e magazine
23:05 | 01/02/2022
MEGASTORY: Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn "Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới"

23:05 | 01/02/2022

Năm 2021 có rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, song với sự tin tưởng, ủng hộ, phối hợp và tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự đoàn kết, quyết tâm cao của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành, Hải quan Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, tạo thế và lực để hướng tới những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới. Đây là thông điệp chủ đạo trong cuộc phỏng vấn được Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn dành cho Tạp chí Hải quan trước thềm Xuân mới Nhâm Dần 2022.
MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới
MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN NGUYỄN VĂN CẨN

Năm 2021 có rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, song với sự tin tưởng, ủng hộ, phối hợp và tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự đoàn kết, quyết tâm cao của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành, Hải quan Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, tạo thế và lực để hướng tới những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới. Đây là thông điệp chủ đạo trong cuộc phỏng vấn được Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn dành cho Tạp chí Hải quan trước thềm Xuân mới Nhâm Dần 2022.

MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới

Năm 2021, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, công tác quản lý nhà nước về hải quan đạt được kết quả toàn diện. Xin Tổng cục trưởng chia sẻ về những nét nổi bật của toàn Ngành trong năm qua?

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính; sự điều hành sát sao, quyết liệt, linh hoạt của tập thể lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo hải quan các cấp, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCC) trong toàn Ngành, Hải quan Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Trong đó ngành Hải quan đã chung tay, góp sức vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho CBCC; tiếp tục thể hiện vai trò trong tạo thuận lợi thương mại, khơi thông dòng chảy hàng hóa XNK trong điều kiện đứt gãy, ùn ứ hàng hóa, tập trung thông quan nhanh hàng hóa là vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch; hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách; đạt được nhiều kết quả trong công tác chống buôn lậu; phòng, chống tội phạm; tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh.

Các mặt công tác khác như kiểm tra sau thông quan; thanh tra-kiểm tra; quản lý rủi ro; công tác tuyên truyền; hợp tác quốc tế; xây dựng lực lượng… cũng đạt kết quả đáng ghi nhận.

MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới

Năm 2021, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vượt qua mốc 600 tỷ USD, xin Tổng cục trưởng cho biết những giải pháp tạo thuận lợi của ngành Hải quan để góp phần vào thành tích ấn tượng này?

Thực tế, từ nhiều năm qua, tạo thuận lợi thương mại là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của ngành Hải quan. Từ năm 2016 Tổng cục Hải quan được Chính phủ, Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) giao nhiệm vụ là Cơ quan Thường trực Ủy ban 1899.

Về tạo thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa XNK có thể khái quát những kết quả sau:

Về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp chứng từ dưới dạng điện tử thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá và thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc trực tiếp về thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK…

MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới

Trước tình hình ùn tắc hàng hóa ở cảng Cát Lái (TPHCM) tháng 7 và 8/2021, ngành Hải quan một mặt chỉ đạo các giải pháp cấp bách để “chia lửa” cho cảng container lớn nhất cả nước với việc cho phép vận chuyển container về cảng nội địa (ICD) tại Bình Dương, Đồng Nai…; mặt khác đã tham mưu, trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 82/2021/TT-BTC quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19…

Bố trí nhân lực đảm bảo đủ số lượng cần thiết tại các bộ phận nghiệp vụ có liên quan làm việc trong ngày hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ hành chính đảm bảo hoạt động thông quan liên tục, kịp thời, đúng quy định… Đặc biệt tại các vùng tâm dịch, cơ quan Hải quan đã bố trí làm việc “3 tại chỗ” để đảm bảo phòng, chống dịch và thông quan cho doanh nghiệp.

Ngành Hải quan cũng tích cực tham gia xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động XNK trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tiêu biểu là tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 11/9/2021 về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19…

Thu ngân sách là điểm sáng của toàn Ngành trong năm 2021, Tổng cục trưởng có thể phân tích rõ hơn về việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này?

Xác định nhiệm vụ thu ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của toàn Ngành, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 215/CT-TCHQ (ngày 15/1/2021) về việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chống thất thu ngân sách; công văn 119/TCHQ-GSQL ngày 11/1/2021 nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hải quan. Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, các giải pháp chống gian lận thương mại, chống thất thu... mang lại kết quả đáng kể đóng góp vào số thu ngân sách.

Mặt khác, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát… phối hợp với cơ quan Thuế nội địa và các lực lượng khác trong đấu tranh ngăn chặn gian lận hoàn thuế GTGT. Cùng với đó, tăng cường công tác chống thất thu thông qua công tác trực ban, giám sát kiểm tra thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; thường xuyên theo dõi và đưa ra các giải pháp thu hồi nợ thuế phù hợp; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, rà soát không để người nộp thuế lợi dụng cơ chế, chính sách để trốn thuế, gian lận thuế…

Các giải pháp quản lý thuế được thực hiện hiệu quả đã góp phần thu đúng, thu đủ, chống thất thu ngân sách…

MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới

Ngày 12/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 38/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Xin Tổng cục trưởng cho biết ý nghĩa, sự cần thiết của công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại?

Đề án có 7 nội dung cải cách lớn sẽ đổi mới cơ bản, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Thực tế, Đề án này đang được cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao với nhiều kỳ vọng về hiệu quả kinh tế.

Theo đánh giá độc lập của Dự án Tạo thuận lợi thương mại (do tổ chức USAID của Hoa Kỳ tài trợ), mô hình mới về kiểm tra chuyên ngành sẽ cắt giảm nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, ước tính số tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 399 triệu USD mỗi năm.

Trong Quyết định 38, Chính phủ giao Tổng cục Hải quan là cơ quan đầu mối thực hiện Đề án.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổng cục Hải quan đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện hàng loạt nội dung công việc liên quan, nhất là hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến rộng rãi, dù có một số ý kiến khác nhau, nhưng ngành Hải quan quyết tâm thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan chủ động phối hợp với các bộ, ngành triển khai sắp xếp, bổ sung nhân lực, thiết bị… sẵn sàng thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo lộ trình của Đề án đề ra.

Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022 đối với việc thực hiện Đề án như thế nào, thưa Tổng cục trưởng?

Với vai trò Cơ quan Thường trực Ủy ban 1899, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của ngành Hải quan là chủ trì triển khai thành công Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Các nhiệm vụ trọng tâm là, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; phối hợp với các bộ, ngành liên quan bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị… để triển khai Đề án. Trước tiên là xem xét thực hiện ở các địa bàn trọng điểm có lưu lượng hàng hóa XNK lớn như TPHCM, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn…

MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới

Cùng với các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, ngành Hải quan luôn được xem là lực lượng chủ công trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại và gian lận xuất xứ. Xin Tổng cục trưởng đánh giá về kết quả đạt được trong năm 2021?

Với quyết tâm “tích cực, chủ động trong phòng, chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, Tổng cục Hải quan đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính... kịp thời đưa ra các giải pháp quyết liệt, linh hoạt.

Trong đó, Tổng cục Hải quan ban hành nhiều kế hoạch đấu tranh, đồng thời chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng như: Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển…; chính quyền địa phương để chia sẻ thông tin, đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng buôn lậu, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Nổi bật như: Lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh hiệu quả đối với các hành vi buôn lậu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch. Qua đó, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Điển hình là vụ bắt giữ khoảng 80.000 viên thuốc điều trị Covid-19, thuốc điều trị ung thư nhập lậu từ Ấn Độ qua đường hàng không theo loại hình phi mậu dịch trong tháng 9, tháng 10/2021.

Tiếp tục chủ động đấu tranh, xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến gian lận xuất xứ hàng hóa. Trong đó, Cục Kiểm tra sau thông quan đã kịp thời kiểm tra, phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm xuất xứ liên quan đến nhập khẩu hạt điều từ Campuchia.

Đối với lĩnh vực phòng, chống ma túy, ngành Hải quan tiếp tục chủ trì, phối hợp triệt phá nhiều đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Điển hình như: Chuyên án HC421 (tháng 4/2021) do Cục Hải quan Hà Nội và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) đồng chủ trì triệt phá đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ châu Âu về Việt Nam, triệt phá 8 đường dây vận chuyển ma túy ở nhiều tỉnh thành, thu giữ 127,5 kg ketamine, bắt 16 đối tượng.

Chuyên án HK668 (tháng 5/2021) do Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với C04, phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá các đường dây vận chuyển ma túy từ Tam giác vàng về Việt Nam và cất giấu trong các mô-tơ điện, dạ dày lợn có gắn định vị để vận chuyển tiếp sang nước thứ ba, thu giữ khoảng 280 kg ketamine; bắt giữ 5 đối tượng, trong đó 1 đối tượng người Trung Quốc, 3 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc)…

Không chỉ thu giữ lượng lớn ma túy, thông qua các chuyên án còn bắt giữ nhiều đối tượng trong các đường dây ma túy xuyên quốc gia. Điều này thể hiện bước trưởng thành của lực lượng Hải quan trên mặt trận chống buôn lậu.

Ngoài ra, công tác trực ban trực tuyến từ Tổng cục đến các cục hải quan địa phương tiếp tục được tăng cường. Trong đó Trực ban Tổng cục Hải quan đã đôn đốc, chỉ đạo sát sao, quyết liệt các đơn vị hải quan địa phương trong kiểm tra các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn, phát hiện nhiều vụ gian lận hòng trốn thuế và vi phạm về xuất xứ…

Đối với công tác quản lý rủi ro, đẩy mạnh các biện pháp theo dõi nắm tình hình địa bàn, cập nhật hồ sơ doanh nghiệp trên hệ thống nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thu thập xử lý thông tin. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo công tác lựa chọn, soi chiếu trong toàn Ngành để nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống máy soi container.

MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới

Năm 2021, Tổng cục Hải quan tập trung nguồn lực để xây dựng Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh. Việc triển khai xây dựng Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh ở thời điểm này có ý nghĩa như thế nào, thưa Tổng cục trưởng?

Quá trình xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 ngành Hải quan xác định mục tiêu tổng quát là: xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh.

Trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Hải quan, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã phê duyệt “Chủ trương xây dựng mô hình Hải quan thông minh là phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật trên thế giới và tại Việt Nam”. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Tài chính ký Quyết định 97/QĐ-BTC phê duyệt chủ trương “Thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số”.

Việc thực hiện thành công mô hình Hải quan thông minh sẽ tạo ra bước đột phá và nâng tầm phát triển của Hải quan Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thực hiện Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh là một khối lượng công việc lớn chưa từng có tiền lệ. Để hoàn thành các nội dung đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản chỉ đạo và trực tiếp làm việc với một số cục hải quan trọng điểm.

Cùng với đó, toàn Ngành đã huy động lực lượng lớn CBCC ở khối cơ quan Tổng cục và các cục hải quan địa phương tham gia làm việc chuyên trách, bán chuyên trách để xây dựng, hoàn thiện các bài toán về nghiệp vụ, về công nghệ thông tin; thực hiện thủ tục theo quy định về thuê dịch vụ công nghệ thông tin…

MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn chủ trì cuộc họp về Hải quan số, Hải quan thông minh ngày 6/9/2021. Ảnh: Thái Bình
MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới
Ngày 4/11/2021, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn làm việc với Hải quan Hà Nội về mô hình Hải quan thông minh. Ảnh: Ngọc Linh
MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn làm việc với Cục Hải quan Hải Phòng về thực hiện Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh, ngày 24/11/2021. Ảnh: Thái Bình

Tổng cục trưởng có thể phân tích rõ hơn về những ưu việt của Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan? Yêu cầu đặt ra đối với toàn Ngành trong tổ chức thực hiện như thế nào?

MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới

Hệ thống Hải quan số và Hải quan thông minh có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Mô hình Hải quan thông minh gồm các đặc trưng cơ bản: Quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán.

Trong khi đó thực hiện Hệ thống Hải quan số với nhiệm vụ trọng tâm là “thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số” là giải pháp quan trọng để thực hiện các nội dung liên quan đến mô hình Hải quan thông minh.

Thực hiện thành công Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh sẽ đáp ứng yêu cầu quản trị thông minh; quản lý doanh nghiệp, hàng hóa XNK, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối; có khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để thực hiện thành công Hệ thống Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra đối với đội ngũ CBCC trong toàn Ngành là sự nhận thức, tinh thần trách nhiệm, hiểu biết và kỹ năng thực hiện các bài toán nghiệp vụ, đặc biệt là thủ trưởng các đơn vị, nhất là các chi cục trưởng. Năm 2022, các đơn vị trong toàn Ngành cần tích cực, chủ động để sẵn sàng thực hiện Hệ thống Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh.

MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới

Hoạt động thông quan tại các cửa khẩu được giám sát chặt chẽ tại Trung tâm giám sát trực tuyến tại trụ sở Tổng cục Hải quan, ngày 26/8/2021. Ảnh: Hồng Nụ

MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới

Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình các mục tiêu phát triển của Hải quan Việt Nam trong giai đoạn mới, xin Tổng cục trưởng cho biết những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành trong năm nay?

Năm 2022, toàn ngành Hải quan tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; Nghị định về kết nối, chia sẻ thông tin qua Cơ chế một cửa quốc gia… Đặc biệt là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP cần phù hợp với yêu cầu thực hiện Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh…

Đối với nhiệm vụ thu ngân sách, toàn Ngành quyết tâm thu đạt và vượt chỉ tiêu 352.000 tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng này, ngay từ đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan ban hành chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách với những giải pháp, nhiệm vụ hết sức cụ thể cho từng đơn vị.

Về thực hiện Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh cần quyết tâm hoàn thành các công việc liên quan để sớm triển khai thí điểm. Việc thực hiện Hải quan số và mô hình Hải quan thông minh kéo theo rất nhiều công việc liên quan từ tổ chức bộ máy đến đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị… nên đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ CBCC toàn Ngành.

Năm 2022, hoạt động buôn lậu được dự báo tiếp tục có diễn biến rất phức tạp trên tất cả lĩnh vực, loại hình, địa bàn quản lý... đòi hỏi phải tăng cường các biện pháp đấu tranh một cách đồng bộ, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng và phát huy hiệu quả sử dụng trang thiết bị, công nghệ hiện đại…

Về công tác xây dựng lực lượng, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa kỷ cương, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…

Cùng với đó là tiếp tục thực hiện tốt các nội dung của Nghị định 02/2021/NĐ-CP quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan…

MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới

Hội nghị trực tuyến hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa NK được Bộ Tài chính chủ trì tỏ chức ngày 12/5/2021. Ảnh: Ngọc Linh

MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn thị sát Trung tâm giám sát trực tuyến của Cục Hải quan TPHCM, ngày 7/1/2022. Ảnh: Thu Hòa

MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới

Ngày 16/11/2021, Hải quan Việt Nam tiếp nhận hệ thống phát hiện phóng xạ lắp đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất trong khuôn khổ dự án an ninh hợp tác với cơ quan năng lượng quốc tế IAEA. Ảnh: Hồng Nụ

Vấn đề xây dựng lực lượng luôn là nhiệm vụ then chốt, vậy yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ CBCC Hải quan trong giai đoạn tới là gì, thưa Tổng cục trưởng?

Công tác nội Ngành cần tiếp tục chú trọng, trong đó tập trung vào thực hiện: liêm chính hải quan; duy trì kỷ cương, kỷ luật; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao vai trò, vị thế của Hải quan Việt Nam.

Để đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, yêu cầu quan trọng đặt ra là xây dựng đội ngũ CBCC Hải quan các cấp, đặc biệt là cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực, uy tín, tinh nhuệ, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp, có trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, hoạt động liêm chính… đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại, tổ chức thực hiện thành công Hệ thống Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh...

Chú trọng công tác rèn luyện, trau dồi về phẩm chất đạo đức, tư tưởng; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ; siết chặt kỷ cương kỷ luật hành chính; thực hiện nghiêm việc sử dụng trang chế phục… để xây dựng hình ảnh CBCC Hải quan chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.

Nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần 2022, thay mặt tập thể lãnh đạo Tổng cục Hải quan, tôi xin gửi tới các thế hệ CBCC ngành Hải quan qua các thời kỳ trên mọi miền Tổ quốc lời chúc mừng Sức khỏe, Bình an, Hạnh phúc và Thành công!

Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Tổng cục trưởng cùng gia đình Năm mới An khang, Thịnh vượng!

MEGASTORY: Hải quan Việt Nam trước những mục tiêu phát triển cao hơn trong giai đoạn mới

Thái Bình

Phiên bản di động