Cắt giảm gần 1,7 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo trong năm 2021
(HQ Online) - Trong năm 2021, dự kiến sẽ cắt giảm gần 1,7 tỷ kWh điện từ năng lượng tái tạo, bao gồm cả điện gió và điện mặt trời.
Ảnh minh hoạ. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Theo thông tin mới đây từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến thời điểm hiện nay, hệ thống điện quốc gia đã có hơn 69.300 MW công suất nguồn điện các loại, trong đó có 20.512 MWp điện năng lượng tái tạo (NLTT), bao gồm 10.317 MWp điện mặt trời trang trại, 9.583MWp điện mặt trời áp mái và 612 MW điện gió.
Đã có thời điểm, tỷ trọng NLTT đóng góp tới 60% phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia.
Năm 2019, có gần 5.000 MW điện mặt trời nối lưới, nhưng sang đến năm 2020 lại tiếp tục có thêm gần 5.000 MW điện mặt trời nối lưới và 7.000-8.000 MW điện mặt trời áp mái.
Ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh nguồn cung NLTT lớn, trong khi nhu cầu tiêu dùng điện thấp, việc huy động nguồn được thực hiện theo thứ tự ưu tiên các nhà máy điện đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật (điện áp, ổn định, quán tính, dự phòng điều tần, công suất cao điểm) rồi đến các nguồn NLTT (điện gió, mặt trời, sinh khối, thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện lớn đang xả), sau đó đến các nguồn điện còn lại.
Do vậy, trong 4 tháng đầu năm nay, A0 đã buộc phải cắt giảm gần 470 triệu kWh điện NLTT (trong đó, đã cắt giảm 447,5 triệu kWh điện mặt trời trang trại, chiếm 13,3% khả năng phát của các nhà máy điện mặt trời và cắt giảm 19,7 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 4,8% khả năng phát của các nhà máy điện gió).
Dự kiến trong năm 2021 sẽ cắt giảm khoảng 1,68 tỷ kWh điện NLTT (trong đó, sẽ cắt giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời trang trại, chiếm khoảng 9% khả năng phát của các nhà máy điện mặt trời và cắt giảm khoảng 430 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 7% khả năng phát của các nhà máy điện gió).
Về nguyên nhân giảm phát NLTT cũng như các nguồn điện khác trong hệ thông điện quốc gia, ông Nguyễn Đức Ninh nhấn mạnh, có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phụ tải tăng trưởng rất thấp, thấp hơn so với các kế hoạch.
Ví dụ như trong năm 2020, phụ tải chỉ tăng trưởng trên 3%, còn những tháng đầu năm nay cũng dao động từ 5 - 7%, tức là thấp hơn nhiều so với tăng trưởng phụ tải trong quá khứ. Thứ hai là do sự phát triển rất nhanh của NLTT.
“Năm 2019 chúng ta có gần 5.000 MW điện mặt trời nối lưới, nhưng sang đến năm 2020 chúng ta lại tiếp tục có thêm gần 5.000 MW điện mặt trời nối lưới và 7.000-8.000 MW điện mặt trời áp mái. Cuối năm nay, dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ điện gió. Với sự phát triển nhanh như vậy của các nguồn NLTT, lưới điện đồng bộ đi theo không đáp ứng được nhu cầu", ông Ninh nói.
Ông Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đánh giá, một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho hệ thống vận hành điện hiện nay xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước.
“Sự bùng nổ của NLTT vừa qua cũng do yếu tố quy hoạch. Một quy hoạch tốt thì không thể có sự bùng nổ như vậy được. Sự phát triển ồ ạt điện mặt trời vừa qua là biểu hiện sự thiếu kiểm soát", ông Long nói.
Vị chuyên gia này đặt vấn đề: “Khi phê duyệt các dự án điện mặt trời, vì sao không tham khảo ý kiến bên vận hành? Sao không hỏi xem xây bao nhiêu dự án điện mặt trời ở nơi này nơi kia có gây khó khăn gì cho hệ thống vận hành, lưới điện...".
Theo tính toán của Bộ Công Thương và EVN, kế hoạch tăng trưởng điện năm 2021 dao động từ 6,1%-7,2%, cao hơn tăng trưởng điện của năm 2020 (chỉ hơn 2,9%) nhưng vẫn thấp hơn nhiều kế hoạch đặt ra trước đó về kế hoạch tăng trưởng điện/GDP giai đoạn 2021-2025 là khoảng 9-10%/năm. EVN thông tin thêm, việc nhập khẩu điện trong thời gian tới sẽ rất hạn chế. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025 sẽ chỉ nhập khẩu điện từ Lào theo chương trình hợp tác đã có và tiếp tục xuất khẩu điện sang Campuchia. |