Giữ ổn định tỷ giá để kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất

13:39 | 07/02/2023

(HQ Online) - Trả lời phỏng vấn Tạp chí Hải quan, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, sức ép lạm phát giảm dần, chỉ số USD thế giới trong xu hướng giảm sẽ giúp tỷ giá ngoại tệ trong nước ổn định hơn, từ đó giảm ảnh hưởng tới điều hành lãi suất.

Kỳ vọng lãi suất, lạm phát giảm giúp thị trường chứng khoán có cơ hội hồi phục mạnh mẽ
Bức tranh kiểm soát lạm phát năm 2023
Giữ ổn định tỷ giá để kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất
TS. Nguyễn Đức Độ

Ông nhận định như thế nào về tác động của diễn biến tỷ giá đối với lạm phát trong năm 2023?

Áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn. Cụ thể do, áp lực lạm phát cơ bản gia tăng bền vững từ giữa năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa sau năm 2022. Theo các số liệu Tổng cục Thống kê công bố thì cung tiền gần như không tăng trong nửa sau của năm 2022, đồng thời, mặt bằng lãi suất năm 2022 đã tăng khoảng 2-2,5 điểm % so với năm 2021. Đây sẽ là những nhân tố có tác động kiềm chế lạm phát trong năm 2023.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính - tiền tệ quốc gia: Áp lực tỷ giá sẽ nhẹ hơn

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, nên áp lực lãi suất, tỷ giá trong nước vẫn còn, nhưng áp lực năm nay sẽ nhẹ hơn năm 2022. Tuy nhiên, theo tính toán, chúng ta có thể chấp nhận tiền đồng mất giá nhiều hơn một chút trong năm nay, song cần cân nhắc chuyện tăng lãi suất. Bởi nếu lãi suất tăng mạnh quá, doanh nghiệp sẽ không thể chịu đựng được, nên cần phải hết sức thận trọng với công cụ lãi suất thời gian tới.

Đặc biệt, áp lực về tỷ giá cũng đã giảm đáng kể từ cuối năm 2022. Trên thị trường quốc tế, nhiều khả năng chỉ số đồng USD đã đạt đỉnh vào tháng 9/2022 và đang trong xu hướng giảm giá, mặc dù sẽ có những giai đoạn phục hồi trong năm 2023. Ở thị trường trong nước giá USD cũng đã giảm mạnh từ tháng 12/2022. Tính từ cuối năm 2021 đến cuối năm 2022, VND chỉ giảm giá khoảng 3,7% so với USD. Đây là mức mất giá không quá lớn và do vậy sẽ không ảnh hưởng quá mạnh tới lạm phát thời gian tới.

Nếu xu hướng giảm giá của đồng USD tiếp tục được duy trì, tỷ giá USD/VND trong năm 2023 sẽ được NHNN giữ ổn định để kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Như vậy, các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỷ giá hay giá nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023.

Việc tỷ giá ngoại tệ trong nước giữ ổn định sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế vĩ mô, thưa ông?

Rõ ràng, việc giữ ổn định tỷ giá sẽ khiến động cơ tích trữ ngoại tệ của người dân giảm, lượng ngoại tệ bán ra giảm đi sẽ tạo điều kiện cho NHNN mua vào để dự trữ, giúp tăng cung tiền, từ đó làm giảm sức ép tăng lãi suất. Hơn nữa, lạm phát ít bị ảnh hưởng tăng sẽ giúp giá cả, thị trường trong nước ổn định, giá thành nguyên phụ liệu sản xuất sẽ biến động nhẹ hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Đặc biệt, diễn biến tỷ giá ngoại tệ thường có tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho đến nay vẫn dựa chủ yếu vào vốn và thị trường xuất khẩu. Một khi kinh tế thế giới có biến động mạnh, kinh tế Việt Nam cũng dao động theo. Nhưng như trong năm 2022, chỉ số USD Index đã tăng khá mạnh, tỷ giá VND/USD cũng đã tăng 3-4% nhưng tình hình xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay của Việt Nam vẫn tốt, vẫn duy trì xuất siêu dù nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá mạnh.

Điều này cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam không phụ thuộc vào tỷ giá mà phụ thuộc nhiều hơn vào tổng cầu từ nền kinh tế thế giới, nếu tổng cầu tốt thì xuất nhập khẩu tốt, nếu suy thoái thì ngược lại. Do đó, việc phát triển các thị trường xuất nhập khẩu, đẩy mạnh nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm, hàng hóa là rất cần thiết để duy trì hoạt động xuất nhập khẩu bền vững.

Với những vấn đề nêu trên, theo ông, công tác điều hành tỷ giá cần có những lưu ý gì?

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn về thương mại nhưng mức độ mở cửa về tài chính vẫn còn thấp. Đây là điều kiện để Việt Nam có thể kiểm soát được cả lãi suất và tỷ giá ở một mức độ nào đó mà không cần thả nổi như một số quốc gia khác. Hơn nữa, áp lực về lạm phát khiến dư địa để NHNN nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế gần như không còn. Tuy vậy, thực tế cho thấy Việt Nam có nhiều lợi thế để ổn định tỷ giá, chẳng hạn như xuất siêu ở mức cao, dự trữ ngoại hối và nguồn kiều hối lớn, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng khả quan…

Thời gian qua, các cơ quan quản lý tài chính – tiền tệ đã đảm nhiệm khá tốt nhiệm vụ ổn định vĩ mô, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, giúp người dân và doanh nghiệp giảm bớt được chi phí tài chính, đồng thời duy trì khả năng tiếp cận nguồn vốn trong giai đoạn khó khăn. Để duy trì sự ổn định về tài chính, tiền tệ, bên cạnh sự chủ động, linh hoạt cũng như nguồn lực sẵn sàng can thiệp, điều quan trọng không kém là sự kiên định của cơ quan quản lý đối với mục tiêu ổn định vĩ mô.

Xin cảm ơn ông!

Hương Dịu (thực hiện)