![]() | Đại dịch làm "đình trệ" hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC |
![]() | Đề xuất “chứng khoán hoá” nợ xấu, khoanh nợ cho khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 |
![]() | Nợ xấu tại một số ngân hàng đã tăng lên |
Theo số liệu thống kê của Câu lạc bộ Xử lý nợ (AMC) thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đối với hoạt động xử lý nợ xấu từ các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt, dư nợ gốc xử lý được từ ngày 1/1/2021 đến ngày 15/11/2021 là 19.634 tỷ đồng (đạt 65,45% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 phân bổ).
Trong 3 năm gần đây kết quả xử lý thu hồi nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt của Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) có chiều hướng giảm, năm sau giảm so với năm trước khoảng 24%.
Đối với hoạt động xử lý nợ xấu từ các khoản nợ mua theo giá trị thị trường, dư nợ gốc xử lý được từ ngày 1/1/2021 đến ngày 15/11/2021 là 1.634 tỷ đồng, đạt 48,03% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 phân bổ.
![]() |
Ảnh minh họa: Internet |
Lý giải về nguyên nhân công tác xử lý nợ chưa đạt được như chỉ tiêu, đại diện các công ty quản lý nợ của các tổ chức tín dụng cho biết, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp suy giảm doanh thu, lợi nhuận, ảnh hưởng lớn đến nguồn trả nợ của các khách hàng, liên tục gây ra tình trạng trả nợ không đúng hạn.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến việc tiếp xúc, trao đổi, đôn đốc khách hàng trả nợ cũng như làm việc với các cơ quan tòa án, thi hành án, chính quyền để xử lý nợ. Các công tác khảo sát tài sản bảo đảm, làm việc với khách hàng; thông báo thu giữ/đấu giá tài sản; khởi kiện, thi hành án… đều bị ảnh hưởng dẫn tới việc khó thu hồi khoản nợ của khách hàng với tổ chức tín dụng…
Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 10, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chỉ xử lý được 60% kế hoạch xử lý thu hồi nợ năm 2021.
Vì thế, để thúc đẩy công tác xử lý nợ, các công ty quản lý nợ đề xuất có thể tổ chức đấu giá đồng thời nhiều tài sản trong cùng một thời điểm hoặc tổ chức đấu giá theo thủ tục rút gọn, xây dựng phương án đấu giá trực tuyến.
Các công ty quản lý nợ cũng đề nghị vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ, tài sản bảo đảm; chú trọng tổ chức thực hiện các hoạt động của Sàn trên nền tảng online và ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện công khai hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu…
Ngoài ra, cần áp dụng các biện pháp xử lý nợ linh hoạt, đưa ra chính sách miễn giảm lãi, phí, giải chấp hợp lý để hỗ trợ khách hàng. Bên cạnh những giải pháp tình thế, về lâu dài, phải có Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Hương Dịu