Thu và chi hôm nay phải tính đến mai sau
(HQ Online)- Khẳng định quá trình công khai và minh bạch tài chính nhà nước ở Việt Nam đã đem lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, quá trình này cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa để giám sát những đồng tiền của dân, của nước.
Người làm tài chính gánh trên vai trọng trách rất quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ thu để đáp ứng nhu cầu chi. Thu đã khó nhưng điều hành công tác chi ngân sách cũng không kém phần quan trọng. Việc sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn từ ngân sách, hay các nguồn vốn vay viện trợ... nếu có giám sát hơn nữa của người dân, phải chăng sẽ hạn chế được những rủi ro, thưa ông?
Đúng là như vậy. Tài chính nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước là thuộc sở hữu nhà nước, nhà nước của nhân dân và để phục vụ cho toàn dân. Thu của tài chính nhà nước là do người dân đóng góp từ quá trình phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân. Chi tài chính nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của nhà nước. Thu và chi hôm nay phải tính đến mai sau. Cần phải tăng thu để có nguồn cho ngân quỹ nhà nước, nhưng tăng thu quá mức sẽ là gánh nặng cho người dân và có thể làm triệt tiêu các động lực phát triển. Với chính sách tài khoá thắt chặt, có thể phải giảm bớt chi tiêu, nhưng không phải cắt giảm chi tiêu, cắt giảm đầu tư công mà sung sướng gì, vì sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế 5 - 10 năm sau. Nhưng ngược lại, nếu vì yêu cầu chi tiêu, không đủ nguồn mà đi vay không tính toán, sử dụng vốn vay không hiệu quả sẽ để lại gánh nặng nợ trong tương lai cho các thế hệ con cháu. Cho nên việc sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả mọi nguồn lực tài chính có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong đó, trước hết phải đảm bảo tính công khai minh bạch là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính của đất nước. Đồng thời, minh bạch tài chính nhà nước cũng sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình.
Tuy nhiên, công khai thì dễ nhưng khó nhất là minh bạch. Cần công khai, minh bạch để người dân giám sát từng đồng tiền của dân, của nước. Công khai, minh bạch tài chính nhà nước có nghĩa là công khai trên cả 3 lĩnh vực: NSNN; các quỹ tập trung, quỹ chuyên dùng; tín dụng Nhà nước (vay và cho vay). Như vậy, nếu có sự giám sát hơn nữa của người dân, các nguồn lực tài chính này sẽ được tập trung đúng mức, chi tiêu đúng mục đích và có hiệu quả hơn.
2 nhân tố và cũng là 2 cấu thành quan trọng để cải cách thể chế thành công, tăng cường sự minh bạch về tài chính, đó là hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đội ngũ cán bộ, bộ máy quản lý nhà nước thực sự vì dân.
Thực tế cho thấy, công khai và minh bạch đã đem lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, cao hơn là trách nhiệm giải trình cần phải được quy định ra sao để thực hiện tốt hơn nữa minh bạch chính sách tài khóa, thưa ông?
Thực tế đã cho thấy, công khai và minh bạch đã và sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh, năng động và hiệu quả, nhưng sẽ có không ít hệ lụy nếu không đề cao trách nhiệm trong đó có trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, cần chủ động thiết lập cơ chế trách nhiệm giải trình chứ không trông chờ vào sự tự hình thành của cơ chế này.
Có 2 hình thức trách nhiệm giải trình: Trách nhiệm giải trình hướng lên trên và trách nhiệm giải trình hướng xuống dưới. Trách nhiệm giải trình hướng lên trên tập trung vào việc tuân thủ các luật lệ, quy tắc, các mệnh lệnh từ cấp trên. Đây là trách nhiệm giải trình rất cần thiết, hàm chứa tính kỷ luật, tính tổ chức. Tuy nhiên, trong cơ chế kinh tế mới, trách nhiệm giải trình hướng xuống dưới tập trung vào các kết quả mà một cá nhân hay một cơ quan có nhiệm vụ thực hiện. Đó là trách nhiệm giải trình hướng tới phục vụ nhân dân, phục vụ khách hàng.
Thưa ông, vậy để đảm bảo phân cấp, trao quyền có hiệu quả, thực hiện công khai minh bạch về tài chính, vẫn còn cần rất nhiều việc phải làm. Ông có gợi ý chính sách nào cho vấn đề này?
Trên thực tế, việc phân cấp và trao quyền, công khai minh bạch về tài chính sẽ gia tăng khối lượng công việc của ngành tư pháp. Những tranh chấp sẽ nhiều hơn và phức tạp hơn. Khi đó, trách nhiệm giải trình cần được nâng cao nhưng không làm mất đi tính độc lập của hoạt động tư pháp. Do đó, cần thiết phải tăng cường hệ thống kiểm soát và hoạt động giám sát để đảm bảo phân cấp, trao quyền có hiệu quả, đảm bảo công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình được thực hiện.
Tăng cường giám sát sẽ hạn chế, ngăn chặn được tham nhũng nhưng phải là giám sát thực sự, giám sát bằng những công cụ hữu hiệu. Quay trở lại, giám sát thực sự có hiệu quả, hiệu lực chỉ khi nào tính minh bạch được tôn trọng, vai trò phản biện xã hội của các tổ chức nghề nghiệp, của người dân được đề cao, các công cụ chuyên môn nghiệp vụ như kiểm toán, kế toán, kiểm soát nội bộ được sử dụng hiệu quả…
Cùng với đó, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, xây dựng các thể chế tài chính để tạo lập một cách đồng bộ và vận hành thông suốt nền tài chính quốc gia và thị trường tài chính, thị trường bất động sản (kể cả quyền sử dụng đất), thị trường vốn, thị trường tiền tệ. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh, tập trung tốt và đầy đủ các nguồn thu, đảm bảo chi đúng mục đích, hiệu quả và được kiểm soát chặt chẽ.
Tựu trung lại, có 2 nhân tố và cũng là 2 cấu thành quan trọng để cải cách thể chế thành công, tăng cường sự minh bạch về tài chính, đó là hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đội ngũ cán bộ, bộ máy quản lý nhà nước thực sự vì dân.
Xin cảm ơn ông!
Ông Tô Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính): Công khai toàn bộ NSNN Để nâng cao hiệu quả minh bạch, công khai ngân sách và nguồn lực tài chính công, cần sửa các văn bản theo hướng công khai toàn bộ quá trình lập (trước và sau khi dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định), thực hiện (tháng, quý, năm) và quyết toán ngân sách. Công bố công khai số dự án và tổng số vốn của số dự án đầu tư, dự án mới; đồng thời công khai số vốn thực hiện, chi tiết từng bộ, cơ quan Trung ương, từng ngành và từng lĩnh vực. Theo đó, số liệu công khai phải được xây dựng đơn giản, dễ hiểu và phản ánh theo một chuỗi thời gian, ít nhất là 3 năm liền kề. Công khai báo cáo ngân sách cho công chúng theo hướng biên tập đơn giản, có giải thích và gắn với các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, quy định trách nhiệm giải trình đối với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các đơn vị sử dụng ngân sách. Ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính: Cải cách phân cấp ngân sách Đây phải được xem là một trong những nội dung quan trọng trong cải cách tài chính công của Việt Nam trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn lực tài chính công. Phải có sự cải cách về phân cấp ngân sách (tài chính) đảm bảo quyền đi đôi với nhiệm vụ, lợi ích, đảm bảo nhiệm vụ chi được xây dựng phù hợp với trách nhiệm cung cấp các dịch vụ công được giao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phải phân cấp mọi thứ mà phải giải quyết hài hòa. Thực hiện phân cấp ngân sách phải gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo đảm tính hiệu quả của quản lý ngân sách, trong đó cần đề cao vai trò của các cơ quan dân cử và của cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế của WB tại Việt Nam: Đẩy mạnh hơn nữa minh bạch tài khóa ở Việt Nam Việt Nam đã tiến một bước dài trong việc cải thiện minh bạch về chính sách tài khóa và NSNN kể từ cuối thập kỷ 90, là thời điểm các văn bản ngân sách vẫn được coi là bí mật Nhà nước. Với những thành tựu về cải cách quản lý tài khóa, hiện nay nhiều dữ liệu ngân sách đã được công khai ra công chúng. Việc công khai dữ liệu kinh tế một cách kịp thời và đáng tin cậy, cải thiện về truyền thông những thay đổi chính sách ra thị trường, có thể giúp giảm những bất ổn và nghi ngại trên thị trường tại Việt Nam. Minh bạch tài khóa ở Việt Nam có thể được đẩy mạnh hơn nữa nhằm đem lại những lợi ích tiềm năng to lớn mà ít tốn kém. Việc công khai và khả năng tiếp cận thông tin tài khóa có thể được cải thiện trên cơ sở nền tảng thông tin, quy trình và hệ thống hiện có. Điều này có thể đem lại những lợi ích quan trọng về kết quả sự nghiệp công và kinh tế vĩ mô. Các ưu tiên được xác định trên cơ sở đánh giá về các thông lệ minh bạch cũng như kết quả khảo sát các cơ quan liên quan bao gồm: Công bố các tài liệu trước khi trình dự toán ngân sách lên Quốc hội; cải thiện cách trình bày theo hướng phân tích trong các tài liệu ngân sách; tổng hợp các hoạt động ngoài ngân sách vào báo cáo ngân sách và đơn giản hóa các biểu mẫu báo cáo, đặc biệt cho cấp địa phương. T.Th (ghi) |
Minh Anh (thực hiện)