Kỳ vọng thị trường vốn sẽ tốt hơn từ giữa năm 2023
(HQ Online) - Phỏng vấn TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam về thị trường vốn việt nam trong giai đoạn hiện nay.
Kỳ vọng thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp | |
Lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán năm 2023 dự báo tiệm cận ở mức hai con số |
TS. Lê Duy Bình |
Ông đánh giá như thế nào về thị trường vốn của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
Khi nói về thị trường vốn, mối quan tâm đầu tiên thường là về vốn tín dụng. Trong những tháng đầu năm 2023, khó khăn lớn nhất đối với các DN khi tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng là lãi suất. Mặc dù ngành ngân hàng đã có nhiều nỗ lực với các biện pháp như xây dựng sự đồng thuận giữa các NHTM hay giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhưng lãi suất cho nay hiện nay vẫn rất cao, vượt quá khả năng sinh lời của nhiều doanh nghiệp. Về phần mình, các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm được các dự án có đủ điều kiện vay vốn, các dự án tốt để cho vay. Sự suy giảm của kinh tế thế giới, tốc độ tăng chậm lại của nền kinh tế trong những tháng đầu năm có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và tốc độ triển khai các dự án của các doanh nghiệp. Do vậy, số lượng các dự án có chất lượng và đủ điều kiện được vay vốn cũng suy giảm.
Trong khi đó, vốn từ thị trường cổ phiếu cũng gặp nhiều khó khăn. Sự giảm tốc của nền kinh tế, lòng tin suy giảm đối với thị trường đã khiến thanh khoản trên thị trường cổ phiếu sụt giảm mạnh. Tiếp cận nguồn vốn quan trọng này do vậy cũng không hề dễ dàng với các doanh nghiệp trong năm 2023.
Và cũng không thể không nhắc đến nguồn vốn từ thị trường TPDN. Sau hơn 2 năm tăng trưởng nóng, huy động từ nguồn trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới nay đã giảm mạnh xuống cận đáy. Sau khi Nghị định 08 và Nghị quyết 33 của Chính phủ được ban hành, đã xuất hiện một số DN phát hành riêng lẻ thành công TPDN nhưng khối lượng phát hành không thấm tháp gì so với năm 2021 và nửa đầu 2022.
Theo góc nhìn của ông thì kênh vốn nào đang gặp khó khăn nhất hiện nay và cần có giải pháp để tháo gỡ?
Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với kênh vốn này vẫn là vấn đề lãi suất. Nếu như các chính sách kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiềm chế thì đây là nền tảng rất quan trọng để có thể giảm lãi suất, bắt đầu bằng lãi suất huy động và từ đó là cơ sở để giảm lãi suất cho vay.
Về phía các ngân hàng, năm nay dự báo mức tăng tổng dư nợ tín dụng trong năm nay sẽ vào mức 14-15 %. Tổng nguồn vốn tín dụng cung ứng cho thị trường do vậy sẽ lên đến 14-15 triệu tỷ đồng trong năm 2023. Ngành ngân hàng cũng có động lực lớn để duy trì và đẩy mạnh cho vay, đáp ứng tổng mức dư nợ tín dụng này cho nền kinh tế và do vậy sẽ tích cực tìm kiếm các DN, khách hàng vay vốn với dự án đủ điều kiện để cho vay.
Bên cạnh tín dụng, có thể kỳ vọng vào thị trường cổ phiếu. Khi các điều kiện kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục được duy trì ổn định, nền kinh tế trong nước và toàn cầu phục hồi và tăng trưởng, các DN sẽ tăng trưởng trở lại, kéo theo sự phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư. Khi đó, nguồn vốn sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán.
Khó khăn hơn cả trong năm 2023 có lẽ sẽ là thị trường TPDN. Niềm tin của nhà đầu tư đối với TPDN đã bị suy giảm đáng kể sau những sự cố đáng tiếc vừa qua. Vượt qua những khó khăn chồng chất như hiện tại, đồng thời khôi phục được niềm tin của các nhà đầu tư TPDN không phải là công việc dễ dàng mà có thể được thực hiện trong vòng một vài tháng mà cần phải tính bằng năm.
Trong khi ba thị trường vốn lớn đang gặp khó khăn thì các DN đang kỳ vọng vào nguồn vốn đầu tư công. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng nguồn vốn cho DN từ nguồn vốn đặc thù này?
Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là sau mỗi một giai đoạn cực kỳ khó khăn của nền kinh tế như dịch bệnh, khủng hoảng, vai trò của đầu tư công hay chi tiêu của Chính phủ thường vai trò rất lớn trong kinh tế. Đầu tư công thường có vai trò kích thích và dẫn dắt đầu tư tư nhân. Sau các cuộc khủng hoảng, khi đầu tư tư nhân còn yếu ớt, nó còn đóng vai trò thay thế tạm thời đầu tư tư nhân để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nguồn vốn đầu tư công năm 2023 vào khoảng 750.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh hiện nay, đây là một kỳ vọng rất lớn của thị trường, của DN. Nếu như vốn đầu tư công được thực hiện tốt thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn cho nền kinh tế, hỗ trợ trực tiếp cho các DN xây dựng cơ sở hạ tầng, hay các DN cung cấp thiết bị, nguyên nhiên, vật liệu cho những công trình về đầu tư công, dịch vụ tư vấn và dịch vụ khác cho đầu tư công.
Kỳ vọng năm 2023 nguồn vốn đầu tư công sẽ đạt được tốc độ giải ngân cao hơn những năm trước. Số liệu giải ngân 2 tháng đầu năm nay cho thấy tốc độ giải ngân đã có cải thiện hơn với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là con số tuyệt đối về số vốn đầu tư công được giải ngân tăng rất mạnh trong 2 tháng đầu năm vừa qua. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu giải ngân giải ngân của cả năm thì tốc độ giải ngân của hai tháng đầu năm vẫn chưa được như mong muốn.
Ông có kỳ vọng gì vào sự biến chuyển của thị trường vốn năm 2023, khi Chính phủ đã và đang có nhiều động thái nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường này như việc ban hành các nghị định, nghị quyết cũng như một loạt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN, cho thị trường BĐS, TPDN?
Cho tới nay, chúng ta đã nhìn thấy một số kết quả và những tác động tích cực ban đầu đối với thị trường từ các hành động quyết liệt của Chính phủ. Ví dụ, Nghị định 08 được ban hành đã tạo cơ hội để các DN phát hành tái cấu trúc lại các khoản nợ TPDN của mình đồng thời tiếp tục phát hành mới. Trong những tuần vừa qua, nhiều DN phát hành đã đàm phán thành công với các chủ nợ, các trái chủ của mình. Tuy không nhiều nhưng một số DN cũng đã huy động được thêm từ các đợt phát hành mới.
Nghị quyết 33/NQ-CP cũng tạo ra nền tảng để NHNN, các NHTM thực hiện các biện pháp nhằm giãn, hoãn nợ cho DN BĐS, đặc biệt các DN đang gặp nhiều khó khăn về thanh khoản. Điều này sẽ tháo gỡ khó khăn cho các DN phát hành, giảm bớt áp lực cho các DN BĐS. Nghị quyết này cũng đưa ra những định hướng về các giải pháp có hệ thống nhằm phát triển bền vững thị trường BĐS, bao gồm cả vấn đề nguồn vốn cho thị trường này.
Bên cạnh đó là những nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, từ đó sớm hình thành các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, đồng thời đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn này vào nền kinh tế.
Trên thị trường tín dụng, NHNN cũng đang khai thác tối đa các dư địa của chính sách tiền tệ với mục tiêu hạ lãi suất cho vay trong nền kinh tế.
Với các nỗ lực này và với sự cải thiện tốt hơn của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, hy vọng rằng khả năng tiếp cận vốn của DN trong năm 2023 sẽ dần được cải thiện từ những tháng giữa năm.
Trân trọng cảm ơn ông!