Phối hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách 2022, tạo dư địa hoàn thành nhiệm vụ năm 2023

07:50 | 06/11/2022

(HQ Online) - Tính đến hết tháng 10/2022, thu ngân sách nhà nước đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ của cả năm 2022. Tuy nhiên, tình hình thu một số tháng gần đây đang có xu hướng giảm so với nửa đầu năm. Trong khi đó, dự báo năm 2023 tình hình thu ngân sách cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn chỉ đạo, các đơn vị thuộc khối thu cần phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách 2022, tạo dư địa hoàn thành nhiệm vụ năm 2023.

Tạo dư địa hoàn thành nhiệm vụ ngân sách năm 2023
Hải quan TPHCM hoàn thành chỉ tiêu pháp lệnh thu ngân sách
Thủ tướng nêu hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để hoàn thành tốt mục tiêu năm 2022
Hội nghị giao ban công tác tài chính - ngân sách tháng 10, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách tháng 11/2022.
Hội nghị giao ban công tác tài chính - ngân sách tháng 10, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách tháng 11/2022.

Thu ngân sách có xu hướng giảm

Trong 10 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 1.464,3 nghìn tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán (ngân sách trung ương ước đạt 103,6% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 103,8% dự toán), tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đánh giá, thu ngân sách tuy tăng so với cùng kỳ song đang có xu hướng giảm. Đối với thu nội địa, 10 tháng đầu năm 2022, thu ước đạt 1.157,7 nghìn tỷ đồng, bằng 98,4% dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính riêng trong tháng 10, thu nội địa ước đạt 110,1 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 37,1 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Mức tăng này chủ yếu do một số khoản thu chế độ cho phép thu theo quý như: thuế TNDN, thuế TNCN và thuế GTGT của hộ kinh doanh, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi NSNN,... phát sinh quý 3/2022 các doanh nghiệp đã kê khai nộp trong tháng 10 và thực hiện thu vào NSNN tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian được gia hạn theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, nếu không kể các khoản tăng thu này, số thu nội địa tháng 10 tiếp tục có xu hướng giảm do một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh, thị trường tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao do ảnh hưởng của giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, lãi suất, tỷ giá tăng, suy giảm kinh tế trên toàn cầu.

Theo Bộ Tài chính, thu nội địa bình quân 5 tháng đầu năm đạt 130,8 nghìn tỷ đồng/tháng, từ tháng 6 đến nay thu bình quân chỉ đạt gần 100 nghìn tỷ đồng, trong đó thu tháng 9 chỉ còn 71,2 nghìn tỷ đồng, tháng 10 không kể các khoản thu kê khai nộp theo quý thì số thu chỉ đạt khoảng 70 nghìn tỷ đồng. Một số ngành giảm thu như: dầu khí, sản xuất thép, xi măng, vật liệu xây dựng, ngành xây lắp, dệt may... do giá sản phẩm đầu ra đang có xu hướng giảm; ô tô giảm do chính sách kích cầu hết hiệu lực từ tháng 5/2022; chứng khoán, bất động sản do thị trường giảm; ngân hàng do áp lực tăng lãi suất, tỷ giá và chính sách kiểm soát tăng trưởng tín dụng để ổn định lạm phát...

Trong 10 tháng, nếu không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa đạt 96,3% dự toán, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh 6 khoản thu vượt dự toán thì vẫn còn có# 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước. Đối với các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 3 khu vực kinh tế (DNNN, DN FDI và DN tư nhân), thì số thu từ 2 sắc thuế chính, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ở 3 khu vực kinh tế mặc dù vẫn đảm bảo tiến thu độ dự toán và tăng trưởng so cùng kỳ, song đang có xu hướng giảm trong những tháng gần đây là thuế GTGT ước đạt 85,3% dự toán, tăng 11,7% và thuế TNDN đạt 91,4% dự toán, giảm 14,3% so cùng kỳ năm 2021.

Tích cực rà soát các khoản thu, tăng cường chống thất thu

Tại Hội nghị giao ban công tác tài chính ngân sách tháng 10, triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách tháng 11 năm 2022 của Bộ Tài chính được tổ chức ngày 3/11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho biết, đối với thu nội địa, khả năng thu ngân sách năm 2022 cơ bản hoàn thành. Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục cùng các đơn vị đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022. Về nợ thuế, ông Phi Vân Tuấn cho biết, cơ bản nợ có tăng. Nguyên nhân đến từ những khó khăn của các DN. Mặc dù nền kinh tế bước đầu có ổn định nhưng nhiều DN nhỏ và vừa vẫn đang trong tình trạng khó khăn, thậm chí có cả DN FDI. Tuy nhiên, sau tháng 9/2022, do Tổng cục Thuế thực hiện các giải pháp trong công tác quản lý nợ nên bước đầu nợ thuế có giảm. Liên quan đến tình hình thực hiện các gói hỗ trợ cho DN khó khăn do dịch Covid-19, đến nay, tổng số thực hiện gia hạn, miễn, giảm ước đến hết tháng 10 khoảng 160,3 nghìn tỷ đồng.

Đối với thu ngân sách từ hoạt động XNK, số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, thu ngân sách của ngành Hải quan trong tháng 10/2022 ước đạt gần 14 nghìn tỷ đồng trên cơ sở tổng số thu thuế đạt gần 32,1 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 500 tỷ đồng so với tháng trước; hoàn thuế GTGT theo chế độ khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng. Trong 10 tháng đầu năm 2022, thu thuế XNK ước đạt gần 236,1 nghìn tỷ đồng, bằng 118,6% dự toán, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2021 trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 362 nghìn tỷ đồng, bằng 102,8% dự toán; hoàn thuế GTGT theo chế độ 125,9 nghìn tỷ đồng, bằng 82,3% dự toán. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, thu ngân sách của ngành Hải quan đến thời điểm hết tháng 10 đã vượt kế hoạch, hoàn thuế đạt 82% dự toán, phù hợp với thực tế tổng số thu 10 tháng của Tổng cục Hải quan. “Hiện nay chúng tôi đang tích cực rà soát các khoản thu, tăng cường chống thất thu để trong hai tháng còn lại sẽ vượt chỉ tiêu phấn đấu của Bộ Tài chính giao”, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết.

Chỉ đạo những công việc trọng tâm hai tháng cuối năm 2022 cũng như năm 2023, tại Hội nghị giao ban, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, tình hình thu chi NSNN 10 tháng năm 2022 đến nay cơ bản hoàn thành, bao gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tuy còn có 2 tỉnh khó khăn. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, năm 2023 có nhiều dấu hiệu khó khăn, thách thức và chắc chắn tình hình thu chi NSNN cũng sẽ khó khăn, do đó các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị thuộc khối thu gồm Vụ NSNN, Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước cần phối hợp một cách hài hòa, hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách 2022 và có dư địa hoàn thành nhiệm vụ năm 2023.

Hoài Anh