Doanh nghiệp cần làm gì để giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn?

16:26 | 30/11/2022

(HQ Online) - Tại hội thảo: “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp” do Tạp chí Tài chính Doannh nghiệp tổ chức sáng 30/11 tại TPHCM, các chuyên gia đã đưa ra một số giải pháp giúp doanh nghiệp giải toả áp lực đáo hạn trái phiếu trong tìn hình hiện nay.

Lấy lại niềm tin, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản tiếp tục mua lại trái phiếu
Doanh nghiệp cần làm gì để giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn?
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: N.H

Ông Hà Khắc Minh, Tổng biên tập Tạp chí Tài chính – Doanh nghiệp cho biết, thời gian qua, những sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã khiến niềm tin nhà đầu tư giảm sút. Điều này khiến khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới sụt giảm, khối lượng mua lại trước hạn tăng mạnh. Ngoài ra, khó khăn chung của ngành bất động sản và các tin đồn tiêu cực trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng khiến kênh huy động vốn trái phiếu trở nên hạn chế, thiếu sức sống.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển chỉ ra rằng, từ tháng 3/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chậm lại nhằm chờ đợi Nghị định sửa đổi 153/NĐ-CP/2020, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như nâng cao chất lượng của thị trường vốn. Đáng chú ý, trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 tập trung vào ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản. Do đó, nếu cần “giải cứu” thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay thì cũng đồng nghĩa với việc “cứu” trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là chủ yếu.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nhận định, nguyên nhân quan trọng khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp là do những công ty phát hành công bố thông tin sai sự thật, thông tin giả, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế, không có tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định, không có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán.

Bên cạnh đó, cần xét đến vai trò môi giới của ngân hàng và công ty chứng khoán. Thậm chí, nhiều đơn vị hoạt động môi giới đầu tư trái phiếu khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép.

Các công ty chào bán không tuân thủ quy định, chưa xác nhận minh bạch thông tin đơn vị phát hành trái phiếu. Thậm chí, các đơn vị tư vấn và đại lý phát hành đã có động thái để “hỗ trợ” nhà đầu tư không đủ tiêu chuẩn tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ để thu hút dòng tiền.

Ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn Quốc tế - CIB cũng đánh giá tình hình hiện nay đang đặt các doanh nghiệp trước áp lực rất lớn về đáo hạn trái phiếu. Điều này có một phần nguyên nhân từ các công ty chứng khoán và ngân hàng.

“Để bán được trái phiếu, các tổ chức này hứa với nhà đầu tư sẽ mua lại trong 3-6 sau khi phát hành. Đến khi trái chủ yêu cầu mua lại, các đơn vị này không mua hoặc không đủ năng lực mua. Nhưng nếu đẩy trách nhiệm này cho nhà phát hành thì không đúng quy định, bởi thời hạn phát hành thường ít nhất là 1 năm” – ông Danh chia sẻ.

Trước áp lực lớn của các doanh nghiệp pháp hành trái phiếu, ông Mã Thanh Danh đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, doanh nghiệp nên liệt kê xem tài sản còn lại những gì. Đối với doanh nghiệp đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại thì có thể dùng nguồn tiền mặt để mua lại, giúp giải tỏa bớt áp lực. Nếu không đủ tiền, doanh nghiệp có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại.

Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, doanh nghiệp có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn. Trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, doanh nghiệp có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Vừa qua, Citi Bank đã đồng ý chuyển đổi trái phiếu Novaland thành cổ phiếu NVL với giá 85.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá NVL chỉ hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.

Riêng với những doanh nghiệp có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém quả quan, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực không nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, doanh nghiệp buộc phải bán các tài sản mình đang có để thanh toán với các trái chủ. Đó có thể là đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối...

Giải pháp thứ hai được ông Mã Thanh Danh gợi ý là tìm giải pháp từ bên ngoài thị trường. “Gần đây, sau khi thị trường chứng khoán sau khi rớt điểm liên tiếp đã tăng lại, dòng tiền tăng lên đáng kể. DN vì thế có thể tính toán phương án huy động vốn qua thị trường này để thanh toán trái phiếu. Thậm chí họ có thể bán bớt cổ phiếu quỹ để thu tiền về” – ông Danh cho hay.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, các công cụ mua bán nợ tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến. Đồng thời, nếu có một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản, thì các trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.

Nguyễn Hiền