Việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện công khai, minh bạch và nhất quán

10:50 | 23/02/2022

(HQ Online) - Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và sử dụng Quỹ bình giá xăng dầu và Bộ Tài chính phối hợp theo chức năng nhiệm vụ.

Giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh, cao nhất hơn 26.000 đồng/lít
Bộ Công Thương cần sát sao, linh hoạt hơn trong điều hành xăng dầu
Tăng cường phân công, phân cấp và cá thể hóa trách nhiệm trong quản lý, điều hành giá
Ảnh: Nguyễn Thanh
Việc điều hành giá xăng dầu trong nước đã được thực hiện công khai, minh bạch và nhất quán. Ảnh: Nguyễn Thanh

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Mới đây, Đoàn đại biểu quốc hội TP Cần Thơ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách bình ổn giá các mặt hàng xăng dầu, vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc, gia cầm và thực hiện các chính sách trợ giá nông sản, hỗ trợ thiệt hại về cây ăn trái bị mất mùa, mất giá do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho nông dân để người nông dân an tâm sản xuất nông nghiệp và đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo cử tri TP Cần Thơ, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp một số mặt hàng nông dân sản xuất như: rau, củ, trái cây, thịt gia súc, gia cầm sụt giảm, ùn ứ, khó tiêu thụ; trong khi đó giá mặt hàng xăng dầu, vật tư và thức ăn chăn nuôi thì không ngừng tăng cao nên đời sống một bộ phận nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì tái sản xuất và ổn định cuộc sống.

Trước vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đã có hồi đáp cụ thể với cử tri TP Cần Thơ. Theo đó, đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc, gia cầm, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay nước ta đang thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn. Giá các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung và giá mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thóc gạo, thực phẩm nói riêng được hình thành theo cơ chế thị trường; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng trên được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bộ Tài chính cho biết, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá mặt hàng trên qua các biện pháp kinh tế vĩ mô như xây dựng và ban hành các chính sách phát triển sản xuất, điều hoà cung cầu...

Khi giá cả hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (như xăng, dầu thành phẩm; phân đạm, phân NPK, thuốc bảo vệ thực vật, thóc, gạo tẻ thường) có biến động bất thường hoặc khi mặt bằng giá các mặt hàng này biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, Nhà nước áp dụng có thời hạn một hoặc một số các biện pháp phù hợp để bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng thực hiện quản lý và bình ổn giá thị trường theo quy định của pháp luật thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kê khai giá khi doanh nghiệp định giá, điều chỉnh giá đối với một số mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; quy định về niêm yết giá và không được bán cao hơn giá niêm yết đối với tất cả các hàng hóa dịch vụ hoặc thực hiện điều tiết cung cầu.

Ngoài ra, thời gian qua, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương có liên quan thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả và cung cầu thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

Cùng với đó, trong những năm vừa qua, để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành và đang thực hiện nhiều cơ chế chính sách như chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, chính sách hỗ trợ phòng trừ dịch hại, miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; hỗ trợ sản xuất, cung ứng, lưu giữ giống gốc giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; các chính sách thuế nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng quy định ưu đãi ở mức cao nhất đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

Điều hành giá xăng dầu công khai, minh bạch và nhất quán

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì điều hành giá bán xăng dầu, điều hành trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và Bộ Tài chính phối hợp theo chức năng nhiệm vụ.

Đối với xăng dầu, thời gian qua, việc điều hành giá xăng dầu trong nước đã được thực hiện công khai, minh bạch và nhất quán theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Trong đó, trước những diễn biến phức tạp của giá xăng dầu thế giới, công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng linh hoạt, hiệu quả, giúp cho công tác điều hành giá xăng dầu trong nước tăng/giảm với mức phù hợp, không để xảy ra tình trạng đột biến về giá.

Ví dụ, trong kỳ điều hành ngày 26/10/2021, do sử dụng Quỹ bình ổn giá nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới, Bộ Công Thương đã cung cấp đầy đủ thông tin điều hành giá kịp thời đến các đối tượng.

Trong năm 2021, Quỹ bình ổn giá gần như liên tục được sử dụng để giữ ổn định hoặc hạn chế mức tăng giá, qua đó góp phần bình ổn giá và hỗ trợ đời sống, sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến kỳ điều hành cuối tháng 10/2021 chi tăng 40,23% đến 52,59%.

Thùy Linh