![]() | Tiếp tục xu hướng tăng, thêm áp lực xử lý nợ xấu ngân hàng |
![]() | Ngân hàng gia tăng “bộ đệm” để phòng ngừa nợ xấu |
![]() | Nợ xấu ngân hàng có xu hướng gia tăng |
![]() |
Các doanh nghiệp đều mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận các nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.Dịu |
Rủi ro từ bối cảnh khó khăn
Trong hoạt động nghiệp vụ và quy định của ngành ngân hàng, dựa vào lịch sử tín dụng của khách hàng mà các ngân hàng phân thành 5 loại nợ tín dụng. Loại đầu tiên an toàn nhất là nợ đủ tiêu chuẩn, tiếp theo là nợ cần chú ý. 3 loại nợ được coi là nợ xấu gồm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn và nợ có khả năng mất vốn. Nếu doanh nghiệp có khoản nợ bị xếp vào một trong 3 loại nợ xấu này thì việc tiếp cận vốn tín dụng mới để đầu tư sản xuất, kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều rất “ngại” việc khoản nợ bị nhảy nhóm, do sẽ dẫn tới rủi ro cho cả hai phía.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước – NHNN), dù các doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn, mặc dù được các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định thông thường nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do bị chuyển nhóm nợ, nên khó tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh...
Theo đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), năng lực tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, tăng trưởng không bền vững, dẫn đến ý thức trả nợ, tuân thủ pháp luật chưa cao. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp không chịu công khai thông tin, tình hình tài chính công ty, không minh bạch, thiếu trung thực trong quản lý tài chính gây khó khăn cho ngân hàng thẩm định, đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh...
Thực tế, nợ xấu tại các ngân hàng đã và đang có sự gia tăng. Theo báo cáo của NHNN, nợ xấu nội bảng đang ở mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 3,5%. Còn theo báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại, tính đến cuối năm 2022, đã có 13/27 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng, khối lượng nợ xấu đã tăng hơn 30% so với hồi đầu năm 2022, khiến tỷ lệ nợ xấu trung bình của 27 ngân hàng tăng gần 0,7% so với năm 2021.
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ tăng nhẹ vào năm 2023 do đã hết thời hạn về cơ cấu lại nợ và những rủi ro từ nền kinh tế vĩ mô. Tại hội nghị về tín dụng bất động sản cách đây không lâu, hàng loạt “ông lớn” bất động sản đã lên tiếng lo ngại về việc vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn và các khoản vay tín dụng đến hạn sẽ kéo theo rủi ro chuyển thành nợ xấu hoặc nhảy nhóm nợ xấu hơn.
Tăng khả năng trả nợ đúng hạn
Nhiều doanh nghiệp mong muốn được tái cơ cấu các khoản vay nợ tín dụng đến hạn trong thời hạn 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm. Cùng với đó, để giúp doanh nghiệp có khả năng trả nợ khi vay vốn, các doanh nghiệp mong muốn lãi suất ở mức “dễ thở” hơn, bởi mức lãi suất lên tới 14-16%/năm như hiện nay thì các doanh nghiệp rất khó để tính toán dòng tiền trả nợ đúng hạn trong “bài toán” kinh doanh đầy biến động hiện nay.
Ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật (doanh nghiệp xuất khẩu gạo) chia sẻ, ngành hàng lúa gạo nông sản nói riêng, các sản phẩm nông sản nói chung Đồng bằng sông Cửu Long có tính chất thời vụ, nên hầu như tất cả thương nhân đều gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, nhất là vốn lưu động. Còn theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, với đặc thù sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nên việc duy trì mức dự trữ lưu thông 5% theo quy định của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo cũng gây áp lực khá lớn lên các thương nhân xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, thực tế là nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất nhiều hạn chế trong vấn đề quản lý tài chính, khiến ngân hàng rất e ngại trong việc cấp tín dụng. Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng lực hạn chế về kỹ năng quản lý dòng tiền, thậm chí có doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn nhưng đầu tư vào dài hạn, không biết cách lập báo cáo tài chính… nên không thể kiểm soát được dòng tiền thế nào là có lãi hay hòa vốn, hoặc kiểm soát dòng tiền về để trả nợ…
Mặt khác, để nâng cao khả năng đánh giá doanh nghiệp trong khi ngân hàng không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng thì các ngân hàng cần nâng cao việc khai thác thông tin về doanh nghiệp từ nhiều cơ quan liên quan. Theo các chuyên gia, các ngân hàng không chỉ tìm hiểu qua Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) mà còn phải khai thác tối đa thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp vay vốn thông qua các hiệp hội, ngành nghề, cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan... Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng kiến nghị có giải pháp gia tăng hiệu quả của các quỹ bảo lãnh tín dụng nhằm chia sẻ rủi ro với hệ thống ngân hàng.
Hương Dịu