![]() | Làm mới trải nghiệm ẩm thực ngày Tết cùng đầu bếp Ngô Thanh Hòa |
![]() | “Lạm bàn” về văn hóa ngày Tết |
![]() |
Ảnh minh họa: ST |
Chiếc bánh đầu tiên được má cho ăn, thằng con ậm ờ mặn lạt góp ý. Ngày đó thằng con được dịp no nê. Chiều về, má quảy gánh bánh đi trước, thằng con khệ nệ theo sau vui mừng, hãnh diện với đám anh em trong nhà. Về đến đầu ngõ, thấy đám con nhao nhao ra đón, gương mặt khắc khổ của má như được giãn ra, ánh mắt lo toan như đã mỉm cười.
Bao giờ cho đến ngày xưa? Ngày mà chị Hai thức khuya dậy sớm để may cho má cái khăn, cho em cái quần, may cho anh Ba cái áo dài tay để đi chúc Tết. Chúc Tết hàng xóm phải mặc dài tay để dâng hương ông bà. Nhà nghèo không tiền mua hoa, chị Tư ngồi cắt vải vụn làm hoa chưng Tết. Vải xanh làm lá, vải xám làm thân, vải màu huyết dụ chị làm bông hồng. Bông hồng đỏ chị làm nho nhỏ, bông hồng vàng chị làm thành đôi. Rồi chị giải thích bông này tượng trưng cho ba, bông này tượng trưng cho má, cho đầy đủ chị em trong nhà.
Má nghe vậy đâm ra lùng bùng rồi từ từ ngộ ra bằng cái nhìn trìu mến. Hai bên vách lụa, chị dán đầy những bông giấy to, lấp đi lỗ thủng xuyên thẳng vào buồng mà không tiền sửa chữa. Chị cắt giấy nối lại thành dây giăng đầy bốn góc, ở giữa thõng xuống trái châu với sắc màu xanh xanh, đỏ đỏ. Nhìn nhà cửa đẹp đẽ, má tấm tắc nói vui, chị mày khéo tay hơn má.
Bao giờ cho đến ngày xưa? Ngày mà trước Tết vài hôm, má ra bờ đê mua bó củ kiệu, đi vào bồ lúa xúc ký đậu xanh đem ngâm làm giá. Thằng con được má phân công tưới giá hàng giờ. Mỗi lần ra tưới, thấy cọng giá từ từ đội lên, thằng con khoái chí la lên thích thú. Thằng con leo cây hái mít, toàn là mít non. Má chỉ trái này, trái nọ rồi dặn dò cẩn thận kẻo trượt té thì nguy.
Vậy là ngày Tết đã có dưa mít, củ kiệu để cả nhà mừng xuân. Cận ngày ba mươi, mấy chị trong nhà ngồi gói bánh tét, má dạy phải làm thế này, thế nọ, phải nung đủ lửa thì bánh mới chín. Chị Hai buộc dây không chặt, chị Tư nắn nhân không tròn, má biểu làm lại rồi đùa, vụng về như vậy sao má dám gả chồng. Rồi các chị cười xòa làm má cũng cười theo, bảo có chồng có con sẽ khổ. Như má chẳng hạn, nhưng chẳng bao giờ ai nghe má than!
Chiều đó trong nhà có nhiều loại bánh, nào là bánh tráng, bánh mức, bánh tét, củ kiệu và mấy chình dưa giá. Nhà nghèo, chỉ vài lạng thịt trong chiều ba mươi. Bao giờ cho đến ngày xưa, ngày mà gia đình luôn luôn đoàn tụ trong đêm Giao thừa. Bây giờ cũng đêm Giao thừa nhưng má lủi thủi một mình cô đơn quạnh quẽ. Đám con tha phương tứ tán, mỗi đứa đều có nhà riêng nên đêm Giao thừa không về với má. Thương con, má chẳng trách cứ điều gì. Nhưng thời khắc này, má thèm được nghe tiếng nói các con, tiếng chúc tụng đầu năm, thèm các con gọi ba, gọi má… Rồi má dâng hương cho ba, lau đi lau lại di ảnh của người mà trong lòng cô đơn quặn thắt.
Sang ngày mùng con về, vẫn còn nhận ra dáng vẻ liêu xiêu thảng thốt của má trong đêm ba mươi. Giật mình, thấy má mình già hơn năm trước. Giá mà trở lại ngày xưa để được ở bên má, để thấy các chị cắt vải làm những bông hoa màu huyết dụ tặng má, để con hạnh phúc cài mãi trên ngực áo của mình một bông hồng đỏ tươi, rạng rỡ.
Nhưng bao giờ cho đến ngày xưa?
Tùy bút của Lưu Thành Tựu