Cộng hưởng thế mạnh

07:53 | 14/10/2022

(HQ Online) - Để tăng khả năng xuất nhập khẩu, giảm chi chí vận chuyển, việc thiết lập những “cầu nối” liên kết về cơ sở hạ tầng trong hoạt động logistics là vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều rủi ro.

Doanh nghiệp cảng biển chuyển đổi số, giảm chi phí logistics
Khắc phục tiêu chí thành phần bị trừ điểm Chỉ số cải cách hành chính
Doanh nghiệp “hiến kế” kéo giảm chi phí logistics

Tại Nghị quyết 130/NQ-CP về Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022 vừa được ban hành, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam.

Thực tế cho thấy, tình hình xuất khẩu trong những tháng cuối năm và đầu năm 2023 còn rất nhiều khó khăn với nhiều dự báo không mấy lạc quan về đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ sụt giảm từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Vì thế, để đạt được mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm đạt 800 tỷ USD, duy trì được tỷ lệ xuất siêu thì các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh việc đa dạng hoá mặt hàng, chủ động về nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đa dạng hoá phương tiện vận chuyển, tối ưu hóa dịch vụ logistics để giảm chi phí xuất khẩu đi các nước, từ đó có thêm nguồn tài chính tập trung vào mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm…

Điều đáng mừng là các doanh nghiệp hiện đã nhận thức rất rõ tình hình và khó khăn để chủ động cùng nhau đưa ra các giải pháp ứng phó. Đơn cử, mới đây, Tập đoàn T&T Group, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược.

Mỗi thành viên trong liên kết này đều có thế mạnh về logistics nên việc hợp tác này được kỳ vọng sẽ “cộng hưởng”, tạo đột phát tăng trưởng trong mảng vận tải hàng hóa, logistics nói chung, hướng tới “tham vọng” đến năm 2025, chi phí logistics tại Việt Nam giảm xuống 14% GDP và đến 2035 xấp xỉ Singapore ở mức 8-10% GDP.

Rõ ràng, việc chủ động liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp có những thế mạnh riêng sẽ giúp tận dụng mọi cơ hội và lợi thế để phát huy hết tiềm năng, cùng nhau phát triển. Điều này rất cần tầm nhìn dài hạn từ các doanh nghiệp, cùng hướng đến những mục tiêu chung để cùng đổi mới công nghệ, khả năng quản trị, mở rộng thị trường… Đây chính là “chìa khóa” để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, cùng nhau phát triển bền vững.

Bình Nam