Linh hoạt giảm lãi suất điều hành để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp

11:15 | 16/03/2023

(HQ Online) - Lần đầu tiên trong 2 năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định cắt giảm một số loại lãi suất điều hành từ 0,5-1%. Theo các chuyên gia, đây là quyết định rất linh hoạt và kịp thời.

Nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất, NHNN quyết định hạ lãi suất điều hành
Lãi suất cho vay cần độ trễ để giảm thực chất và sâu rộng
Hạ nhiệt lãi suất huy động, kéo giảm lãi vay
Các doanh nghiệp đều mong muốn đươc giảm lãi suất và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Ảnh: H.Dịu
Các doanh nghiệp đều mong muốn đươc giảm lãi suất và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Ảnh: H.Dịu

Động thái "mạnh dạn" hỗ trợ doanh nghiệp

Bình luận về quyết định này của NHNN, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, NHNN đã có những tín hiệu hỗ trợ thanh khoản thị trường tốt hơn. Bên cạnh việc điều tiết nền kinh tế, thị trường bất động sản cũng đang chờ được hỗ trợ thanh khoản.

Cũng về vấn đề này, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BVSC cho rằng, đây là động thái rất linh hoạt của NHNN trong bối cảnh USD đang yếu hơn và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng tăng lãi suất ít đi và sớm hạ lãi suất trở lại ngay trong năm 2023, giúp giảm đáng kể áp lực đối với tỷ giá.

“Việc NHNN tận dụng thời điểm này để cắt giảm lãi suất, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế là một quyết định rất linh hoạt và kịp thời. Động thái này cũng tạo dư địa về lãi suất trong trường hợp FED chuyển hướng "diều hâu" hơn so với những kỳ vọng của thị trường”, BVSC nhận định.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá, việc giảm lãi suất là động thái khá "mạnh dạn" của NHNN trong bối cảnh thị trường tài chính biến động.

Theo vị chuyên gia này, cơ sở để NHNN thực hiện là nhờ áp lực lãi suất, tỷ giá từ bên ngoài đã và đang giảm dần, dự báo FED có khả năng tăng nhẹ lãi suất trong kỳ hạn tới nhưng đà tăng có thể dừng lại thậm chí có thể đảo chiều từ quý 2/2024. Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong nước có nhiều cải thiện, tạo điều kiện để một số tổ chức tín dụng chủ động giảm lãi suất tiền gửi và cho vay.

Vì thế, việc giảm một số loại lãi suất điều hành này được nhận định càng tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất huy động, từ đó làm cơ sở để giảm lãi suất cho vay.

Cùng với động thái giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại cũng công bố hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay DN nhỏ và vừa.
Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

Theo NHNN, hiện nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng. Nhờ đó, đến nay mặt bằng lãi suất cho vay phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,4%/năm, trong đó nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi và cho vay.

Không chủ quan với lạm phát

NHNN cho biết, việc giảm lãi suất điều hành được thực hiện trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, lạm phát dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt và qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nền kinh tế.

Cùng với đó, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu do cầu thế giới chậm lại, các vấn đề tồn tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa thể sớm giải quyết. Vì thế, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại cuộc họp về tín dụng ngày 15/3, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, NHNN đã rất tích cực chỉ đạo, điều tiết tiền tệ, kêu gọi sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất. NHNN ban hành quyết định giảm lãi suất điều hành với cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.

Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN, giảm đến mức nào, các công cụ chính sách nào thì cần cân nhắc cụ thể bởi vì nhiệm vụ của NHNN không chỉ kiềm chế lạm phát, điều hành để giảm mặt bằng lãi suất, mà còn phải ổn định thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn thanh khoản cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đây là những nhiệm vụ quan trọng để củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Viêt Nam.

Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn khuyến nghị một số vấn đề cần chú ý, nhất là việc kiểm soát lạm phát, cũng như phải theo dõi sát động thái về lãi suất của FED. Ông Tim Leelahaphan cho biết, dù việc cắt giảm lãi suất sẽ giảm bớt căng thẳng trên thị trường bất động sản và hỗ trợ nền kinh tế, song ở phạm vi toàn cầu – với việc FED tiếp tục tăng lãi suất – có thể khiến động thái này trở nên khó khăn.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered khuyến nghị, kiểm soát lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của NHNN, bởi dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong suốt năm 2023. Điều đó nghĩa là NHNN có thể phải hỗ trợ VND để tránh nhập khẩu lạm phát. Vị này cũng đưa ra kỳ vọng NHNN sẽ gia tăng dự trữ ngoại hối khi có cơ hội, sau khi sụt giảm đáng kể vào năm ngoái.

Theo TS. Cấn Văn Lực, NHNN không nên chủ quan với lạm phát, nên cần tiếp tục phối hợp chính sách tài khóa tích cực hơn với chính sách tiền tệ để hướng tới mục tiêu kép là ổn định giảm dần mặt bằng lãi suất hỗ trợ tăng trưởng nhưng vẫn kiểm soát lạm phát.

Hương Dịu