Hiệp định Geneve: Bài học quý cho hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh trong tình hình mới
Mặc dù 70 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Geneve vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị hiện thực và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho hoạt động ngoại giao nói chung và đối ngoại quốc phòng, an ninh.
Việt Nam ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế Tác động của các Hiệp định thương mại đối với ngành nông nghiệp EU Điểm mới về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định AKFTA |
Hiệp định Geneve là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam
Trải qua 75 ngày đêm với 31 phiên họp cùng rất nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị, ngày 21/7/1954, Hội nghị Geneve kết thúc, thông qua Tuyên bố chung. Đồng chí Thiếu tướng Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đại diện Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam và Thiếu tướng Denteil, đại diện Bộ Tổng Tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương đã ký Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
Việc ký kết Hiệp định Geneve là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, Hiệp định đã buộc thực dân Pháp phải kết thúc chiến tranh, công nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; từ truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần mưu trí, dũng cảm của toàn dân và toàn quân ta, từ truyền thống hòa bình và hòa hiếu của ngoại giao Việt Nam và là kết quả của sự kết hợp sức mạnh tổng hợp giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao, phát huy tốt nhất những thắng lợi trên chiến trường để tạo thế mạnh trên bàn Hội nghị.
Thành công của Hội nghị cũng khẳng định vai trò, để lại dấu ấn đậm nét của lực lượng vũ trang, với nòng cốt là quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Đại tá. PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nhận định, Hội nghị Geneve và Hiệp định Geneve đã cho Việt Nam nhiều kinh nghiệm trên trường đàm phán; đồng thời trang bị cho quân và dân Việt Nam những gì cần thiết nhất để giành được chiến thắng vẻ vang trước chặng đường đầy chông gai, đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Đế quốc Mỹ.
Đồng quan điểm, Đại tá. PGS. TS. Nguyễn Xuân Tú, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự Học viện Chính trị-Bộ Quốc phòng đánh giá, Hiệp định Geneve được ký kết là biểu hiện cho sự thành công của đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh" do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, lãnh đạo. Trong đó, đã thực hiện sáng tạo đường lối đối ngoại đúng đắn "thêm bạn, bớt thù" "biết thắng từng bước" của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính sức mạnh toàn dân, toàn diện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng đưa đến ký kết Hiệp định Geneve mà tướng Navarre Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương trong những năm 1953-1954 đã thừa nhận: "Quân viễn chinh Pháp không những phải chống chọi với một đội quân chính quy mà còn phải đương đầu với cả một dân tộc".
Hiệp định Geneve được ký kết là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngoại giao Việt Nam khi lần đầu tiên bước lên vũ đài đàm phán đa phương với sự tham gia của các cường quốc, để bàn về các vấn đề liên quan đến quyền cơ bản của chính dân tộc mình trong bối cảnh tình hình thế giới và quan hệ quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều theo đuổi những mục tiêu, lợi ích khác nhau… Việc ký kết giúp Việt Nam giành được thắng lợi, mang lại những quyền lợi to lớn và chính đáng cho dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Hội nghị Geneve đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to…". Ở vào thời điểm này, chính thành quả ấy trên mặt trận ngoại giao đã đem lại thế và lực mới cho nước ta trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, việc ký kết Hiệp định Geneve-kết quả của quá trình đàm phán tại Hội nghị Geneve cũng đem lại những kinh nghiệm lịch sử quý giá cho cách mạng Việt Nam, nhất là quá trình đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Paris sau này (13/5/1968-27/1/1973). "Chúng ta có kinh nghiệm hơn, chỉ đàm phán trực tiếp với Mỹ, không thông qua bất cứ nước trung gian nào; thực hiện kết hợp giữa đấu tranh quân sự, chính sự với đấu tranh ngoại giao, tạo cục diện "vừa đánh, vừa đàm", Đại tá. PGS. TS. Nguyễn Xuân Tú cho hay.
Nhất quán chính sách quốc phòng "4 không"
70 năm trôi qua, đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geveve là cuốn cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam với nhiều bài học còn nguyên giá trị về nguyên tắc, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao, mang đậm bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Hiệp định Geneve cũng là bài học, kinh nghiệm quý báu cho hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh trong tình hình hiện nay.
Trong tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định như hiện nay, Thượng tướng, PGS.TS. Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng cho rằng, việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo các bài học, kinh nghiệm quý báu của Hội nghị Geneve về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kết hợp chặt chẽ giữa chính trị, quân sự và ngoại giao; phát huy nội lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước để làm cơ sở vững chắc cho hoạt động ngoại giao vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn.
"Đây cũng là cơ sở quan trọng để phát triển đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối ngoại quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới", Thượng tướng, PGS, TS. Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh.
Theo Đại tá. PGS.TS. Nguyễn Xuân Tú, trên cơ sở kiên định đường lối đối ngoại của Đảng, đối ngoại quốc phòng và an ninh hiện nay phải tiếp tục kế thừa, phát huy giá trị của Hiệp định Geneve và vận dụng kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao từ Hội nghị này nhằm nâng cao hiệu quả đối ngoại quốc phòng và an ninh trong tình hình mới.
Theo đó, hoạt động đối ngoại quốc phòng và an ninh phải không ngừng được đẩy mạnh theo hướng "thêm bạn, bớt thù". Triển khai phát triển sâu, rộng cả về phạm vi và mức độ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức, định chế quốc tế, góp phần từng bước đưa quốc phòng và an ninh Việt Nam hội nhập thế giới. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức quan hệ, hợp tác quốc phòng và an ninh nhằm mở rộng trên nhiều lĩnh vực, với nhiều đối tác, trong đó có những nội dung mang tính đột phá, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, quân đội, công an ở khu vực và trên thế giới.
Đại tá. PGS.TS. Nguyễn Xuân Tú cho rằng, đối ngoại quốc phòng và an ninh hiện nay không chỉ tăng cường mặt hợp tác, mà phải chú trọng cả mặt đấu tranh và kết hợp chặt chẽ giữa hợp tác và đấu tranh trên các mặt, lĩnh vực. Với các tranh chấp, mâu thuẫn, cần khôn khéo đấu tranh, xác định rõ ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống và các nước khác; đưa đối ngoại quốc phòng và an ninh vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực.
Với riêng đối ngoại quốc phòng, cần thực hiện nhất quán chính sách quốc phòng "4 không". Tức là, không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Bên cạnh đó, cần tích cực, chủ động thực hiện cam kết theo những cơ chế hợp tác khu vực và thế giới về tham gia phòng, chống các nguy cơ an ninh phi truyền thống và giữ gìn hoà bình, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc; phối hợp cứu hộ, cứu nạn, thực hiện tuần tra chung trên biên giới đất liền và trên biển với một số nước... Quá trình đó, phải tiếp tục hướng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 806-NQ/ QUTW, ngày 31/12/2013 của Quân uỷ Trung ương "Về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo".
Đối với công tác đối ngoại an ninh, cần tiếp tục thực hiện chiến lược an ninh đối ngoại và bước đi trong quan hệ với các cơ quan thực thi pháp luật các nước, các tổ chức quốc tế, xây dựng môi trường hoà bình để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước; chủ động tham gia các diễn đàn hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm; xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế đối thoại an ninh; nắm bắt thời cơ, lựa chọn mức độ, cấp độ tham gia và khởi xướng các liên kết khu vực, quốc tế phù hợp với lợi ích của Việt Nam.
Bảy thập kỷ đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử và những bài học kinh nghiệm từ Hiệp định Geneve vẫn còn nguyên giá trị. "Trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị của Hiệp định Geneve trong hoạt động đối ngoại về quốc phòng và an ninh, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa", Đại tá. PGS.TS. Nguyễn Xuân Tú nhấn mạnh.