![]() | Tết nay đã khác Tết xưa |
![]() | Bác Hồ với Tết cổ truyền dân tộc |
![]() |
Minh họa: Họa sĩ Lâm Thao |
Nhà tôi và nhà ông Hiệp chiếm hết một phần đồi Kỳ Sim. Đến mùa tháng Năm, tháng Bảy là cụp đồi tím lịm những sim mua. Qua màng đất mỏng nâu xám, chỉ cần một cơn mưa dông trút xuống là lộ ra những lớp đá tảng xếp chồng lên nhau, cứng ngắc.Vì thế, để lấy được mạch nước uống thì nhà ai cũng phải đào giếng sâu hơn hai chục mét. Được cái nước giếng ở đây rất ngọt, mát lạnh, trong vắt. Tôi ngồi xem ông Hiệp đang cặm cụi mài dũa từng lưỡi dao. Những con dao rỉ sét mà chỉ một lúc sau sạch bong như được rèn mới. Nhìn ông miết lia lịa đầu ngón cái lên lưỡi dao sắc lẹm mà thấy rợn người. Một luồng hơi lạnh dâng lên tận óc khiến tay chân tôi quắn quíu lại.
Ông Hiệp giơ con dao lên cao dưới ánh sáng ngày để soi cho rõ độ sắc bén của lưỡi dao. Và những âm thanh xoèn xoẹt lại tiếp tục phát ra dưới cục đá mài màu xám. Dòng nước đỏ sậm ri rỉ chảy ra sau mỗi lần ông Hiệp lật ngã lật nghiêng lưỡi dao cọ quẹt vào cục đá mài đến vẹt lõm. Bàn tay vạm vỡ gân guốc vục vào chậu, khoát nước cuốn sạch lớp tạp bẩn. Những con dao sáng loang, lấp lánh như một đàn cá bạc.
Tôi nhớ đến vài cái Tết trước, mỗi lần theo đoàn ông Hiệp, ông Ninh,... đi lấy lá, tôi thường hái được ít lắm, chỉ vừa đủ cho mạ tôi gói được đâu khoảng mươi cặp bánh chưng bánh tét, chủ yếu là các bác ấy về san sẻ cho thêm. Có năm mưa rả rích kéo dài, đường rừng trơn trượt nhẫy nhụa, sên vắt bắn ra như trấu. Chưa kể lũ muỗi rừng từng đám đen kịt lao ra chít đốt khắp người. Nắng rồi lại mưa, mưa rồi lại nắng… thời tiết cứ ẩm ương đảo lộn rất dễ bị cảm cúm. Đúng năm mưa đó, các bác ấy quyết định không cho lũ con nít đi theo, chỉ tội thêm vướng víu tay chân mà hái lá cũng chẳng được bao nhiêu, lũ trẻ đành phải ở nhà, riêng tôi thì vẫn cứ năn nỉ xin được đi theo, được đoàn đồng ý là nhờ có cậu Bảo là cậu ruột của tôi đi cùng, nên có gì cậu tôi sẽ đứng ra cáng đáng thay tôi. Tiết trời khắc nghiệt là thế, mưa gió, rét buốt căm căm. Hai hàm răng va lập cập vào nhau như đánh đàn. Mười đầu ngón chân quíu chặt vào đôi xà cạp nhằm bám thật chắc vào mặt đường quện dẻo như hồ. Có những đoạn đường, trọng lực cơ thể hầu như được dồn hết vào cây gậy vót nhọn một đầu để hỗ trợ khi đi xuống dốc, chỉ cần sơ sẩy bước chân một cái là trượt nhào xuống vách núi ngay. Đoàn dừng lại ở đầu rừng Gia Hoa, Gia Chiếm rồi sau đó men theo con đường nhỏ dẫn sâu vào bên dưới, qua những tán chuối rừng xanh thẫm, cọ quệt, ướt át. Những buồng chuối chín vàng lơ lửng treo trên cao, quả nhỏ đều răm rắp. Tôi vô cùng choáng ngợp bởi cảnh sắc trù phú của rừng, sự ban tặng của thiên nhiên dành cho con người thật hậu hĩnh. Tôi tưởng chừng như quẳng tôi lại đây vài tuần cũng chẳng thể nào đói khát. Càng đi sâu vô rừng mọi thứ càng trở nên lạ lẫm. Mưa ngớt, mặt trời xiên qua tàng cây thả những sợi nắng vàng chanh dịu ngọt. Lúc này cánh rừng trở nên biếc xanh như được rưới mỡ, những bông hoa chuối đỏ rực thắp lửa. Rồi hoa Chạc chìu trắng xóa li ti, bung một thứ mùi hương đậm đặc quyến rũ, mùi tinh chất của phấn hoa. Cậu tôi hớt hải cầm con dao khoắm từ xa chạy lại.
Vào rừng cứ đi đâu ngơ ngơ… Mà ai bày đội hoa đội lá trên đầu chi vậy? Tháo xuống ngay! Mặt cậu tôi có vẻ hậm hực. Tôi không hiểu vì sao cậu tôi lại bắt tôi tháo gỡ nó, nhưng nào dám mở miệng hỏi, đành ngậm ngùi nhìn vòng hoa nguyệt quế dập dềnh trôi theo con suối.
Vạt dong cao ngang ngực tôi, lá xanh bóng, mỗi cây có đến hơn chục nhánh. Có bụi lá trơn, có bụi lá phủ lớp lông mịn. Căn cứ vào đặc điểm đó mà người ta phân biệt được đâu là dong nếp, đâu là dong tẻ. Lá dong nếp hai mặt đều nhẵn nên người ta sẽ dùng để gói bánh nhiều hơn.
Mấy Tết trước mỗi lần đem lá dong từ rừng về, mạ tôi thường dựng nó trong một chậu nước lớn để giữ được độ tươi của lá. Chọn ngày nắng đẹp, mạ nhóm một bếp lửa thật đượm bằng những khúc củi chắc nịch được trữ từ trước. Và câu nói quen thuộc “Con Mén lại rương lấy chiếc khăn dong cho mạ”. Đó là một chiếc khăn màu tím đậm được dệt từ những sợi vải mềm mịn, xung quanh có những tua rua và vài họa tiết kẻ ô. Chiếc khăn có cái tên như vậy bởi trong rương có đến vài chiếc khăn, trong đó có chiếc khăn dù xanh của ba tôi. Sau khi rời báo Bình Trị Thiên về sống với vợ con được vài năm thì cơn nhồi máu cơ tim đến đột ngột đã khiến ba tôi rời xa gia đình mãi mãi. Chiếc khăn dù xanh giờ đây là vật kỷ niệm duy nhất mà gia đình tôi giữ lại. Chiếc khăn vương mùi đạn khói lẫn mùi mực xưa cũ của một thời cầm bút lăn lộn trên khắp các chiến trường. Mạ rẻo một roọc nhỏ làm quai nón như cách để tưởng nhớ về người đàn ông của cuộc đời mình. Tôi xin mạ cho tôi sở hữu phần khăn còn lại. Và mỗi khi mùa đông đến, cái rét tái tê, tôi lại đem chiếc khăn dù quấn quanh người và cảm nhận rõ hơi ấm của ba tôi trong từng giấc ngủ.
Chỉ vài cái Tết mà mạ tôi già đi trông thấy, mái tóc giờ trắng nhiều hơn đen, mắt mờ dần và dáng đi không còn được thẳng. Tôi chợt thấy mơ hồ một điều gì đó sợ hãi. Ôm chiếc khăn dong màu tím, cảm nhận mùi vị đậm đà của hương lá, mùi vị của tình thân, sự ấm áp. Tôi hít hà nó một lúc thật lâu trước khi đem đến cho mạ trải rộng trên mặt nống và đặt những xấp lá dong vào, buộc lại và bỏ lên nồi nước sôi để nhúng. Mùi lá thơm nồng quyện vào mùi khói bếp thật khó diễn tả. Dẫu nhiều năm trôi qua tôi vẫn không thể nào quên được cái mùi hương ấy. Cả những giọt nước mắt của mạ tôi chấm vào đó khi nhìn thấy đứa con của mình được cõng từ rừng về.
Đận đi đó, tôi bị rắn cắn. Sau một tiếng hét thất thanh, tôi ngã vật xuống đất, con rắn trườn nhanh dưới vạt dong vừa được mọi người chặt sát gốc để mùa sau đẻ nhánh nhiều và cho lá mới to đẹp hơn. Cậu Bảo chạy lao đến, phát hiện dấu răng của rắn trên lóng tay tôi trong lúc tôi đang ngồi xếp lá để cho cậu cột lại thành từng bó. Tôi nằm im trên đất, mơ hồ thấy những bóng người xúm lại, những âm thanh nhốn nháo” Hút độc, thắt ga ro… “trời đất ôi…nhanh lên” cháu tôi chết mất, môi hắn tím lịm rồi…” “đã bảo đừng cho đi theo”... rõ khổ! Tôi bắt đầu lên cơn sốt, toàn thân mê man. Tôi lắng nghe âm thanh rất rõ nhưng tôi không thể mở mắt ra nhìn mọi người, tứ chi bất động. Tôi nhìn thấy bóng trắng của tôi ngồi trên ngọn cây rồi bay dợt trên những trảng rừng. Tôi vui vẻ và cười nói vô tư như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Ánh nắng trải trên đầu tôi ấm áp. Tôi đưa tay hứng những búp nắng nhảy nhót, tôi thỏa sức hái bông chuối đỏ, lau trắng, chạc chìu… kết vòng hoa đội mà không hề bị ai mắng “vô rừng cấm làm đẹp, điểm trang”. Tôi nhẹ bẫng và lướt đi như gió. Đám người vây quanh chỗ tôi nằm, cậu tôi chống cằm khóc rưng rức. Sự hoảng loạn khiến cậu tôi bất lực quên mất cách sơ cứu tối thiểu, cứ nhất quyết đòi cõng tôi chạy đi tìm xe. Ông Hiệp từ phía vạt dong chơm chởm sắc nhọn xách đuôi con rắn nói lớn: Đừng hoảng quá, loài rắn ráo ni cũng lành thôi, qua 12 giờ sẽ ổn. Tôi nghe hết, nghe rõ mồn một, nhưng sao tôi không thể mở mắt, không thể cọ quậy. Thân tôi bẹp dí đây, mà bóng tôi thì đang dạo lướt khắp nơi, chẳng màng tới sự lo lắng trên các gương mặt. Tôi còn thích thú ngắm nghía sự thương xót đang diễn ra và mỉm cười khi thấy vẻ yếu đuối của cậu tôi. Sự ích kỷ, khó tính của ông Sự khi tôi theo đoàn. Lão cứ lẩm bẩm mãi không thôi: “đã nói rồi, y như rằng”. Trời ơi, có phải cái chết cũng chỉ là như này phải không nhỉ? Vậy thì chết đâu có gì đáng sợ? Rõ ràng sau cái chết, một kiếp sống khác đang diễn ra cũng không kém phần đẹp đẽ, thú vị. Tại sao loài người phải khóc? Hãy giải tán đi, làm việc chăm chỉ và đem những bó lá dong kia ra khỏi cánh rừng. Ngoài xóm nắng chan hòa, không ẩm thấp như rừng đâu. Mau về thôi…
Đó là chuyến đi rừng cuối cùng của tôi trong mùa lấy lá, đã hơn hai mươi năm, giờ đây nhiều cánh rừng tự nhiên đã trở thành cánh rừng tràm, trảng thực vật hoa trái bên dưới đã được dọn sạch để dành chỗ cho những thùng ong nuôi lấy mật. Nhiều ngôi nhà mọc lên, dân cư xâm lấn rừng lập trang trại chăn nuôi, trồng trọt… vẻ hoang vắng không còn. Chợt thèm nghe mùi khói… và những âm thanh hoang hoải của muông thú gọi bầy. Những khóm dong theo chân người về đồng bằng mọc lên thành vạt, thành bãi… giá cả cũng tăng vọt lên gấp hai ba lần và theo những chuyến xe ra huyện ra phố, rồi đi liên tỉnh. Giọng nói í ới gọi nhau đi hái lá dong từ tờ mờ sáng đã lùi xa vào dĩ vãng. Thèm một bữa cơm nắm đùm trong lá chuối, chấm với mè lạc, vài ba con khô, quả cà muối, mà ngon đáo để. Có lẽ đó là những bữa cơm ngon nhất đời của tôi cho đến tận giờ. Tôi vô thức nuốt ực một tiếng rõ to. Và chợt cay mắt khi nghĩ đến chiếc khăn dong của mạ. Bên đường lau trắng xóa, ngã rạp mình theo luồng gió. Tôi ngẩn ngơ nhìn cánh đồng dong xanh đang vươn những chiếc lá hiền hòa giữa dư thừa ánh nắng. Một lọn khói nhà ai len lên cao, cuộn vào tâm thức tôi một niềm hạnh phúc ấm áp đến khó tả. Tôi bước đi trong những ngày cuối Đông…
Trác Diễm