG, LỢI THẾ CỦA THÀNH PHỐ CẢNG, TRONG CÁC ĐỊNH HƯỚNG, QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÃ ĐƯỢC BỘ CHÍNH TRỊ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀU ĐẶT MỤC TIÊU XÂY DỰNG HẢI PHÒNG THÀNH TRUNG TÂM KINH TẾ BIỂN HIỆN ĐẠI, MANG TẦM QUỐC TẾ, HÀNG ĐẦU Ở ĐÔNG NAM Á, TRỌNG TÂM LÀ DỊCH VỤ CẢNG BIỂN, LOGISTICS VÀ DU LỊCH BIỂN. |
Cảng Hải Phòng được hình thành từ bến Ninh Hải của làng chài Cửa Cấm từ thế kỷ 18. Đến năm 1874, khi thực dân Pháp bắt tay vào xây dựng cảng nhằm biến bến thuyền làng Cấm thành một quân cảng và thương cảng lớn, với công trình đầu tiên có quy mô lớn là hệ thống nhà kho gồm 6 kho, nên được gọi là Bến Sáu Kho. Cảng Hoàng Diệu hiện nay (chính là Bến Sáu Kho trước đây), là một trong 3 bến cảng của Công ty CP Cảng Hải Phòng, nằm trên dòng sông Cấm. Trên hành trình phát triển, hệ thống cảng ở khu vực Hải Phòng đã vươn mình phát triển mạnh mẽ dọc theo sông Cấm, mở rộng ra bán đảo Đình Vũ đến khu vực cảng Lạch Huyện ở đảo Cát Hải. Trong đó, những tên cảng đã tạo được dấu ấn của không chỉ với người dân Hải Phòng mà còn với nhiều bạn bè, đối tác, thuyền viên trong nước và quốc tế như: Hoàng Diệu, Chùa Vẽ, Green Port, Đình Vũ, Tân Vũ, Vip Green, Nam Đình Vũ… Theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, đến nay, khu vực cảng biển Hải Phòng có 89 cầu cảng của 45 doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển, với khoảng 14.354 m dài, trong đó một số bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu biển có trọng tải lên đến 145.000 DWT ra vào làm hàng đảm bảo an toàn. Ngoài các cầu cảng xếp dỡ hàng hóa, cảng biển Hải Phòng còn được bố trí 4 khu neo chuyển tải gồm: Bạch Đằng, Lan Hạ, Hạ Long và Nam Cát Bà, có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn; 2 khu bến phao chuyển tải, với tổng 5 bến phao (3 bến phao Bạch Đằng, 2 bến phao Bến Gót). Có thể nói, gần 150 năm xây dựng và phát triển, hệ thống cảng Hải Phòng luôn đóng vai trò là cửa ngõ giao thương lớn nhất miền Bắc và quan trọng hàng đầu cả nước, song hành cùng với sự phát triển của thành phố và đất nước. |
Với sự phát triển mạnh mẽ, kinh tế biển đã có sự đóng góp to lớn, quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng và cả nước nói chung. Trong ấn phẩm “Kinh tế - xã hội các địa phương ven biển giai đoạn 2011-2022” do Tổng cục Thống kê biên soạn và ấn hành năm 2023, cơ quan này đánh giá: Hải Phòng là một điểm sáng khi tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Điển hình như năm 2019, GRDP của Hải Phòng tăng 17,02%; năm 2021 tăng 12,86% và cao nhất trong 63 địa phương. Bình quân giai đoạn 2011- 2022, GRDP của thành phố cảng tăng 10,75%/năm. Kết quả này cho thấy Hải Phòng đã phát huy các động lực tăng trưởng, tận dụng lợi thế ven biển để phát triển kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ của Hải Phòng cũng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam. Bình quân trong giai đoạn 2011-2022, mỗi năm Hải Phòng đóng góp 5,42% vào tăng trưởng GDP cả nước (đứng thứ 2 trong các địa phương ven biển, chỉ sau TP HCM). Duy trì được sự phát triển cao trong nhiều năm liên tục, quy mô GRDP so với tổng GDP cả nước cũng có sự cải thiện không ngừng. Nếu năm 2011, GRDP của Hải Phòng mới chiếm 2,49% GDP cả nước, thì đến năm 2022, con số này đã nâng lên 3,75% (đứng thứ 3 trong các địa phương ven biển sau TPHCM và Bà Rịa – Vũng Tàu). Nhiều năm gắn bó và nghiên cứu về kinh tế biển ở Hải Phòng, PGS.TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam chia sẻ với Tạp chí Hải quan: với quy mô hiện nay, hệ thống cảng biển đã đóng góp rất lớn vào kinh tế Hải Phòng. Đó là, thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế, từ đó tăng doanh thu và giá trị sản xuất; thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư, góp phần vào tăng trưởng kinh tế khu vực; tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực logistics, vận tải, và các ngành công nghiệp liên quan, nâng cao thu nhập và chi tiêu tiêu dùng; cải thiện dịch vụ logistics… Với vị thế trung tâm logistics cảng biển lớn nhất miền Bắc, dịch vụ logistics đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 20-23%/năm, đóng góp vào GRDP của thành phố từ 13-15%/năm. Ngoài ra, các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được xây dựng dựa trên nền tảng logistics gắn với chuỗi logistics của miền Bắc, gắn liền hệ thống cảng biển. Khu kinh tế này đến giữa năm 2024 thu hút gần 11 tỷ USD, chiếm 2/3 tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hải Phòng, với các nhà đầu tư có tên tuổi như LG, Pegatron, Bridgestone, Nipro Pharma... Không chỉ đóng vai trò quan trọng hàng đầu cả nước, cảng biển Hải Phòng còn được xếp vào nhóm các cảng quan trọng nhất trong hơn 500 cảng biển của khu vực Đông Nam Á. |
Qua gần 150 năm xây dựng và phát triển, hiện nay, hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, với hệ thống bến cảng hiện đại mang tầm vóc khu vực và trên thế giới. Trong đó, tập trung vào 3 khu, bến cảng biển gồm: Khu bến sông Cấm - Phà Rừng; khu bến Đình Vũ; khu bến Lạch Huyện. Đáng chú ý, khu vực Lạch Huyện đã có 2 bến đi vào hoạt động với khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 140.000 DWT. Ngoài ra, về khu neo đậu chờ tàu và chuyển tải hàng hóa, hiện nay, trong vùng nước cảng biển Hải Phòng có khoảng 20 khu neo, với tổng diện tích 5.105 ha (Lạch Huyện, Hòn Dấu, Bến Gót, sông Cấm, sông Giá, Bạch Đằng) phục vụ cho tàu thuyền neo đậu chờ đợi cầu, đợi luồng, kết hợp tránh trú bão khi cần; 5 bến phao (2 tại Bến Gót cho tàu đến 50.000 tấn và 3 bến phao tại Bạch Đằng cho tàu đến 7.000 tấn) và 1 khu chuyển tải dầu tại vịnh Lan Hạ. Hệ thống luồng hàng hải khu vực Hải Phòng gồm 9 đoạn luồng gồm: Lạch Huyện, kênh Hà Nam, Bạch Đằng, sông Cấm, Vật Cách, Nam Triệu, Phà Rừng, sông Giá, kênh Cái Tráp với tổng chiều dài 92,4 km. |
Với một hệ thống cảng đa dạng, phong phú, nhưng theo quan sát của phóng viên, đến nay, hạ tầng giao thông kết nối, cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần không còn đáp ứng được nhu cầu và đang là điểm yếu làm hạn chế năng lực của hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc. Mặt khác, số lượng bến cảng nhiều và tập trung chủ yếu dọc theo khu vực sông Cấm và bán đảo Đình Vũ cũng cho thấy sự manh mún, chưa có được hạ tầng đủ lớn để xây dựng những bến cảng hoàn chỉnh, hiện đại. Để khắc phục khó khăn nêu trên và nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng, trong các định hướng, quy hoạch phát triển đã được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra các mục tiêu, định hướng và giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của TP Hải Phòng nói chung, trong đó có phát triển hệ thống cảng biển. |
Tại Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị, một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra đối với Hải Phòng là xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics. Theo Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định 1516/QĐ-TTg ngày 2/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ) các định hướng mới, quan trọng liên quan đến phát triển cảng biển và các hệ thống giao thông kết nối tiếp tục được nhấn mạnh với các nội dung trọng tâm: xây dựng phát triển cảng biển Hải Phòng xứng tầm là 1 trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước. Trong đó, tập trung hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện và di dời các bến cảng trên sông Cấm; đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc. Định hướng xây dựng mới các tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng kết nối Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện; tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Nghiên cứu xây dựng Cảng Hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng. Tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bộ liên vùng, xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Phát triển các tuyến trục chính đô thị hướng tâm và đường vành đai thành phố. Phát triển các tuyến đường thủy ven biển, nối liền các cửa sông lớn của thành phố và các tỉnh lân cận; các tuyến đường thủy nội địa quanh các đảo thuộc quần đảo Cát Bà phục vụ vận chuyển khách du lịch. |
Đặc biệt, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021), quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Hải Phòng được xác đinh là cảng nhóm 1 (cùng với các cảng biển: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) và được phân loại là 1 trong 2 cảng đặc biệt của hệ thống cảng biển Việt Nam (cùng với cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu). Cụ thể, khu vực cảng biển Hải Phòng được tập trung phát triển tại các khu vực gồm: bến Lạch Huyện với vùng đất và vùng nước khu vực đảo Cái Tráp, đảo Cát Hải và Lạch Huyện; có chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, cảng khách quốc tế, bến công vụ, bến cho phương tiện thủy nội địa. Khu bến Đình Vũ, bao gồm vùng đất và vùng nước dọc sông Bạch Đằng (từ hạ lưu cầu Bạch Đằng đến thượng lưu cầu Tân Vũ - Lạch Huyện và cửa Nam Triệu); có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cả nước và liên vùng, gồm các bến tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng, khí; tiếp nhận các tàu tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng, khí. Khu bến sông Cấm - Phà Rừng, bao gồm vùng đất và vùng nước dọc sông Cấm (từ hạ lưu cầu Kiền đến thượng lưu cầu Bạch Đằng) và vùng nước khu vực luồng Phà Rừng (từ khu vực nhà máy đóng tàu Phà Rừng đến thượng lưu cầu Bạch Đằng); có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và vùng phụ cận; có các bến tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng, khí và các Cảng, công trình phục vụ các cơ sở đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu. Không phát triển mở rộng, từng bước di dời, chuyển đổi công năng các cảng hiện hữu từ khu vực cầu Bạch Đằng đến hạ lưu cảng Vật Cách với lộ trình phù hợp quy hoạch phát triển thành phố Hải Phòng. Khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc, bao gồm vùng đất và vùng nước khu vực Nam Đồ Sơn và khu vực sông Văn Úc từ hạ lưu cầu Khuể đến khu vực cửa sông; có chức năng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, kết hợp phục vụ quốc phòng - an ninh khi có yêu cầu. Ưu tiên xây dựng cảng phục vụ cụm công nghiệp tại khu vực và cảng Trung tâm điện khí phù hợp Quy hoạch tổng thể về năng lượng, Quy hoạch phát triển điện lực và phục vụ di dời các cảng trên sông Cấm phù hợp với quy hoạch phát triển không gian đô thị và sử dụng đất của thành phố Hải Phòng, gồm: Các bến tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng, khí, hành khách, bến công vụ; cảng, công trình phục vụ các cơ sở đóng mới, sửa chữa, phá dỡ tàu. Cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ, là đầu mối giao lưu với đất liền, kết hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh. Các bến phao, khu neo chuyển tải tại khu vực Bạch Đằng, Bến Gót, Lan Hạ; các bến phao khu neo đậu chuyển tải tại khu vực Bạch Đằng, Bến Lâm, Vật Cách (sông Cấm), Hòn Dấu, Bến Gót, Ninh Tiếp, Lạch Huyện và khu vực khác có đủ điều kiện. |
Như các thông tin đề cập ở trên, điểm nhấn quan trọng trong phát triển hệ thống cảng biển Hải Phòng chính là tập trung xây dựng các bến cảng ở khu vực Lạch Huyện. Trong những ngày tháng 5 lịch sử khi thành phố cảng náo nức các sự kiện kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2024), ngày 10/5, Công ty CP cảng Hải Phòng tổ chức Lễ gắn biển hoàn thành xây dựng cầu cảng số 3, 4 tại cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng. Hai bến container số 3 và 4 gồm hai bến chính dài 750m, 1 bến sà lan dài 150m, hệ thống bãi chứa hàng, đường giao thông, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 8000 - 14.000 Tues, tương đương 100.000 - 160.000 DWT, đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua 1,1 triệu Tues/năm. Được khởi công xây dựng từ tháng 7/2022, và dự kiến đi vào hoạt động trong quý 1/2025. Trước đó, tại khu vực cảng Lạch Huyện, 2 bến cảng đầu tiên đã được đưa vào hoạt động là bến số 1 và bến số 2 (được khai trương ngày 13/5/2018) thuộc Công ty TNHH cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT). Đây là cảng container nước sâu lớn nhất miền Bắc Việt Nam, có khả năng tiếp nhận tàu với trọng tải lên tới 14.000 Tues với tuyến dịch vụ trực tiếp đi châu Mỹ và châu Âu, giảm đáng kể thời gian và chi phí logistics. |
TC-HICT là liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (nắm giữ 51% vốn), Công ty TNHH MITSUI O.S.K Lines Nhật Bản (nắm giữ 17,5% vốn), Công ty Wan Hai Lines Đài Loan (nắm giữ 16,5% vốn) và Tập đoàn Itochu Nhật Bản (nắm giữ 15% vốn)... Liên tiếp từ năm 2018 đến nay, TC-HICT là một trong những cảng container quan trọng hàng đầu ở khu vực Hải Phòng với sản lượng những năm gần đây đạt hơn 1 triệu Teus/năm. Đáng chú ý, năm 2023, TC-HICT lập kỷ lục với sản lượng gần 1,3 triệu Teus. Trả lời kiến nghị cử tri Hải Phòng đầu tháng 3/2024, Bộ Giao thông vận tải cho hay, đến năm 2027 khu bến cảng container quốc tế Lạch Huyện sẽ có 8 bến (từ bến 1-8) với tổng chiều dài 3.300 m và năng lực thông qua hàng công ten nơ đạt 6 triệu Teus được đầu tư, đưa vào khai thác theo đúng lộ trình quy hoạch được duyệt, đảm bảo năng lực đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa hiện nay và trong thời gian tới tại khu vực. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, các bến cảng số 3, số 4 và bến số 5, số 6 (do Công ty Hateco đầu tư) đang được gấp rút thi công, dự kiến đi vào hoạt động quý 1/2025. Đồng thời, các đơn vị liên quan đang triển khai thủ tục thi công bến số 7, số 8 với tổng chiều dài 900 m, năng lực thông qua đạt khoảng 1,5 triệu Teus/năm, chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. |