Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn: Quyết tâm xây dựng thành công mô hình Hải quan thông minh
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng mô hình Hải quan thông minh
Năm 2021 là năm đầu tiên cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng cục Hải quan đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch công tác như thế nào, thưa Tổng cục trưởng?
Những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan cụ thể hóa bằng Chương trình hành động gắn với nhiệm vụ chính trị của Ngành và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cơ quan Tổng cục Hải quan lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025). Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan xác định 3 đột phá chiến lược để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện, đó là:
Thứ nhất, hoàn thiện đồng bộ về thể chế, pháp luật trong lĩnh vực hải quan, tập trung vào việc kiến nghị sửa đổi Luật Hải quan, các nghị định, thông tư, hướng dẫn, quy trình thủ tục hải quan để triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Thứ hai, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học làm cơ sở lý luận mở đường cho việc xây dựng mô hình Hải quan thông minh và giải quyết các bài toán nghiệp vụ đặt ra hiện nay.
Thứ ba, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, thống nhất, phục vụ cho việc chuyển đổi số quốc gia. Tập trung nguồn nhân lực để hoàn thiện Đề án tái thiết kế tổng thể Hệ thống công nghệ thông tin đã được Bộ Tài chính phê duyệt.
Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu hiện nay của toàn Ngành là tập trung xây dựng và sớm đưa vào hoạt động mô hình Hải quan thông minh. Tổng cục trưởng có thể phân tích, đánh giá rõ hơn về những ưu việt của mô hình mới này trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan?
Quá trình xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030, ngành Hải quan xác định mục tiêu tổng quát là: Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan và thu thuế hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.
Vì vậy, song song với thực hiện các nội dung công việc liên quan đến thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số, Tổng cục Hải quan đã xây dựng mô hình Hải quan thông minh, xác định là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030, theo hướng: Hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với xu hướng tự do hóa toàn cầu; áp dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Hải quan các nước phát triển; các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hành chính nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử.
Trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Hải quan về xây dựng mô hình Hải quan thông minh, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã thống nhất phê duyệt “Chủ trương xây dựng mô hình Hải quan thông minh là phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật trên thế giới và tại Việt Nam”.
Có thể nói, việc thực hiện thành công mô hình Hải quan thông minh sẽ tạo ra bước đột phá và nâng tầm phát triển của Hải quan Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đây là mô hình mới với khối lượng công việc lớn chưa từng có tiền lệ, vì vậy, để đảm bảo hoàn thành các nội dung theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng đòi hỏi nỗ lực hết sức to lớn của cán bộ công chức toàn Ngành. Rất cần thiết là phát huy trí tuệ tập thể để hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về hải quan làm cơ sở triển khai Hải quan số, Hải quan thông minh...
Xin Tổng cục trưởng cho biết cụ thể hơn về những đặc trưng cơ bản của mô hình Hải quan thông minh?
Hải quan thông minh là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Mô hình Hải quan thông minh gồm các đặc trưng cơ bản: Quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, quản lý biên giới thông minh, phù hợp với mô hình hải quan ảo, cửa khẩu điện tử theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).
Triển khai mô hình quản lý biên giới tích hợp nhằm giảm yêu cầu tham gia trực tiếp của công chức hải quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ tại biên giới, thực hiện phân luồng hàng hóa, hành khách, phương tiện, ủy quyền kiểm tra tại cửa khẩu.
Áp dụng các giải pháp công nghệ và trang thiết bị kiểm tra, giám sát hiện đại phù hợp với đặc điểm khu vực cửa khẩu biên giới, có khả năng tích hợp, trao đổi dữ liệu tập trung, thống nhất.
Thống nhất vai trò chủ trì, điều phối các hoạt động liên quan đến quản lý, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), phương tiện vận tải xuất nhập cảnh (XNC) tại khu vực cửa khẩu biên giới của cơ quan Hải quan…
Thứ hai, quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số, triển khai mô hình quản lý chuỗi cung ứng tích hợp theo hướng dẫn tại khung an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của WCO.
Quản lý theo chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu quản lý toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo hàng hóa sử dụng đúng mục đích đã kê khai với cơ quan Hải quan...
Thứ ba, cung cấp dịch vụ tối ưu, thông qua thiết lập môi trường dịch vụ số thân thiện, dễ dàng tiếp cận, có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi và trên mọi phương tiện, có thể theo dõi được kết quả xử lý, cũng như cung cấp các tính năng hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, người dân trong thực hiện thủ tục hành chính…
Thứ tư, kết nối và xử lý thông minh là ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ như: kết nối Internet vạn vật (IoT), Chuỗi khối (Blockchain), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big data), Điện toán đám mây (ICloud), Di động (Mobility)… để hỗ trợ cơ quan Hải quan trong việc tự động phân tích, xử lý thông tin; làm chủ công nghệ, thích ứng kịp thời với những thay đổi về môi trường hoạt động…
Thứ năm, minh bạch, công bằng, nhất quán là cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của WCO.
Quản lý đối với các hoạt động XNK hàng hóa, XNC phương tiện vận tải phải thống nhất, tập trung, tinh giản tối thiểu quy trình xử lý, cắt giảm các khâu trung gian không cần thiết. Khuyến khích và tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan tham gia phản biện chính sách pháp luật, hợp tác với cơ quan Hải quan trong thực thi và giám sát thực thi pháp luật...
Đồng hành với doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu trong đại dịch
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Tổng cục Hải quan, diễn ra ngày 28/6/2021. Ảnh: Q.Hùng |
Thưa Tổng cục trưởng, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của ngành Hải quan đã được thể hiện như thế nào trong giai đoạn phát triển kinh tế và hội nhập mạnh mẽ những năm gần đây, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp hiện nay?
Đất nước đang trong giai đoạn phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng cao qua từng năm, ngoài công tác quản lý nhà nước về hải quan, nhiệm vụ quan trọng đặt ra với ngành Hải quan trong nhiều năm qua là tạo thuận lợi thương mại.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm này, nhiều năm qua, Tổng cục Hải quan đã không ngừng đẩy mạnh hoàn thiện về khung khổ pháp luật; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin như: thực hiện Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; Hệ thống quản lý hải quan tự động VASSCM; phối hợp thu thuế qua ngân hàng thương mại bằng phương thức điện tử 24/7…
Tổng cục Hải quan đã thể hiện rõ vai trò trung tâm để kết nối, thúc đẩy các bộ, ngành liên quan trong cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua vai trò là Cơ quan Thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899).
Tổng cục Hải quan cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, XNK. Đồng thời, mong muốn các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp hơn một năm qua, xin Tổng cục trưởng cho biết rõ hơn những giải pháp đã được Tổng cục Hải quan thực hiện để đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19?
Ngành Hải quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: phòng, chống dịch hiệu quả và đảm bảo thông quan hàng hóa thông suốt, đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan; xây dựng các phương án, các kịch bản để đảm bảo an toàn cho cán bộ công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ làm việc từ xa ở các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội.
Tổng cục Hải quan xác định đây là nhiệm vụ cấp bách đảm bảo thông quan nhanh các lô hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19... Đối với vấn đề phát sinh ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái (TPHCM), Tổng cục Hải quan đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ, nhanh chóng thành lập Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc tại Tổng cục và các cục, chi cục để hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan, nhất là hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Những ngày dịch bệnh phức tạp, ngành Hải quan vẫn đảm bảo thông quan cho hàng chục nghìn tờ khai, hàng nghìn tấn hàng hóa mỗi ngày, đặc biệt, đến giữa tháng 8 có hơn 18 triệu liệu vắc xin được thông quan để phục vụ công tác tác phòng, chống dịch. Đồng thời giúp kết quả thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan có nhiều khởi sắc, số thu đến 15/8 đạt 241.422 tỷ đồng, tăng 29,19% so với cùng kỳ 2020, đạt 76,64% chỉ tiêu cả năm. Ngành Hải quan nỗ lực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu dự toán thu ngân sách cả năm 2021 là 315.000 tỷ đồng.
Chủ trì thực hiện mô hình mới về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu
Nhiệm vụ quan trọng hiện nay của ngành Hải quan là được Chính phủ giao triển khai mô hình mới về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Xin Tổng cục trưởng cho biết rõ hơn những lợi ích trong việc triển khai mô hình mới này?
Đề án được Chính phủ phê duyệt, với 7 nội dung cải cách lớn sẽ đổi mới cơ bản, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp. Chính phủ giao Hải quan là cơ quan đầu mối trong thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo đánh giá độc lập của Dự án Tạo thuận lợi thương mại (do tổ chức USAID của Hoa Kỳ tài trợ), mô hình mới về kiểm tra chuyên ngành sẽ tiết kiệm về cắt giảm tờ thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Tỷ lệ số tờ khai kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cắt giảm được theo mô hình mới so với mô hình hiện tại khoảng 54,4% (chưa tính đến việc giảm số lô hàng kiểm tra do Đề án đề xuất tăng đối tượng được miễn kiểm tra). Tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm doanh nghiệp tiết kiệm được khi áp dụng mô hình mới so với mô hình hiện tại trong một năm là 2.484.038 ngày. Chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng (xấp xỉ 37,8 triệu USD Mỹ). Ước tính số tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD mỗi năm.
Thưa Tổng cục trưởng, việc triển khai Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và lộ trình áp dụng mô hình mới về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu đang được thực hiện thế nào?
Tổng cục Hải quan đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện hàng loạt nội dung công việc liên quan, nhất là hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Song song với quá trình xây dựng Nghị định nêu trên, Tổng cục Hải quan đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai sắp xếp, bổ sung nhân lực, thiết bị… sẵn sàng thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo lộ trình của Đề án đề ra đáp ứng theo mô hình mới.
Về lộ trình triển khai, Quyết định 38 được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1, (từ năm 2020 đến năm 2023), trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; tổ chức triển khai thực hiện Đề án; đánh giá, tổng kết việc thực hiện Đề án và đề xuất nhiệm vụ trong giai đoạn 2.
Giai đoạn 2, (từ năm 2023 đến năm 2026), rà soát, sửa đổi bổ sung các luật quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu là cơ quan Hải quan.
Khẳng định vai trò chủ công của ngành Hải quan trên mặt trận chống buôn lậu
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn thừa ủy quyền trao Huân chương Chiến công cho tập thể và các cá nhân có thành tích xuất sắc của Đội 5, Cục Điều tra chống buôn lậu, ngày 6/7/2021. Ảnh: T.Bình |
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại luôn nóng bỏng bởi thủ đoạn của các đường dây, ổ nhóm hết sức tinh vi và thay đổi liên tục, điều này đòi hỏi lực lượng Hải quan phải có sự chủ động, linh hoạt, đổi mới như thế nào để kịp thời nắm bắt, đấu tranh hiệu quả, thưa Tổng cục trưởng?
Đúng vậy! Lĩnh vực vi phạm không chỉ là buôn lậu, trốn thuế thông thường mà ngày càng xuất hiện nhiều đường dây tội phạm xuyên quốc gia quy mô lớn liên quan đến vận chuyển ma túy, động thực vật hoang dã, sử dụng rất nhiều chiêu thức tinh vi để cất giấu tang vật trong hàng hóa XNK, phương tiện XNC...
Điều này đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho ngành Hải quan trong việc phát hiện, điều tra, xử lý.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao và tinh thần đấu tranh kiên quyết, không khoan nhượng đối với các đường dây, ổ nhóm tội phạm, với vai trò là đầu mối giúp việc Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), Tổng cục Hải quan đã chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình để tham mưu, đề xuất các biện pháp đấu tranh với Ban Chỉ đạo, cũng như thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý.
Đáng chú ý, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, vấn đề gian lận xuất xứ nổi lên là một thách thức lớn đối với công tác quản lý nhà nước về hải quan đòi hỏi lực lượng Hải quan phải kịp thời nắm bắt, xử lý. Vừa qua, ngành Hải quan đã phát hiện, xử lý một số vụ việc nổi cộm và đang tiếp tục triển khai các kế hoạch đấu tranh, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Thống kê từ ngày 16/12/2020 đến 15/8/2021), toàn Ngành đã bắt giữ, xử lý 9.787 vụ vi phạm, tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.780 tỷ đồng, cơ quan Hải quan khởi tố 18 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 93 vụ. Trong đó, cơ quan Hải quan đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá nhiều đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia quy mô lớn, thu giữ hàng trăm kg ma túy các loại như Chuyên án HK668 do Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và các lượng chức năng triệt phá, Chuyên án HC421 do Cục Hải quan Hà Nội và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đồng chủ trì.
Trong Chuyên án HK668, lực lượng chức năng đã triệt phá đường dây vận chuyển trái phép ma túy từ Tam giác vàng về Campuchia vào Việt Nam rồi vận chuyển tiếp đi nước thứ 3 tiêu thụ, do các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) cầm đầu. Tổng lượng ma túy (ketamine) được thu giữ ở Chuyên án này (tại TPHCM và Hà Nội) lên đến hơn 280 kg.
Đối với Chuyên án HC421 lực lượng chức năng triệt phá đường dây vận chuyển, mua bán trái phép ma tuý từ châu Âu về Việt Nam. Thông qua Chuyên án HC421 thu giữ gần 127,5 kg ma tuý các loại và bắt giữ 16 đối tượng thuộc 4 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Dương, Bình Dương, TPHCM
Kết quả đạt được tiếp tục khẳng định vai trò chủ công của ngành Hải quan trên mặt trận chống buôn lậu, nhất là đấu tranh với tội phạm ma túy xuyên quốc gia.
Không chỉ trực tiếp triệt phá các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, chống thất thu ngân sách, thông qua công tác chống buôn lậu, ngành Hải quan còn kịp thời kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh sách quản lý cho phù hợp với thực tế. Xin Tổng cục trưởng cho biết thêm về nội dung quan trọng này?
Thông qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, những năm gần đây ngành Hải quan đã kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, sửa đổi bổ sung nhiều quy định và tăng cường công tác quản lý cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước, chống chảy máu tài nguyên khoáng sản…
Điển hình, qua kết quả đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, Tổng cục Hải quan kiến nghị sửa đổi, bổ sung hàng loạt quy định về xuất xứ hàng hóa, vấn đề ghi nhãn hàng hóa. Hay, qua công tác quản lý nhà nước về hải quan, cơ quan Hải quan phát hiện hiện tượng doanh nghiệp khai báo mặt hàng khoáng sản có mức thuế suất thuế tài nguyên cao sang mặt hàng khoáng sản có mức thuế suất tài nguyên thấp nhằm mục đích trốn thuế tài nguyên và các loại thuế khác cũng như sử dụng giấy phép khai thác được cấp không đúng quy định để xuất khẩu khoáng sản. Để quản lý khoáng sản một cách thống nhất và hiệu quả, Tổng cục Hải quan kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền khi cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản sẽ chuyển thông tin cho cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế nắm bắt, phối hợp quản lý. Đồng thời đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp phép để các cơ quan khác có thể tra cứu thông tin phục vụ công tác quản lý…
Ngoài ra, trước vi phạm về nhập khẩu phế liệu, cơ quan Hải quan đã điều tra, khởi tố nhiều vụ việc vi phạm và kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý từ khâu cấp phép đến tổ chức kiểm tra việc tuân thủ của doanh nghiệp.
Trước diễn biến phức tạp như hiện nay, để đấu tranh chống gian lận thương mại, chống thất thu hiệu quả, bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng, những nhiệm vụ giải pháp đặt ra với toàn Ngành là gì, thưa Tổng cục trưởng?
Toàn Ngành cần tiếp tục tăng cường kết hợp, sử dụng hiệu quả các lực lượng nghiệp vụ chủ công đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại gồm: lực lượng Kiểm soát hải quan, lực lượng Kiểm tra sau thông quan, lực lượng Thanh tra-Kiểm tra.
Trong đó lực lượng Kiểm soát hải quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn hoạt động hải quan để xây dựng hồ sơ quản lý; sưu tra đối tượng và tuyển chọn, xây dựng, sử dụng cơ sở bí mật, xây dựng kế hoạch, chuyên án để đấu tranh, triệt phá thành công những vụ việc lớn, nổi cộm, các đường dây, ổ nhóm, đối tượng cầm đầu hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ hàng hóa XNK, hành khách XNC qua cửa khẩu.
Phát huy tối đa việc sử dụng trang thiết bị, phương tiện trong việc giám sát trực tuyến trên ba cấp đạt hiệu quả; nâng cao hiệu quả về số lượng, chất lượng hoạt động điều tra, khởi tố vụ án hình sự; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới…
Đối với lực lượng Kiểm tra sau thông quan, tập trung vào các doanh nghiệp có rủi ro cao, mặt hàng trọng điểm có giá trị lớn, thuế suất cao; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống gian lận về xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp…
Lực lượng Thanh tra- Kiểm tra chú trọng các kế hoạch thanh tra chuyên ngành; tiếp tục kiểm tra nội bộ thông qua hình thức kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất theo dấu hiệu vi phạm, kiểm tra trực tuyến thông qua các hệ thống thông tin nghiệp vụ của ngành Hải quan và hệ thống camera giám sát công vụ…
Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước và hợp tác quốc tế.
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm thành lập Hải quan Việt Nam, Tổng cục trưởng gửi gắm thông điệp gì đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành?
Với bề dày truyền thống 76 năm xây dựng và trưởng thành, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện của lãnh đạo các các cấp, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành, tôi tin tưởng chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh để đưa Hải quan Việt Nam phát triển ngang tầm các nước hiện đại trên thế giới.
Nhập dịp kỷ niệm 76 năm thành lập Hải quan Việt Nam, thay mặt tập thể lãnh đạo Tổng cục Hải quan, tôi trân trọng gửi lời cảm ơn tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đã thường xuyên dành sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, phối hợp chặt chẽ giúp Hải quan Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Tôi cũng xin bày tỏ sự tri ân và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới lãnh đạo ngành Hải quan qua các thời kỳ và toàn thể các thế hệ cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành Hải quan!
Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!
Tin liên quan
Phát huy vai trò hệ thống CNTT hải quan đối với sự phát triển thương mại ở Việt Nam
07:57 | 23/10/2024 Hải quan
Công bố quyết định bổ nhiệm Tổng cục trưởng và 2 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan
18:00 | 23/08/2024 Hải quan
Thực hiện Hải quan số là xu thế tất yếu
14:32 | 13/08/2024 Hiện đại hóa hải quan
Bền vững cho bất động sản
07:26 | 08/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Giá xăng đồng loạt tăng từ 15 giờ ngày 7/11
15:25 | 07/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Đại sứ Việt Nam tại Peru: Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động cho Diễn đàn APEC
08:39 | 07/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Báo Nhân Dân đoạt giải Vàng, Giải thưởng Truyền thông Châu Á, WAN-IFRA
08:39 | 07/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đảng
21:02 | 06/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Đảm bảo không phát sinh bất công giữa các đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế
19:52 | 06/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Sửa Luật Đầu tư công: Chính phủ linh hoạt hơn, Quốc hội vẫn đảm bảo kiểm soát
14:29 | 06/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
CPI tháng 10 tăng 0,33%
10:51 | 06/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Tháo gỡ điểm nghẽn
08:07 | 06/11/2024 Người quan sát
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả
21:02 | 05/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đã rất tiết kiệm chi thường xuyên
16:06 | 05/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Thủ tướng lên đường tham dự các hội nghị GMS, ACMECS và CLMV tại Trung Quốc
08:49 | 05/11/2024 Sự kiện - Vấn đề
Đại biểu Quốc hội đề nghị gỡ khó cho điều nhập khẩu, cải thiện hạ tầng cho xuất khẩu
16:23 | 04/11/2024 Kinh tế
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Doanh nghiệp Đài Loan và Việt Nam mở rộng cơ hội phát triển bền vững ngành nước
Một doanh nghiệp chào bán hơn 1 tấn khô bò “bốn không”
Ngành Thuế thu ngân sách tăng 16%
BAC A BANK tài trợ 6 dự án truyền tải điện của EVN NPT
Hé lộ hình ảnh lô xe Omoda C5 đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam
(INFOGRAPHICS): Thu ngân sách tại 10 đơn vị hải quan tăng 11,86%
14:03 | 04/11/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) 32 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 10
09:14 | 29/10/2024 Infographics
Phiên họp Ủy ban Kỹ thuật thường trực WCO tại Bỉ: Dấu ấn điều hành của đại diện Hải quan Việt Nam
09:25 | 29/10/2024 Hải quan
Hành vi buôn lậu “khí cười” tại Công ty Hoa Việt diễn ra thế nào?
10:18 | 29/10/2024 An ninh XNK