Lựa chọn kênh đầu tư khi lãi suất huy động còn chịu áp lực tăng

21:03 | 19/01/2023

(HQ Online) - Từ đầu tháng 1/2023 đến nay, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đã ổn định sau một thời gian tăng nóng. Tuy nhiên, áp lực tăng lãi suất vẫn còn nên đây vẫn có thể là một kênh đầu tư hấp dẫn cho năm 2023.

Kỳ vọng lãi suất, lạm phát giảm giúp thị trường chứng khoán có cơ hội hồi phục mạnh mẽ
Lãi suất năm 2023 khó đi ngược dòng chảy thế giới
Khó khăn về tín dụng, lãi suất sẽ sớm được tháo gỡ
Lãnh đạo NHNN đã nhận định, trong năm 2022, bài toán khó nhất đối với NHNN là tìm điểm cân bằng hài hòa giữa điều hành lãi suất và tỷ giá. Ảnh: Internet
Lãnh đạo NHNN đã nhận định, trong năm 2022, bài toán khó nhất là tìm điểm cân bằng hài hòa giữa điều hành lãi suất và tỷ giá. Ảnh: Internet

Lãi suất tiền gửi có nơi lên tới 9,9%/năm

Nếu như những tháng cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng liên tục tăng, có lúc tăng vượt mốc 10%/năm, thì đến hiện nay, sau khi đã thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn không vượt quá 9,5%/năm, biểu lãi suất của các ngân hàng thương mại đã ổn định hơn.

Theo khảo sát, hiện lãi suất không kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại tư nhân dao động từ 0,01% đến 1%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 đến 3 tháng dao động từ 3,8% đến 6%/năm. Nhiều ngân hàng áp dụng mức kịch trần 6%/năm như SCB, NVB, PVcomBank, VPBank, ABBank...

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng có mức lãi suất từ 6,8% đến 9,35%năm, kỳ hạn 9 tháng có mức từ 6,83% đến 9,45%/năm. Kỳ hạn trên 12 tháng niêm yết ở mức từ 6,8% đến 9,95%/năm… Đặc biệt, những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ lại niêm yết lãi suất ở mức cao hơn so với mặt bằng chung. Chẳng hạn, NCB niêm yết lãi suất tiết kiệm An Phú kỳ hạn trên 13 tháng ở mức 9,9%/năm khi lĩnh lãi cuối kỳ.

Trong khi đó, tại 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thì lãi suất huy động thường thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân. Theo đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cho các kỳ hạn từ 6, 9, 12, 24 tháng dao động từ 6-7,4%/năm.

Kỳ vọng hạ nhiệt lãi suất trong nửa cuối năm 2023

Theo báo cáo vĩ mô mới cập nhật, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, lãi suất tiền gửi tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023 do hạn chế thanh khoản trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng mạnh để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn cũng như đáp ứng nhu cầu vay tăng cao của nền kinh tế và tăng trưởng tiền gửi đã chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2022, do đó các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi.

Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2023, các chuyên gia này kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ giảm nhẹ nhờ áp lực tỷ giá giảm cho phép NHNN bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất, lạm phát trong nước được kiểm soát và đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là giữ lạm phát trung bình năm 2023 dưới 4,5%...

Tương tự, báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định, lãi suất huy động và lãi suất cho vay còn dư địa tăng trong năm 2023, do quá trình tăng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6/2023. Tuy nhiên, trong điều kiện thuận lợi, lãi suất điều hành có thể không tăng thêm trong năm 2023. Mặt bằng lãi suất kỳ vọng đạt đỉnh trong nửa đầu 2023, sau đó đi ngang và hạ nhiệt nửa cuối năm 2023

Còn theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, lãi suất huy động trong năm 2023 vẫn sẽ ở mức như hiện tại, nếu có tăng thì cũng không đáng kể.

Cũng nhận định về lãi suất huy động, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục có sự phân hóa do cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng thương mại cổ phần để giải quyết vấn đề thanh khoản; cạnh tranh thu hút tiền gửi trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi đang dịch chuyển và người gửi tiền đã quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu ngân hàng nên chấp nhận gửi nơi có lãi suất thấp hơn để hạn chế rủi ro.

Với những diễn biến như trên, giới phân tích cho rằng, trong một vài tháng đầu năm, kênh gửi tiết kiệm ngân hàng là lựa chọn tốt nhất cho dòng tiền nhàn rỗi. Bởi các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu tại nước vẫn chưa phục hồi, vàng và USD được điều hành ổn định nên mức sinh lời thấp, trong khi lãi suất ngân hàng dù hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao, thậm chí có thể tăng cao hơn mức niêm yết nếu gửi khoản tiền lớn, kỳ hạn dài.

Hơn nữa, với quy định giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của NHNN, các ngân hàng thương mại buộc phải áp dụng nhiều phương thức để thu hút tiền gửi kỳ hạn dài, như áp dụng khuyến mãi, tặng quà…

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, lãi suất tiền gửi ở mức cao sẽ có lợi cho người gửi tiền, song làm tăng chi phí vốn và hạn chế đầu tư xã hội. Hơn nữa lãi suất đầu vào cao sẽ tạo gánh nặng cho người đi vay, từ đó kéo theo gánh nặng nợ xấu. Do đó, NHNN đã nhiều lần cho biết sẽ sử dụng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tín dụng một cách thận trọng để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ kinh tế phục hồi và bảo đảm an toàn hệ thống.

Ngoài ra, lãnh đạo từ Chính phủ đến các bộ, ngành cũng đã nhấn mạnh về giải pháp để phục hồi và lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản... Vì thế, nhà đầu tư không nên "bỏ trứng vào một giỏ", mà nên đa dạng kênh đầu tư, dựa theo "khẩu vị" rủi ro để tìm phương án thích hợp nhất.

Hương Dịu