Gói chính sách hỗ trợ tài chính mới dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 51.400 tỷ đồng

19:36 | 15/01/2022

(HQ Online) - Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến dự thảo tờ trình Nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành Thuế kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế giá trị gia tăng
Hướng dẫn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng với hàng hoá, dịch vụ
Quy định rõ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng phù hợp với pháp luật về chứng khoán
Công nhân làm việc ở một doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang.
Ảnh: Internet.

Cần sớm ban hành Nghị quyết

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2020 - 2021, do tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế liên tiếp giảm ở mức thấp, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021 - 2025. Tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô; chi phi đầu vào gia tăng; chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy; này sinh các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh, an ninh và trật tự an toàn xã hội...

Trước tình hình đó, nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ trong đó có các giải pháp về miễn, giảm thuế đã được ban hành và triển khai, đạt nhiều kết quả tích cực, tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp từ dịch Covid-19. Các giải pháp hỗ trợ nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tăng trưởng của năm 2020 và năm 2021.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, trước những khó khăn, tác động sâu rộng của dịch Covid-19, cần phải có giải pháp, chính sách tổng thể để nhanh chóng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, không dễ lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới.

Do vậy, Chính phủ đã xây dựng và trinh Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy định một số chính sách miễn, giảm thuế (như giảm thuế giá trị gia tăng; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp).

Tại khoản 1 Điều 6 Nghị quyết cũng đã giao Chính phủ: "Khẩn trương ban hành các giải pháp để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật để thực hiện Chương trình". Chính vì vậy, việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội là cần thiết.

Bộ Tài chính khẳng định, việc xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ cũng đảm bảo bám sát các nội dung quy định của Nghị quyết, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Đồng thời cũng đảm bảo nguyên tắc đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và phủ hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối da cho doanh nghiệp, người dân, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; phù hợp với xu thế chung của thế giới thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm sớm phục hồi và phát triển kinh tế.

Dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 51.400 tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, nội dung của dự thảo nghị định mới sẽ tập trung vào việc quy định đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội và thời gian bắt đầu giảm. Bên cạnh đó, dự thảo cũng hướng dẫn thực hiện trừ các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với việc hướng dẫn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng, tại tiết a điểm 1.1 Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội quy định: "Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) trong năm 2022, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoản, bao hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoảng (không kể than), than cốc. dầu mỏ tinh chế, hóa chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt".

Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thưởng vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 (trong đó tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết này có quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 để hướng dẫn cụ thể việc thực hiện. Do vậy, việc hướng dẫn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng sẽ được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nội dung đã được quy định tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ.

Đối với việc hướng dẫn khấu trừ chi phí ủng hộ, tài trợ các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, tại tiết b điểm 1.1 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH của Quốc hội quy định: "Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tỉnh thuế năm 2022".

Bộ Tài chính khẳng định, nội dung chính sách nêu trên giống với quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và đã được hướng dẫn thực hiện cụ thể theo Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ.

Do vậy, trên cơ sở kế thừa các quy định tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định tại dự thảo Nghị định như sau: doanh nghiệp, tổ chức là người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, được tính vào chi phi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ.

Bộ Tài chính cho biết, do Nghị định quy định cụ thể các nội dung chính sách đã được Quốc hội quyết định, vì vậy phạm vi tác động từ các giải pháp hỗ trợ đã được báo cáo Quốc hội khi trình Nghị quyết. Theo đó, dự kiến các chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2022 khoảng 51.400 tỷ đồng. Số này bao gồm 49.400 tỷ đồng từ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và 2.000 tỷ đồng từ chính sách khấu trừ chi phí tài trợ, ủng hộ phòng, chống Covid-19 khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho rằng số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Qua đó, có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Dự kiến những quy định trên sẽ có hiệu lực thi hành kể từ 1/2/2022.

Thùy Linh