Huy động, phân bổ nguồn lực tài chính để phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

21:23 | 17/03/2023

(HQ Online) - Tại Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023, với chủ đề “Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” do Thời báo Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 17/3, các chuyên gia đã chỉ ra những điểm nghẽn, hạn chế trong phát triển kinh tế miền Trung, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để khu vực này thực sự trở thành vùng kinh tế trọng điểm.

Tháo gỡ điểm nghẽn phát triển vùng Đông Nam bộ
Chính phủ Anh hỗ trợ phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính và kinh doanh của khu vực
Triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Trung du và miền núi Bắc Bộ
Đầu tư bến cảng 5 vạn tấn tạo đà phát triển dịch vụ Logistics tại miền Trung
Huy động, phân bổ nguồn lực tài chính để phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Quang cảnh Diễn đàn.

Trong gần 20 năm hình thành và phát triển, Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung đã đạt được một số thành tựu phát triển nhất định. Tuy vậy, so với kỳ vọng đặt ra, vùng chưa có nhiều nổi trội hơn so với các tiểu vùng khác của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Đóng góp của “đầu tàu” – TP. Đà Nẵng với vùng dưới mức kỳ vọng, thấp hơn hai tỉnh Quảng Nam và Bình Định. Trong 5 tỉnh, chỉ có 2 tỉnh là Quảng Ngãi, Quảng Nam có dự án động lực; 3 tỉnh, thành phố còn lại chưa có dự án động lực, thúc đẩy phát triển vùng.

TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) đề xuất 2 nhóm giải pháp nhằm huy động nguồn lực cho phát triển vùng KTTĐ miền Trung gồm: huy động nguồn lực tài chính và phân bổ nguồn lực tài chính để phát triển vùng.

Đối với nhóm giải pháp về phân bổ nguồn lực tài chính để phát triển, TS. Nguyễn Thanh Nga cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu ban hành định mức phân bổ ngân sách đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐ.

Tập trung nguồn vốn NSNN đầu tư các công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp quản lý các nguồn thu phát sinh, chống thất thu ngân sách; tiếp tục cơ cấu chi ngân sách theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ trọng tâm, công trình trọng điểm, giảm chi thường xuyên.

PGS TS. Chu Khánh Lân, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Ngân hàng, Trưởng nhóm chuyên gia giúp việc của Tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Vùng KTTĐ miền Trung là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

“Tuy hạ tầng trong vùng đã được đầu tư và cải thiện đáng kể trong thời gian vừa qua, nhưng chủ yếu vẫn dựa vào sự nỗ lực của từng địa phương, chưa có sự phát triển theo hướng liên kết phát triển vùng nhằm chuyển thế mạnh kinh tế địa phương sang khai thác lợi thế toàn vùng theo quy hoạch Vùng KTTĐ miền Trung”, PGS TS. Chu Khánh Lân nói.

Theo đó, chuyên gia này đề xuất cần ưu tiên đầu tư để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng chống biến đổi khí hậu, hạ tầng giao thông gắn với logistic kết nối theo trục Bắc - Nam và hệ thống đường ngang Đông- Tây, kết nối liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên.

Theo TS. Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, để Vùng KTTĐ miền Trung cất cánh, cần có quyết tâm chính trị cao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để biến những địa phương nhiều tiềm năng nhưng chậm phát triển thành vùng đất phồn vinh.

Theo đó, trong 10 - 15 năm tới, cần huy động mọi nguồn lực để Vùng KTTĐ miền Trung phát triển đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9 - 10%/năm, nếu không muốn tiếp tục trở thành vùng trũng trong sự phát triển chung của đất nước, trở thành địa bàn rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” sớm nhất.

Vùng KTTĐ miền Trung được thành lập tại Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định - là 1 trong 4 vùng KTTĐ của cả nước.

Hoài Anh