Thông tin 90% người Việt dùng gạo “bẩn” hoàn toàn sai sự thật
(HQ Online) - Mới đây, một số cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin trích lời đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo với nhận định 90% người Việt đang ăn gạo "bẩn" do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định nhận định nêu trên hoàn toàn sai sự thật.
Giá gạo Việt tăng lên mức cao nhất trong 9 năm | |
Làm đúng chuẩn, gạo Việt Nam có thể xuất khẩu với giá 3.000 – 4.000 USD/tấn | |
Gạo Việt Nam xuất khẩu lập kỷ lục trên 1.000 USD/tấn |
Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Ảnh: N.Thanh |
Trao đổi với báo chí hôm nay 5/9, lãnh đạo Cục Trồng trọt nêu rõ, từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu gạo vẫn được coi là điểm sáng với sản lượng xuất khẩu 8 tháng lên tới 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Có thời điểm giá gạo Việt Nam còn vượt cả Thái Lan.
Trong xuất khẩu gạo, Việt Nam không phải "một mình một chợ" mà đang chịu cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia. Nếu không khẳng định được chất lượng, chắc chắn gạo Việt Nam không có được kết quả xuất khẩu ấn tượng như vậy.
Ông Cường chia sẻ thêm, những năm gần đây, ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Hàng năm diện tích gieo trồng lúa chỉ dao động trong khoảng 7,3 - 7,4 triệu ha nhưng sản lượng thóc lên tới 43,4 - 43,5 triệu tấn/năm, không chỉ đủ cho tiêu dùng và chế biến trong nước với 100 triệu dân mà còn xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.
Gạo Việt đã đến được nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Đáng chú ý, theo ông Cường, thị trường nhập khẩu dù cao cấp hay trung cấp thì những yêu cầu về an toàn thực phẩm, kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đều phải đáp ứng.
“Bên cạnh đó, với diện tích sản xuất quá lớn như hiện tại, ở Việt Nam không có chuyện gạo ở ruộng này để ăn, gạo ở ruộng kia để xuất khẩu. Không có vùng riêng cho xuất khẩu hay tiêu dùng nội địa nên tôi khẳng định không có chuyện gạo Việt Nam không đạt chất lượng”, ông Cường nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng nhắc tới việc Việt Nam cũng đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Khi đó, hàng rào thuế quan hầu như bị gỡ bỏ, các nước buộc phải bảo hộ sản xuất trong nước bằng các hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật, trong đó vấn đề an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu.
Ông Cường khẳng định, những năm qua, Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Việt Nam đang có bộ giống lúa rất tốt, chất lượng gạo không chỉ được cải thiện mà còn đáp ứng cả yếu tố mùa vụ.
Quan trọng hơn, người đứng đầu Cục Trồng trọt nhấn mạnh, người dân cũng có nhận thức đầy đủ về kỹ thuật canh tác sao cho an toàn.
Bộ NN&PTNT, các viện nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang nỗ lực chuyển giao các gói kỹ thuật cho nông dân như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" với mục tiêu giảm chi phí đầu vào, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiết kiệm nước nhưng vẫn tăng năng suất, chất lượng, giá cả.
Những mô hình như thế đang được triển khai rất nhiều ở các địa phương, giúp nông dân nâng cao chất lượng lúa, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Liên quan tới câu chuyện gạo “bẩn”, ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL đánh giá, quan trọng là hiểu thế nào là gạo “bẩn”. Có quan điểm gạo hữu cơ là gạo “sạch”, không hữu cơ là gạo “bẩn".
Trước đây có giai đoạn Việt Nam ùn ùn xuất khẩu gạo sang Mỹ, chỉ vài container bị trả về. Mỗi thị trường có yêu cầu khác nhau không có nghĩa quan niệm gạo “bẩn” là không đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
“Thế nào là "bẩn" cần phải xác định lại. Bên cạnh đó, hiện nay lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là vấn đề đặt ra cho các ngành quản lý”, ông Thạch nói.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 8 tháng năm 2020, tổng khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo đạt 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với 35,3% thị phần. Trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,5 triệu tấn và 688,3 triệu USD, tăng 2,7% về khối lượng và tăng 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 8/2020, giá gạo 5% tấm Việt Nam tăng từ 470 USD/tấn lên 480 – 490 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2011. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 487,2 USD/tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. |