Cơ quan Hải quan luôn sát cánh cùng doanh nghiệp Hàn Quốc
(HQ Online) - Trước thềm Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và DN Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023-2024 diễn ra ngày 29/2 tại Hà Nội, Tạp chí Hải quan đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thúy Hòa (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan về công tác phối hợp, trao đổi thông tin chính sách pháp luật, hỗ trợ của cơ quan Hải quan với cộng đồng DN Hàn Quốc đã, đang và sẽ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Bà Trần Thị Thúy Hòa |
Thời gian qua, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp nhằm trao đổi, giải đáp, tháo gỡ vướng mắc cho cộng đồng DN Hàn Quốc. Bà đánh giá như thế nào về kết quả đã đạt được?
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 1/2024, Việt Nam thu hút được 9.891 dự án đầu tư từ DN Hàn Quốc, với tổng vốn đăng ký gần 86 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng số dự án và 18,25% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Với kết quả trên, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có đầu tư vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng xuất hiện và liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua. Điển hình trong số đó phải kể đến những thương hiệu nổi bật như Samsung, LG, Huyndai… |
Với mục tiêu không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, phục vụ người dân và DN, cơ quan Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho cộng đồng DN nói chung và các DN Hàn Quốc nói riêng.
Đặc biệt, để công tác cải cách thủ tục hành chính về hải quan đạt hiệu quả thiết thực, ngành Hải quan triển khai toàn diện công tác đối thoại DN ở cả 3 cấp: Tổng cục, cục và chi cục. Thông qua các hội nghị đối thoại, cơ quan Hải quan giới thiệu chính sách mới để DN hiểu rõ và thực hiện đúng khi làm thủ tục XNK hàng hóa; từng bước nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng DN và phối hợp tốt với cơ quan Hải quan trong việc thực thi pháp luật chống buôn lậu, gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trong cộng đồng DN. Đồng thời tạo điều kiện để DN phản ánh những vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý XNK, thủ tục hải quan, tinh thần, thái độ phục vụ của CBCC hải quan khi thi hành công vụ.
Bằng biện pháp này, Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc của các DN và nắm thêm được những thông tin bổ ích, lắng nghe các ý kiến góp ý của DN để công tác cải cách hành chính về hải quan ngày càng thiết thực hơn.
Ngoài hội nghị đối thoại toàn quốc được tổ chức hàng năm, hội nghị đối thoại chính sách thuế và hải quan giữa Bộ Tài chính với cộng đồng các DN Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam được đặc biệt chú trọng, giúp tạo thuận lợi cho các DN Hàn Quốc trong lĩnh vực hải quan, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.
Những đề xuất của cộng đồng DN Hàn Quốc được cơ quan Hải quan ghi nhận, tiếp thu và giải quyết ra sao, thưa bà?
Thực tế cho thấy, thủ tục hải quan đa dạng với nhiều loại hình, cùng với điều kiện kinh tế, xã hội không ngừng thay đổi, đòi hỏi thủ tục hải quan và các chính sách phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Các vấn đề đề xuất của DN luôn được Tổng cục Hải quan nghiên cứu kỹ lưỡng và đều được giải quyết theo nguyên tắc minh bạch, công khai và thống nhất cùng cách hiểu. Đối với các ý kiến liên quan đến vướng mắc tại văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan Hải quan kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật.
Để quá trình trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan với cộng đồng DN được diễn ra thuận lợi, trước, trong và sau mỗi kỳ hội nghị đối thoại, thông qua các kênh, cơ quan Hải quan luôn tổng hợp các vướng mắc của DN và đăng tải nội dung giải đáp trên Cổng thông tin điện tử hải quan.
Đặc biệt, sau mỗi kỳ hội nghị đối thoại với DN Hàn Quốc, Tổng cục Hải quan tiếp tục đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế XNK phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, tạo môi trường kinh tế lành mạnh; phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, Luật Hải quan, Luật Thuế XK, thuế NK và các Luật khác có liên quan.
Xin bà cho biết, thời gian tới, cơ quan Hải quan sẽ có những kế hoạch gì để kịp thời nắm bắt, tiếp thu các ý kiến liên quan đến các chính sách quản lý hàng hóa XNK, chính sách quản lý chuyên ngành, chính sách thuế và thủ tục hải quan… của DN Hàn Quốc?
Theo kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin năm 2024 của Tổng cục Hải quan, trong năm 2024 ngành Hải quan sẽ tuyên truyền các văn bản đã ban hành trong năm 2023 của ngành Tài chính gồm 12 văn bản Luật, 7 Nghị định và 1 Thông tư của Bộ Tài chính.
Đối với các văn bản đang trong quá trình soạn thảo: Tổng cục Hải quan cũng xây dựng kế hoạch tuyên truyền các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn, quy trình quy chế nghiệp vụ của ngành dự kiến được ban hành trong năm 2024, theo đó, ngoài việc đăng tải trên các Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, cơ quan Hải quan cũng sẽ tổ chức các hội thảo chung, hội thảo chuyên đề lấy ý kiến góp ý của cộng đồng DN nói chung và các DN Hàn Quốc nói riêng để bảo đảm văn bản được ban hành có tính khả thi, hạn chế vướng mắc phát sinh khi áp dụng văn bản.
Sau khi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan được ban hành, Tổng cục Hải quan sẽ soạn thảo và đăng tải đề cương giới thiệu nội dung mới của văn bản trên Cổng thông tin điện tử hải quan, Tạp chí Hải quan điện tử; thực hiện bài giảng trực tuyến giới thiệu nội dung mới của văn bản và đăng tải bài giảng trực tuyến lên Cổng thông tin điện tử hải quan, Tạp chí Hải quan điện tử.
Đặc biệt, trong năm 2024, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030; kế hoạch chuyển đổi số của Ngành, hướng tới mục tiêu tổng quát xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, áp dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, đảm bảo thực hiện chuyển đổi số toàn diện các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan. Theo đó, ngành Hải quan cũng chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền kế hoạch, chương trình chuyển đổi số của Ngành đến cộng đồng DN và các DN Hàn Quốc để kịp thời nắm bắt, triển khai thực hiện khi hệ thống đi vào hoạt động.
Xin cảm ơn bà!