![]() | Linh hoạt giảm lãi suất điều hành để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp |
![]() | Nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất, NHNN quyết định hạ lãi suất điều hành |
![]() | Lãi suất cho vay cần độ trễ để giảm thực chất và sâu rộng |
![]() |
Doanh nghiệp luôn mong muốn được hỗ trợ về lãi suất nhằm tiếp cận vốn rẻ. Ảnh: Internet |
Hiện trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng đã giảm gần 2 tuần nay. Trong tuần gần cuối tháng 3, theo số liệu cập nhật từ NHNN, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm bằng VND đã giảm mạnh chỉ còn 1,55%/năm. Cùng với đó, kỳ hạn 1 tuần lãi suất bình quân liên ngân hàng ở mức 1,98% và 2,26%/năm tại kỳ hạn 2 tuần. Các kỳ hạn từ 1 tháng đến 9 tháng, lãi suất bình quân liên ngân hàng lần lượt ở mức 4,44%; 7,49% và 8,46%/năm.
Đồng thời, để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, trên thị trường mở, NHNN cũng đã dừng phát hành tín phiếu mới hút tiền từ đầu tuần trước, sau hơn 1 tháng được sử dụng liên tục.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, đúng như các kỳ vọng của thị trường, Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lần thứ 9 kể từ đầu năm ngoái. Tuy nhiên, mức tăng chỉ ở mức 0,25 điểm %, đưa lãi suất cho vay qua đêm lên 4,75-5%.
Theo giới phân tích, việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động không lớn tới thị trường Việt Nam, có chăng đó là những tác động tâm lý ngắn hạn. Do vậy, nhiều ý kiến kỳ vọng thời kỳ “tiền đắt” sắp kết thúc, nhất là khi mặt bằng lãi suất huy động trong nước đã và đang giảm khá sâu.
![]() |
Diễn biến lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng tổ chức. |
Cụ thể, 4 "ông lớn" quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank hiện đang niêm yết lãi suất tiết kiệm tối đa chỉ còn 7,2%/năm. Khối các ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng bình quân ở mức 7,8%/năm, giảm 41 điểm cơ bản so với thời điểm cuối tháng 1/2023...
Tuy nhiên, trong kiến nghị gửi đến NHNN mới đây, cử tri tỉnh Quảng Bình phản ánh, quá trình thực tế cho thấy, khi có chủ trương giảm lãi suất tiền gửi thì ngay sau đó đồng loạt các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất tiền gửi, kể cả những người đã gửi trước và người gửi sau. Nhưng khi có chủ trương giảm lãi suất tiền vay thì các ngân hàng lại kéo dài thời gian rất lâu mới thực hiện giảm cho đối tượng vay trong thời điểm đó, còn đối tượng vay trước thì không được giảm.
Trả lời về vấn đề này, NHNN cho biết, đối với lãi suất tiền gửi, theo quy định hiện hành, NHNN quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 6 tháng bằng VND và việc áp dụng mức lãi suất tiền gửi cụ thể là do tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét quyết định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường, tình hình hoạt động của TCTD; lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Trường hợp lãi suất thị trường có biến động hoặc NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành dẫn đến việc TCTD điều chỉnh tăng hoặc giảm lãi suất tiền gửi, thì khách hàng vẫn tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận đã cam kết về lãi suất cho đến ngày đến hạn khoản tiền gửi.
Đối với lãi suất cho vay, theo quy định hiện hành, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do TCTD và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng.
Tương tự như lãi suất tiền gửi, trường hợp TCTD điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, đối với các khoản vay mà TCTD và khách hàng đã thỏa thuận về lãi suất, thì TCTD tiếp tục áp dụng lãi suất đã thỏa thuận cho tới hết thời hạn khoản vay hoặc đến hết kỳ hạn trả lãi theo thỏa thuận cho vay giữa TCTD và khách hàng.
NHNN cho biết hiện đang quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam (ở mức 5,5%/năm) của TCTD đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, NHNN cũng đã chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Hương Dịu