Ca sĩ Việt bon chen xứ người
Không thể cạnh tranh ở thị trường nhạc Việt, nhiều ca sĩ đã tìm đến Singapore, Campuchia… hát trong các bar, quán cà phê, thậm chí sòng bài. Đó là cách họ mưu sinh để tồn tại với con đường ca hát
Đi hát ở Singapore, chất nghệ thuật phai đi khá nhiều khi ca sĩ biểu diễn một tháng đến… 30 ngày, mỗi ngày từ 19 giờ đến 5 giờ hôm sau. Điều khiến việc ca hát ở Singapore không có gì đặc biệt hơn những công việc khác là thù lao ở đây đã trở thành lương tháng, ca sĩ biểu diễn để tạo không khí là chính thay vì mang đến những sản phẩm âm nhạc đúng nghĩa.
Hát đến... nổ cổ họng
Hoàn toàn giống với những nghệ sĩ Philippines đến Việt Nam lập nghiệp từ nhiều năm trước, ca sĩ Việt đến Singapore cũng chỉ để mưu sinh. Đinh Ứng Phi Trường là ca sĩ gần như tiên phong cho trào lưu đến Singapore mưu sinh bằng nghề ca hát. Những nơi Phi Trường biểu diễn thường là quán bar - cà phê.
Trong lần sang Singapore mới đây, chúng tôi tình cờ gặp Đinh Ứng Phi Trường biểu diễn ở quán bar Brewerkz tại khu Clark Quay. Đó là kiểu bar mở, khách có nhiều sự lựa chọn để thư giãn. “Nếu thích nghe nhạc, họ có thể ngồi trong bar với DJ và một ban nhạc trình diễn. Họ cũng có thể ngồi ngoài khu vực quán để trốn tiếng ồn. Điểm chung của khách khi đến những nơi này là tìm sự hứng khởi qua chút bia rượu. Âm nhạc cũng là một trong những chất kích thích tạo hứng khởi cho họ” - Phi Trường giải thích.
Theo Phi Trường, ca sĩ Việt hát quán bar ở Singapore không còn là “phục vụ khán giả” nữa mà chủ yếu chỉ để tạo không khí. “Ca sĩ Việt hát ở Singapore đúng nghĩa là lao động, hát đến nổ cả cổ họng!” - Phi Trường cho biết.
Đồng nghiệp của Phi Trường gồm nhiều ca sĩ đến từ Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia... Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau khi đến làm việc ở các bar ở Singapore nhưng tất cả đều có điểm chung là “làm việc để mưu sinh và tình yêu nghệ thuật chính là vốn lận lưng”, như Phi Trường thổ lộ.
Phi Trường cho biết việc anh đến Singapore và chọn nơi đây làm chốn mưu sinh cũng rất tình cờ. “Khi đó, tôi đang loay hoay không biết làm gì sau thời gian lên TP HCM lập nghiệp. Hết hợp đồng với Công ty Wepro, tôi muốn thay đổi môi trường làm việc như một cách để làm mới bản thân và cũng muốn tìm cơ hội cho chính mình. Nghe bạn bè kể về môi trường biểu diễn ở Singapore, tôi liều mạng đến vài quán bar ở quốc đảo xinh đẹp này xin hát và trở thành người biểu diễn hằng đêm tại đây” - chàng ca sĩ trẻ nhớ lại.
Tiền típ: Thu nhập chính
Với thu nhập từ nghề ca hát ở các quán cà phê, bar tại Singapore, trừ đi chi phí ăn ở, đi lại, bình quân một ca sĩ Việt có thể để dành được mỗi tháng 2.000 đô la Singapore.
“Thu nhập như vậy là tạm ổn cho một cuộc sống bình thường. So với các ca sĩ trẻ không có lời mời biểu diễn tại Việt Nam, được ca hát hằng đêm ở Singapore cũng là cách để khuây khỏa. Đó cũng là một khoảng lặng cần thiết để chúng tôi tìm những điều mới mẻ, cụ thể là kiếm tiền để thực hiện các dự án âm nhạc của bản thân” - một đồng nghiệp của Phi Trường bày tỏ.
Thâm niên biểu diễn ở Singapore cũng đủ để Phi Trường trở thành “ông bầu”, giới thiệu điểm hát cho một số đồng nghiệp người Việt. Trong đó, 2 thành viên của nhóm Nhật Nguyệt sau khi tách ra riêng không để lại ấn tượng gì đặc biệt đã quyết định sang Singapore lập nghiệp theo chỉ dẫn của Phi Trường. “Bay sô” sang đây, 2 ca sĩ này lập nhóm mới với tên gọi là Apple.
Trước khi về Việt Nam tranh tài tại cuộc thi “Vietnam Idol”, Mandy Thanh Trúc cũng là người biểu diễn ở Singapore nhiều năm. Trở về Việt Nam với hy vọng nổi tiếng, cô để lại ít nhiều ấn tượng với khán giả. Tuy nhiên, sau cuộc thi, Thanh Trúc nhanh chóng bị lãng quên dù cô đã cố gắng giới thiệu với khán giả vài dự án cả riêng lẫn chung với ca sĩ khác. “Đó là lý do tôi quyết định quay lại Singapore hơn một năm nay để tiếp tục đi hát ở xứ người” - Thanh Trúc giải thích.
Trong khi đó, vài ca sĩ phòng trà có chút ít tiếng tăm như Thái Tuyết Trâm hay nhóm hát M.World... cũng đã chọn các quán bar ở Singapore để hành nghề thay vì “cày bừa” ở những phòng trà trong nước. “Thú vị và thoải mái nhất cho ca sĩ Việt ở Singapore là chúng tôi có thể hát bất cứ thứ gì, ngôn ngữ gì, miễn là khuấy động không khí vui vẻ cho khách. Sau mỗi tiết mục, ca sĩ sẽ đến bắt tay chào hỏi từng vị khách. Tiền tip chính là khoản thu nhập khác ngoài tiền lương cố định hằng tháng và cũng là thu nhập chính của chúng tôi” - một ca sĩ tiết lộ.
Ưa chuộng nghệ sĩ cải lương, hài Không khác mấy so với mô hình hoạt động ở Việt Nam, một số tụ điểm biểu diễn ở Campuchia cực kỳ thích nghệ sĩ cải lương. Minh chứng là không ít nghệ sĩ cải lương đã tổ chức cả đêm diễn riêng tại vài phòng trà và kết quả là thắng đậm. Những nghệ sĩ hài như Hoài Linh. Việt Hương, Trấn Thành… cũng luôn được chào đón nồng nhiệt bởi sự yêu mến của khán giả kiều bào Campuchia. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ tưởng như đã biến khỏi thị trường giải trí Việt nhưng thực tế, họ vẫn diễn ở nơi “màu mỡ” và ít kén chọn hơn. Trong đó, Campuchia là nơi được nhiều nghệ sĩ lựa chọn. |