Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Áp lực hơn với 4 môn thi
Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm 2019 tại Hà Nội có nhiều thay đổi, được đánh giá là căng thẳng hơn khi học sinh thi tới 4 môn thay vì chỉ 2 môn Ngữ văn và Toán như các năm trước. Trước áp lực kỳ thi, nhiều học sinh đã lựa chọn học thêm ở các trung tâm luyện thi, nhờ gia sư đến nhà dạy thêm…
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra. Ảnh ĐH. |
Phụ huynh căng thẳng hơn cả học sinh
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm học 2019-2020 của Hà Nội. Do vậy, đây là thời gian nước rút để học sinh lớp 9 ôn tập lại kiến thức của các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh và Lịch sử. So với năm ngoái, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay được đánh giá căng thẳng và khó khăn hơn.
Từ đầu học kỳ 2, thời khóa biểu ôn tập của em Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 9, trường THCS Đống Đa, Hà Nội chỉ tập trung các môn thi vào lớp 10. Thời gian ôn tập của Phương Anh gần như kín cả ngày. Phương Anh chia sẻ: “Năm nay, em đăng ký nguyện vọng 1 vào trường THPT Lê Quý Đôn, nguyện vọng 2 vào trường THPT Đống Đa. Năm nay, số môn thi cũng nhiều hơn năm ngoái nên em rất sợ sẽ không vượt qua được kỳ thi nên cũng đã tận dụng hết thời gian cho việc ôn tập lại kiến thức các môn”.
Kỳ thi vào lớp 10: Đề thi môn Toán có tính phân loại học sinh (HQ Online)- Chiều ngày 9/6, học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội làm bài môn Toán, với thời gian 120 phút. Theo nhận định ... |
Nguyễn Duy Khang, học sinh lớp 9 trường THCS Cát Linh (Ba Đình, Hà Nội) đăng ký nguyện vọng vào trường THPT Việt Đức và trường THPT Trần Phú. Đây là hai trường luôn có tỉ lệ chọi đầu vào cao của Hà Nội. Để có được một suất học vào những trường tốp đầu của Hà Nội thì lịch ôn tập ở các trung tâm của Nguyễn Duy Khang luôn dày đặc. “Ngay từ đầu năm học, mẹ đã tăng lịch học thêm của em ở các trung tâm luyện thi lên rất nhiều. Không những thế, đến tối về mẹ lại kiểm tra bài tập của em học ở trường và ở trung tâm. Do đó, trong thời gian này em không đi đâu ngoài trường học và các trung tâm luyện thi”.
Nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 như “đang ngồi trên đống lửa”, từ những lo lắng mà không ít phụ huynh đã vô tình tạo ra áp lực không nhỏ cho con mình. Em Nguyễn Phương Anh tâm sự: “Việc ôn tập ở trường và trung tâm đã rất căng thẳng nhưng em lại phải chịu một phần áp lực từ phía gia đình. Em phải cố gắng hoàn thành mục tiêu của gia đình đề ra”. Năm nay, con trai đầu thi vào lớp 10 nên ngay từ đầu năm học chị Nguyễn Thị Vân (Xuân Đỉnh, Hà Nội) đã tìm hiểu điểm chuẩn, tỉ lệ chọi của các trường để định hướng việc chọn trường cho con. “Các con chịu áp lực một, cha mẹ áp lực 10 lần, bởi nếu con thi đỗ vào trường công thì gia đình sẽ không phải lo gánh nặng chi phí học tập so với trường dân lập. Hơn nữa, việc xét tuyển nguyện vọng vào những trường dân lập chất lượng cũng khó khăn nên kết quả thi của con không tốt cũng khó vào được những trường này”, chị Vân tâm sự.
Hà Nội bắt đầu kỳ thi vào lớp 10 (HQ Online)- Sáng ngày 8/6 hơn 76.000 thí sinh Hà Nội tập trung tại điểm thi làm thủ tục, nghe phổ biến quy chế về kỳ ... |
Không nên học thêm tràn lan
Năm học 2018-2019, Hà Nội có 101.460 học sinh tốt nghiệp THCS, giảm 4.000 học sinh so với năm trước. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu phân luồng và cũng căn cứ vào điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục nên Hà Nội dự kiến 60-62% số học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập, tương đương với gần 63.000 học sinh. Sẽ có khoảng trên 38.500 học sinh bị loại khỏi trường công.
Trong tổng số học sinh tốt nghiệp THCS, khoảng 20% vào học trường THPT ngoài công lập, 10% học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Số còn lại tham gia học nghề ngắn hạn để gia nhập thị trường lao động. Theo ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố có đủ các loại hình trường để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh. Tùy theo điều kiện, năng lực học tập, học sinh có thể chọn đăng ký nguyện vọng phù hợp. Nếu không có nguyện vọng hoặc không đủ điều kiện dự tuyển vào trường THPT công lập, học sinh có thể tham gia dự tuyển vào trường ngoài công lập, trường công lập tự chủ tài chính…
Liên quan đến việc chọn nguyện vọng, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội gợi ý: "Căn cứ theo điểm chuẩn, học sinh có thể chia các trường thành ba tốp. Nếu học sinh có học lực giỏi và chắc chắn thì nên chọn nguyện vọng 1 là các trường tốp 1, nếu học ở mức khá thì đặt nguyện vọng 1 là các trường tốp 2, sức học trung bình thì đặt nguyện vọng 1 là các trường tốp 3. Tuy nhiên, các em cần lưu ý về khoảng cách điểm giữa hai nguyện vọng bởi nếu muốn xét nguyện vọng 2 thì phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường đó ít nhất 1,5 điểm. Phụ huynh cũng cần lưu ý thêm về khoảng cách di chuyển của học sinh từ nhà đến trường để hàng ngày các em không phải đi học quá xa, tránh trường hợp đỗ lớp 10 nhưng sau đó gặp khó khăn khi đi học".
Trước áp lực kỳ thi, nhiều học sinh đã lựa chọn ôn tập ở các trung tâm, từ thực trạng này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng khuyến cáo, học sinh nên lựa chọn phương pháp học phù hợp, tránh tình trạng học thêm tràn lan bởi sẽ khó khăn trong việc lựa chọn hướng ôn thi. Sở cũng đã công bố đề thi minh họa, học sinh có thể dựa vào đó để ôn tập. Đối với môn Lịch sử, hiểu được sự lo lắng của giáo viên, phụ huynh và học sinh lớp 9, Sở đã lên phương án để tổ chức ôn tập riêng cho bộ môn này bằng cách đưa 24 bộ đề ôn tập môn Lịch sử lớp 9 lên trang mạng xã hội trực tuyến ViettelStudy để học sinh truy cập và ôn tập trên máy tính, điện thoại di động hoặc máy tính bảng tự ôn luyện mọi lúc, mọi nơi hoàn toàn miễn phí.
Căng thẳng trước kỳ thi vào lớp 10 (HQ Online)- Ngày 9/6, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ diễn ra. Hiện tại không chỉ các ... |