![]() |
Thị trường vốn tiếp tục khó khăn, doanh nghiệp trông chờ vào các kênh huy động vốn mới |
![]() |
Kịch bản mới cho tăng trưởng giai đoạn 2022-2023 |
Báo cáo Điểm lại của Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, trong nửa đầu năm 2023, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo sẽ chậm lại do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro yếu đi, trong khi lộ trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn nhiều bất định. Mặc dù vậy, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi từ nửa cuối năm, qua đó đem lại tác động tích cực cho xuất khẩu.
Trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã “than thở” về tình trạng thiếu đơn hàng, hoặc đơn hàng có số lượng sản phẩm ít hơn nhiều so với cùng kỳ trong khi lại đòi hỏi cao về chất lượng cũng như nguyên liệu đầu vào. Vì thế, báo cáo của WB đưa ra khuyến nghị, để nâng cao bền vững cho tăng trưởng trong trung và dài hạn cần có những biện pháp giúp cải thiện năng suất của doanh nghiệp thông qua tăng cường tiếp cận tài chính như ngân hàng số, phát triển thị trường vốn.
Thực tế cho thấy, việc kích thích nền kinh tế tăng trưởng từ đầu tư và tiêu dùng đang cần chi phí vốn rẻ. Do đó, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định giảm lãi suất điều hành được kỳ vọng sẽ là động thái “bật đèn xanh” để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất huy động, từ đó kéo giảm lãi suất cho vay.
Hiện lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã bắt đầu giảm từ giữa tháng 2/2023, một số ngân hàng thương mại cũng đã công bố hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất sẽ có tác động tích cực đối với một số ngành có đòn bẩy tài chính cao như ngành xây dựng có tỷ lệ vay nợ/vốn chủ sở hữu khoảng 1,18 lần, ngành bán lẻ (1,13 lần), dịch vụ tài chính (1,09 lần), sản xuất thực phẩm (0,74 lần), vật liệu xây dựng (0,63 lần), bất động sản (0,53 lần)…
Những vấn đề trên cho thấy việc cải thiện các chính sách liên quan đến tài chính, tiền tệ có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng còn nhiều vướng mắc nội tại tạo thành rào cản khó tiếp cận vốn như quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường… nên những cải cách cần đến từ hai phía để các chính sách tài khóa và tiền tệ thực sự phát huy hết hiệu quả.
Bình Nam