Tác động của các FTA trong năm 2018
(HQ Online)- Theo tính toán của Tổng cục Hải quan, với lộ trình cắt giảm thuế quan, việc giảm thu thuế do thực hiện các cam kết khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) năm 2018 sẽ làm giảm thu NSNN so với năm 2017 khoảng 30.150 tỷ đồng.
Giảm thu ngân sách
Năm 2018, FTA sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng đối với số thu NSNN của ngành Hải quan. Nhất là thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), khoảng 7% số dòng thuế linh hoạt, tương đương 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm theo thỏa thuận với ASEAN sẽ được xóa bỏ (trừ mặt hàng xăng dầu có lộ trình riêng). Mạnh nhất là một số mặt hàng có số thu lớn, thuế suất cao như: ô tô giảm từ 30% xuống 0%; linh kiện phụ tùng 5%, 20% xuống 0%; sắt thép 5% xuống 0%; nông sản, thuốc lá, rượu…
Ngoài ra, một số FTA khác cũng tiếp tục thực hiện lộ trình giảm sâu như: FTA ASEAN- Trung Quốc (ACFTA), từ 1/1/2018, có thêm 588 dòng thuế cắt giảm xuống 0% nâng số dòng thuế cắt giảm về 0% lên 8.571 dòng, chiếm 90,3% tổng biểu, gồm một số mặt hàng chế phẩm từ thịt, chế phẩm từ rau quả, ngũ cốc, động cơ điện, hàng gia dụng, hóa chất, linh kiện phụ tùng ô tô, vật liệu xây dựng, nhựa, cao su, giấy…
Bên cạnh đó là FTA ASEAN- Hàn Quốc (AKFTA), trong Hiệp định AKFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 86% tổng số dòng thuế vào năm 2018 (8.184 số dòng thuế).
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN- Nhật Bản (AJCEP) cũng sẽ tác động nhiều đến số thu NSNN của ngành Hải quan. Năm 2018, Việt Nam cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 62,2% số dòng thuế, tập trung vào các nhóm mặt hàng như chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sản phẩm tân dược
Tạo hiệu ứng tích cực
Có thể thấy, việc thực hiện các cam kết thuế quan đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước hàng năm của ngành Hải quan. Nếu như từ năm 2007 đến năm 2014 tốc độ thu trung bình tăng trên 10%/năm, thì đến năm 2015 tốc độ này chỉ tăng khoảng 3,6%, năm 2016 tăng 3,8%.
Nhìn một cách tổng thể, việc cắt giảm thuế cũng sẽ dẫn tới việc thúc đẩy gia tăng kim ngạch thương mại. Các mặt hàng NK được giảm thuế sẽ có số lượng NK gia tăng. Kim ngạch NK đã tăng dần hàng năm. Cụ thể vào năm 2007- là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO, kim ngạch NK là 62,7 tỷ USD, kim ngạch tăng dần qua các năm và dao động với biên độ mạnh từ 7% đến gần 29% trong 10 năm gia nhập nền kinh tế thế giới (riêng năm 2009 do ảnh hưởng của lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế thế giới nên kim ngạch NK của năm này không tăng mà giảm so với năm 2008). Đến năm 2016, kim ngạch NK lên đến 174 tỷ USD, 11 tháng đầu năm 2017 kim ngạch NK đạt 191,3 tỷ USD và tăng gấp 3 lần kim ngạch NK năm 2007. Nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn này thì tốc độ tăng kim ngạch NK cao hơn rất nhiều.
Xét số thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan trong giai đoạn 2007 đến năm 2017 cho thấy, số thu từ hoạt động XNK tăng lên nhưng số thu thuế NK chiếm tỷ trọng giảm dần. Nếu như năm 2007, số thuế NK chiếm 31% trong tổng thu của ngành Hải quan thì đến tháng 11/2017 chỉ chiếm 21,6% trong tổng thu. Trong khi số thu thuế GTGT khâu NK tăng lên với tỷ trọng dao động từ 54,8% năm 2007 đến 67,8% năm 2017 trong tổng thu NSNN của Hải quan.
Đối với NK, việc cắt giảm thuế quan từ các FTA đem lại nhiều tích cực cho hoạt động NK, tạo ra hiệu ứng chuyển hướng thương mại đối với nhiều ngành hàng. Bên cạnh đó, cắt giảm thuế suất từ các FTA cũng tạo ra hiệu ứng chuyển dịch kim ngạch NK của Việt Nam từ các nước đối tác, trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là những quốc gia được hưởng lợi nhiều từ hội nhập thuế quan. Đối với XK, việc tham gia các FTA giúp Việt Nam mở rộng thị trường XK sang các nước ASEAN. Tuy nhiên, XK của Việt Nam vẫn chưa thực sự thay đổi về chất, các sản phẩm XK chưa thực sự tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Hầu hết các sản phẩm XK của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức gia công lắp ráp, các nguyên phụ liệu đầu vào chủ yếu là NK.
Việc thực hiện các cam kết quốc tế hội nhập về thuế quan nhằm thu hút và góp phần gia tăng đầu tư nước ngoài, giảm chi phí đầu vào cho DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó làm gia tăng kim ngạch XNK, có tác động lan tỏa trong toàn bộ nền kinh tế trong việc tăng thu NSNN từ các sắc thuế nội địa khác như thuế Thu nhập DN, Thu nhập cá nhân... Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết FTA cũng khiến số thu ngân sách từ thuế NK sụt giảm, ảnh hưởng đến công tác thu NSNN chung. Các FTA vừa tác động giảm thu trực tiếp từ lượng và trị giá hàng hóa NK từ các nước đã ký kết. Ngoài ra, FTA còn gây giảm thu gián tiếp từ việc “chuyển hướng thương mại”, tức các nhà NK chuyển hướng sang nhập từ các nước có cam kết FTA để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt thay vì NK từ các nước ngoài FTA như trước đây.
Vì vậy, theo tính toán của Tổng cục Hải quan, với lộ trình cắt giảm thuế quan, việc giảm thu do thực hiện các cam kết FTA năm 2018 sẽ làm giảm thu NSNN so với năm 2017 khoảng 30.150 tỷ đồng.
Tăng giải pháp hạn chế tác động nguồn thu Do ảnh hưởng của việc thực hiện các cam kết quốc tế về thuế quan, thuế suất bình quân gia quyền của toàn bộ hàng hóa NK cũng giảm dần hàng năm theo lộ trình: Năm 2015 là 4,75%, năm 2016 giảm về còn 3,74% và đến năm 2018 dự tính giảm xuống còn 2,98%. Trên cơ sở đó, để thực hiện tốt các cam kết nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu NSNN, Tổng cục Hải quan đã có một số kiến nghị liên quan đến vấn đề này: Một số mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế NK theo các FTA có thể được NK ồ ạt vào nội địa, cạnh tranh gay gắt với sản xuất trong nước. Vì vậy, kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng và ban hành hàng rào kỹ thuật theo thông lệ quốc tế đối với các mặt hàng có tác động trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm (quy định hạn sử dụng còn lại tại thời điểm nhập khẩu tối thiểu phải trên 1 năm); các mặt hàng có lợi thế của nước ngoài, tiềm ẩn nguy cơ phá giá, cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm cùng loại trong nước. |