Bộ NN&PTNT chính thức công bố biện pháp ứng phó tình trạng cá chết
(HQ Online)- Bộ NN&PTNT vừa ban hành Công văn 3441/BNN-TCTS hướng dẫn các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường tại các tỉnh Bắc Trung bộ.
Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách ứng phó.
Cụ thể là, thu gom và xử lý hải sản chết bất thường và không đảm bảo an toàn thực phẩm, đó là hải sản chết bất thường dạt vào bờ hoặc do người dân vớt được trên các vùng biển ven bờ; hải sản đánh bắt trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Biện pháp xử lý: Tuyệt đối không sử dụng làm thực phẩm cho con người hoặc chế biến làm thức ăn cho vật nuôi.
Xử lý bằng cách chôn lấp theo nguyên tắc sau: Nơi chôn lấp hải sản phải cách xa và không làm ô nhiễm vùng nước biển, nguồn nước ngọt, khu dân cư, khu đô thị, trường học, bãi tắm, khu du lịch…; bảo đảm phù hợp với khối lượng hải sản phải tiêu hủy.
Khi chôn lấp phải xử lý bằng cách bổ sung hóa chất (như vôi bột, các loại hóa chất chuyên dụng, được phép dùng trong nuôi trồng thủy sản); vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau khi kết thúc việc chôn hủy nhằm bảo đảm không làm ô nhiễm môi trường.
Người dân có hải sản khai thác được cơ quan chức năng xác định không an toàn thực phẩm, buộc phải tiêu hủy và được hỗ trợ theo quy định.
Trong khi chờ các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường, Bộ NN&PTNT đề nghị các Sở NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện một số giải pháp kỹ thuật tạm thời.
Đối với các cơ sở nuôi cá lồng: Tạm thời chưa thả giống trong khi chờ xác định nguyên nhân; thường xuyên theo dõi cá nuôi và hàng ngày quan trắc, kiểm tra các yếu tố môi trường như oxy hòa tan, pH, H2S, NH3… nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp…
Đối với các cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm trong ao đầm ven biển: Tạm thời chưa thả giống trong khi chờ xác định nguyên nhân, tập trung xử lý, cải tạo ao đầm, chuẩn bị con giống. Các ao đầm đang thả nuôi cần thường xuyên theo dõi và kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi như oxy hòa tan, pH, H2S, NH3… nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp.
Về vấn đề xác nhận hải sản khai thác tại vùng biển an toàn: Các tàu khai thác tại vùng biển an toàn (nằm ngoài khu vực có chiều rộng từ 20 hải lý trở ra tính từ bờ của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế), ngay sau khi tàu vào cảng, chủ tàu có trách nhiệm thông báo cho Chi cục thủy sản địa phương biết. Chi cục Thủy sản cử cán bộ giám sát việc lên cá, xác nhận khối lượng cá theo từng loài.
Chủ tàu hoặc thuyền trưởng trình đưa cán bộ giám sát các giấy tờ: Sổ hành trình được cơ quan biên phòng xác nhận phù hợp với hoạt động của tàu; nhật ký khai thác (đối với tàu khai thác), nhật ký thu mua vận chuyển.
Cán bộ giám sát có trách nhiệm cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển an toàn; giấy xác nhận an toàn được thành lập thành 2 bản, chủ tàu một bản, một bản được lưu tại Chi cục Thủy sản…