![]() | Chính sách tiền tệ phải ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm phát |
![]() | Kỳ vọng làn sóng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp |
![]() | Ngân hàng Nhà nước đã tính đến mục tiêu bình ổn lãi suất cho vay |
![]() |
Theo ông, chính sách tiền tệ năm 2023 sẽ đối mặt với những vấn đề gì?
Năm 2022, kinh tế thế giới nói chung đối mặt với nhiều bất thường, nhưng theo tôi, những khó khăn này như một “tai nạn” về y tế và xung đột chính trị, không có dấu hiệu về khủng hoảng cấu trúc, nên khả năng hồi phục trong năm nay sẽ khả quan hơn. Điều này sẽ tác động tích cực đến chính sách tiền tệ trong nước.
Hiện nay, chính sách tiền tệ vẫn đóng vai trò khá lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ liên quan trực tiếp đến sản xuất nội địa, đặc biệt các doanh nghiệp nội địa dựa chủ yếu vào lãi suất để sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Do đó, với chính sách tiền tệ, áp lực lạm phát, tỷ giá trong năm nay không đáng lo bằng vấn đề lãi suất. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp Việt Nam đang phải kinh doanh dưới áp lực lãi suất cho vay khá cao, có thể làm sụt giảm sức cạnh tranh ngay chính trên “sân nhà” khi so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Lãi suất tại Việt Nam tăng lên như trong thời gian qua không phải do lạm phát hay hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng mà vấn đề nằm ở cung tiền bị giảm đi. Năm 2022, cung tiền của chúng ta chỉ tăng hơn 7% trong khi tăng trưởng GDP theo giá hiện hành (GDP danh nghĩa) ước tăng 11,2%. Lượng tiền năm 2022 bơm ra nền kinh tế không được như năm 2021 nên có thể gây khó khăn cho năm 2023. Muốn kéo giảm lãi suất thì cung tiền phải tăng lên, còn room tín dụng chỉ là biện pháp hành chính để chúng ta khống chế tăng trưởng tín dụng của NHNN trên nền tảng cung tiền cố định. Vì thế, dựa trên nền tảng tăng trưởng mạnh năm 2022, để tăng trưởng 6,5%, nền kinh tế cần lượng cung tiền rất lớn. Đây là điều NHNN cần tính toán sớm và có kế hoạch chủ động, vì độ trễ của chính sách tiền tệ rất lớn, có thể lên tới 6 tháng đến 1 năm.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú: Tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất thấp hơn
Năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả và kịp thời, nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động ngay từ đầu năm để có những biện pháp phù hợp. Đồng thời, NHNN sẵn sàng đón nhận những tác động đột xuất từ nền kinh tế thế giới cũng như những khó khăn nội tại trong nước để có chính sách phù hợp trong vấn đề xác định và điều hành tỷ giá, lãi suất, lượng tiền cung ứng nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nếu như trong thời gian tới, điều kiện có những thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thì NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022 vừa qua, thêm một lần nữa, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn. Hương Dịu |
Việc tăng cung tiền có khả năng đẩy lạm phát tăng, chính sách tiền tệ và các chính sách liên quan phải có sự phối hợp ra sao, thưa ông?
Rõ ràng, việc tăng cung tiền như tôi đã nói ở trên sẽ đẩy lạm phát đi lên, vì thế, cơ quan quản lý tiền tệ phải có sự tính toán hợp lý. Năm nay, Chính phủ đã trình Quốc hội chỉ tiêu lạm phát không quá 4,5%, có nghĩa đã chấp nhận lạm phát cao hơn năm ngoái, đây có thể là “khung” thuận lợi để NHNN tăng cung tiền, giảm lãi suất.
Mặc dù vậy, tôi cho rằng, lạm phát năm nay có thể khó lên tới mức 4,5% vì hiện nay cầu tiêu dùng trong nước đang giảm khá nhanh. Hơn nữa, NHNN đã tương đối vững vàng trong việc điều hành chính sách tiền tệ như thế nào để tránh lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là vấn đề về tỷ giá hối đoái. Đồng thời, chính sách tài khóa cũng đã được điều tiết và phối hợp nhịp nhàng, nhiều chính sách tài chính hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát huy hiệu quả, giúp ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế vĩ mô.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, xin ông cho biết, thị trường tài chính – tiền tệ cần có những điều chỉnh theo hướng nào?
Đầu tiên, mặt bằng lãi suất không thể treo cao như hiện nay. Mục tiêu của Chính phủ và NHNN trong năm tới về chính sách tiền tệ nên đi theo hướng giảm lãi suất. Theo tôi, lãi suất huy động thực chỉ khoảng 2-3% là phù hợp. Có nghĩa lạm phát 4% thì lãi suất huy động chỉ 6-7%/năm là hợp lý, khi đó lãi suất cho vay không trở nên quá sức với doanh nghiệp.
Cùng với ổn định lãi suất, vấn đề cấp thiết cần được các Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm là phải có ngay những giải pháp để phục hồi lòng tin của các nhà đầu tư và người dân, trên nền tảng đó phục hồi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản; đồng thời hệ thống ngân hàng cũng phải xử lý tốt vấn đề nợ xấu, thanh khoản nền kinh tế giữ ổn định. Theo tôi, các cơ quan quản lý cần tiếp tục các giải pháp thanh lọc doanh nghiệp tốt, dự án tốt để tài trợ vốn, tài trợ phát triển. Nếu những doanh nghiệp xứng đáng được hỗ trợ phục hồi thì niềm tin của dân chúng và nhà đầu tư sẽ trở lại nhanh hơn.
Ngoài ra, tôi rất tán thành với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp mới đây là cần linh hoạt, chủ động và cân đối giữa các công cụ chính sách với nhau, bao gồm cả chính sách tài khóa. Hơn nữa, theo tôi, không nên có sự phân biệt quá mức giữa các ngành nghề cho vay. Chẳng hạn, nếu tiếp tục khống chế tín dụng bất động sản, cộng với thị trường trái phiếu đang trong tình trạng suy giảm mạnh thì có thể dẫn đến nổ “bong bóng”, từ đó tác động dữ dội đến hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ. Câu chuyện an ninh tiền tệ lúc này là phải giúp thị trường tài sản phục hồi.
Xin cảm ơn ông!
Hương Dịu (thực hiện)