Sửa Nghị định 64: Phải thông báo cho địa phương khi đến làm từ thiện
(HQ Online) - Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định liên quan đến vận động, phân phối tiền tài trợ từ thiện, trong đó đề xuất các tổ chức, cá nhân phải thực hiện công khai, minh bạch các khoản thu này.
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64 về quyên góp, hỗ trợ | |
Cá nhân đứng ra vận động quyên góp từ thiện có vi phạm pháp luật? | |
Nghệ sĩ loay hoay làm từ thiện |
Ảnh minh họa. Nguồn: internet. |
Rõ các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện
Năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị định này đã góp phần giảm bớt khó khăn cho ngân sách nhà nước, đồng thời, đã huy động nguồn vốn xã hội giúp nhân dân khắc phục khẩn cấp hậu quả của thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao của nhân dân.
Tuy nhiên, đến nay, một số hạn chế từ việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện đã xuất hiện dẫn đến yêu cầu phải sửa đổi các quy định hiện hành.
Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định thay thế sẽ quy định rõ ràng, cụ thể các nội dung từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cơ quan kêu gọi vận động, thời gian vận động, tiếp nhận, đến các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương và người dân, tránh chồng chéo trong việc triển khai thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn lực này.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng sẽ quy định để thực hiện công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân.
Đối với các cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, cơ quan soạn thảo dự kiến 2 phương án.
Thứ nhất, khi cá nhân có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) theo mẫu sẽ ban hành kèm theo Nghị định.
Khi phân phối nguồn này, cá nhân cần thông báo chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ về phạm vi, mức, thời gian hỗ trợ theo mẫu sẽ ban hành kèm theo Nghị định, để được phối hợp, hướng dẫn việc thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội.
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu.
Thứ hai, khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trong nước, gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, cá nhân được phép vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn. Các cá nhân phải tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan.
Công khai kết quả phân phối
Việc sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức cũng được quy định rõ trong dự thảo Nghị định. Cụ thể, căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện nhận được và mức độ thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh, UBND các cấp phối hợp với Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối cùng cấp tổ chức họp với các thành viên, cơ quan liên quan để thống nhất nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ cho các đối tượng.
Các nội dung chi hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện bao gồm: Ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định, hỗ trợ thêm từ nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện hỗ trợ cho: người bị thương nặng, thân nhân người mất tích; đối tượng thiếu lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh; hộ gia đình xây dựng lại nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn…
Trường hợp khoản đóng góp tự nguyện có địa chỉ cụ thể theo cam kết như sửa chữa, khôi phục, nâng cấp, xây dựng mới công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, hạ tầng phát thanh – truyền thanh) thì phải thống nhất với chính quyền địa phương về thiết kế công trình và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện công khai kết quả vận động đóng góp, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện; đối tượng, chính sách và mức hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố.