Đừng mãi chỉ là sự khởi động
(HQ Online)- Hiện nay, dự thảo về Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam-Vietnam Rice” đang được rốt ráo lấy ý kiến đến lần thứ 4 để hoàn thiện.
Theo dự thảo quy chế, Bộ NN&PTNT là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice”. Gạo được đề cập trong quy chế là các loại gạo trắng, gạo thơm trắng và gạo nếp trắng của các giống lúa thuộc loài Oryza sativa L. DN được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam-Vietnam Rice” cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: Là DN, tổ chức hợp pháp tại Việt Nam có hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo trên lãnh thổ Việt Nam để phục vụ XK và tiêu thụ nội địa; phải áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc tiêu chuẩn tương đương trong suốt quá trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng ổn định, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Việc xay xát gạo phải theo tiêu chuẩn TCVN 11890:2017 quy phạm thực hành đối với xay xát, bảo quản và đóng gói trong điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, cấp giấy chứng nhận…
Nhiều năm nay, Việt Nam vẫn đứng “top” đầu thế giới về XK gạo. Điều dễ thấy là, do chưa tạo dựng được thương hiệu nên gạo Việt XK thường xuyên rơi vào vòng luẩn quẩn lượng nhiều, giá bán thấp. Ngay như trong 11 tháng đầu năm nay, XK gạo dù đạt 5,49 triệu tấn và 2,48 tỷ USD, song giá gạo XK bình quân 10 tháng năm chỉ đạt 448,6 USD/tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. So với các đối thủ như Thái Lan, Myanmar…, rõ ràng gạo Việt XK lép vế hơn, nhất là với các dòng sản phẩm gạo thơm của các quốc gia trên, vốn đã có thương hiệu, nức tiếng trên thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh sự cạnh tranh ở ngành lúa gạo ngày càng gay gắt, việc tạo dựng thương hiệu, nâng tầm gạo Việt là điều rất quan trọng, là then chốt để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Thực tế, việc kiếm tìm và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam đã được đề cập từ lâu, nhiều lần, thậm chí được cho là cấp bách ngay từ năm 2015. Tuy nhiên, vài năm trôi qua, hàng triệu tấn gạo được XK mỗi năm, thương hiệu vẫn là thứ xa vời.
Ở hiện tại, câu chuyện xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam được cho là có phần muộn màng, nhưng “muộn còn hơn không”. Chỉ hy vọng rằng, cơ quan quản lý các cấp sẽ thực sự “xắn tay” vào cuộc cùng đông đảo DN ngành lúa gạo cũng như bà con nông dân thực sự tạo dựng được thương hiệu gạo Việt, vẽ lên một “diện mạo” mới cho ngành chế biến, XK gạo Việt Nam. Đừng để lặp lại “vết xe đổ”, sau khoảng thời gian xới xáo, ồn ào, việc xây thương hiệu gạo Việt vẫn chỉ là sự khởi động ban đầu.