Trường Hải quan Việt Nam: Đổi mới đào tạo bám sát Luật Hải quan
(HQ Online)- Với vai trò là đơn vị đào tạo của ngành Hải quan, Trường Hải quan Việt Nam đã tiến hành chuẩn hóa hệ thống khung chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy ở tất cả các lĩnh vực đào tạo thường xuyên để phù hợp với các quy định tại Luật Hải quan 2014 và tình hình mới.
Ông Phan Công Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Hải quan Việt Nam cho biết, năm 2014, Nhà trường đã cải tiến, đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập bằng thi trắc nghiệm trên máy tính và kiểm tra giữa kỳ. Cách làm này đã nhận được sự đánh giá cao từ các học viên tham gia và các đơn vị trong Ngành... Bên cạnh đó, Nhà trường đã tập trung hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm ở các nhóm chuyên đề nghiệp vụ, mỗi nhóm chuyên đề tối thiểu 300 câu hỏi và đã được triển khai từ tháng 3-2014. Các câu hỏi thi trắc nghiệm được rà soát kỹ đảm bảo vừa sức và đòi hỏi tính chính xác.
Năm 2014, Nhà trường đã xác định đào tạo nguồn giảng viên là một trong ba trụ cột chính của trường. Với sự giúp đỡ của Hải quan địa phương đặc biệt là Hải quan TP. Hà Nội và Hải quan Lạng Sơn, Nhà trường đã tiếp nhận và thực hiện đánh giá trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế đối với 3 giảng viên và phân công nhiệm vụ giảng dạy. Theo đánh giá chung, 3 giảng viên bước đầu đã thu nhận được nhiều kiến thức thực tế ở một số lĩnh vực nhất định góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy. Tuy nhiên do thời hạn 1 năm chưa đủ dài để các giảng viên tìm hiểu, nắm bắt nhiều mảng chuyên môn tại các đơn vị địa phương.
Để thực hiện lộ trình “chính quy, hiện đại” và bám sát các quy định tại Luật Hải quan 2014, ông Phan Công Sơn nhấn mạnh, Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2015 đã tác động mạnh mẽ đến công tác hải quan, tạo sự chuyển biến rõ nét về cải cách thủ tục hành chính; đổi mới toàn diện hoạt động hải quan và là cơ sở pháp lý tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. Năm 2015 Trường Hải quan sẽ bắt tay vào triển khai chỉnh lý bộ giáo trình, tài liệu đào tạo nghiệp vụ hải quan biên soạn từ năm 2011 và cập nhật, bổ sung các kiến thức trong tài liệu đào tạo ngạch, đảm bảo cập nhật kiến thức thực tế và phù hợp với quy định tại Luật Hải quan và tình hình mới. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hải quan và các lớp đào tạo chuyên ngành, chuyên sâu với quyết tâm đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Đào tạo các kiến thức về nghiệp vụ hải quan theo quy định tại Luật và các kiến thức mở rộng trong Hệ thống VNACCS/VCIS cho cộng đồng DN.
Cùng với đó, Trường Hải quan Việt Nam sẽ từng bước nâng cao kỹ năng xây dựng và lập kế hoạch chương trình đào tạo một cách hợp lý và triển khai các công tác đào tạo theo nhu cầu thực tế của Hải quan các tỉnh, thành phố. Đồng thời, thực hiện chương trình đưa giảng viên trẻ đi thực tế tại các địa phương để nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho công tác đào tạo nhằm tăng cường chất lượng giảng viên và hiệu quả công tác đào tạo giảng viên trẻ nhằm khắc phục cơ bản tình trạng thiếu giảng viên giảng dạy, đặc biệt ở các lĩnh vực đào tạo chuyên ngành, chuyên sâu, ngạch, bậc…
Để công tác đào tạo ngang tầm với các nước trong khu vực, ông Phan Công Sơn cho biết, hiện giảng viên của Nhà trường hiện vẫn tham gia giảng dạy cho Hải quan các nước khu vực ASEAN về thủ tục hải quan, về các quy định tại Công ước Kyoto… Sắp tới đây, Nhà trường sẽ liên kết với các Học viện Hải quan trong khu vực như Nhật, Malaysia… để đưa các giảng viên đi học hỏi kinh nghiệm và trau dồi kiến thức. Đặc biệt, nhằm thể hiện rõ vai trò nòng cốt trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, phù hợp với Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, Trường Hải quan Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Hải quan có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức tốt, trong đó, quyết tâm đến năm 2020, có 5 tiến sỹ, 20 thạc sỹ và hầu hết các giảng viên đứng lớp đều có kinh nghiệm và kiến thức vững vàng.