e magazine
14:50 | 05/04/2021
MEGASTORY: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020

14:50 | 05/04/2021

(HQ Online) - Nhiệm kỳ 2016-2020 là một giai đoạn đặc biệt với những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen. Tuy nhiên, những kết quả đạt được cho thấy sự quyết tâm cũng như vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, trong đó có sứ đóng góp đáng kể của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính đã tham mưu các cấp có thẩm quyền đồng bộ, toàn diện thể chế tài chính - NSNN, đối mới công tác quản lý, điều hành tài chính - NSNN và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được Đại hội XIII của Đảng và Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao.
Megastory: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020

Nhiệm kỳ 2016-2020 là một giai đoạn đặc biệt với những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen. Tuy nhiên, những kết quả đạt được cho thấy sự quyết tâm cũng như vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, trong đó có sự đóng góp đáng kể của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính đã tham mưu các cấp có thẩm quyền đồng bộ, toàn diện thể chế tài chính - NSNN, đổi mới công tác quản lý, điều hành tài chính - NSNN và đạt được nhiều kết quả tích cực, được Đại hội XIII của Đảng và Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao.

Megastory: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020

Nhiệm kỳ 2016-2020, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai quỵết liệt các giải pháp về thu NSNN; tổ chức thực hiện tốt Luật NSNN, các Luật thuế mới ban hành và nhiệm vụ thu NSNN theo Nghị quyết của Quốc hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiếm tra sau thông quan; đẩy mạnh các giải pháp chống chuyển giá, hạn chế nợ đọng thuế, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, kê khai không trung thực về các khoản phải nộp NSNN.

Sự quyết liệt này được triển khai bền bỉ, liên tục từ năm này qua năm khác trong suốt nhiệm kỳ bởi thách thức của thời kỳ đầu nhiệm kỳ vô cùng lớn: giá dầu sụt giảm mạnh, tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự báo; nguy cơ mất cân đối ngân sách hiện hữu... Trước tình hình cấp bách như vậy, không còn cách nào khác là phải hành động.

Nhờ vậy, tình trạng “điều hành ngân sách như đi trên dây” “ngân sách hụt hơi” đã không còn nữa. Quy mô thu NSNN được cải thiện, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 24,5% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 23,6% GDP), vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội (23,5% GDP) và Nghị quyết số 07- NQ/TW của Bộ Chính trị (20-21% GDP); gấp 1,58 lần so với giai đoạn 2011-2015 và gấp hơn 3 lần giai đoạn 2006-2010.

Tỷ trọng thu nội địa tăng dần. Đến năm 2020, thu nội địa đạt trên 84% tổng thu NSNN. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, thu nội địa chiếm tỷ trọng 81,6% tổng thu NSNN, đã góp phần bù đắp xu hướng giảm thu từ dầu thô và thu từ thuế xuất, nhập khẩu. Mức độ phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài và nguồn tài nguyên, khoáng sản giảm đáng kể (tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối xuất, nhập khẩu giảm từ khoảng 30% xuống khoảng 17,8% giai đoạn 2016-2020).

Theo phân cấp, thu ngân sách địa phương có xu hướng tăng dần theo các giai đoạn cả về quy mô và tỷ trọng đã góp phần tăng cường tính tự chủ cho ngân sách địa phương. Tỷ trọng thu ngân sách địa phương trong tổng thu NSNN tăng từ 37,4% giai đoạn 2011-2015 lên khoảng 45% giai đoạn 2016-2020; quy mô thu ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 gấp khoảng 1,87 lần giai đoạn 2011-2015, cao hơn mức tăng quy mô thu NSNN nói chung (khoảng 1,58 lần).

Megastory: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020

Quy mô chi NSNN được quản lý trong phạm vi thu ngân sách và giảm dần bội chi. Tỷ trọng chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 27,5% GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP).

Tỷ trọng chi đầu tư phát triển đã được bố trí tăng từ mức 25,7% năm 2017 lên mức 26,9% năm 2020. Chi thường xuyên giảm dần tỷ trọng dự toán, từ mức 64,9% tổng chi NSNN năm 2017 xuống dưới 64% năm 2020 theo đúng mục tiêu của Quốc hội. Chi trả nợ được quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của Chính phủ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.

Bội chi NSNN trong những năm 2016-2019 giảm nhanh, bình quân khoảng 3,5% GDP. Đối với năm 2020, dự toán là 3,44% GDP, nhưng do tác động của đại dịch Covid-19, đánh giá bội chi NSNN khoảng 4,99-5,99% GDP. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,8-3,9% GDP; đảm bảo mục tiêu của Nghị quỵết 07-NQ/TW đến năm 2020 xuống dướỉ 4% GDP, qua đó góp phần củng cố vị thế tài khóa của Chính phủ.

Dư nợ công giảm từ mức đỉnh 63,7% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 55,0% GDP cuối năm 2019, góp phần quan trọng giúp nước ta đủ sức chống chọi và vượt qua năm 2020 đầy khó khăn do dịch Covid-19 gây ra một cách vững vàng, trở thành một trong những nước “hiếm hoi” có tăng trưởng dương.

Megastory: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020

Cải cách thủ tục hành chính: Bỏ “khó” - thêm “hài lòng”

Trước đây, khi nói đến thủ tục hành chính, bao giờ từ “khó” cũng được nhắc đến đầu tiên như “khó làm nhanh”, “khó giải quyết nhanh”, “thủ tục gây khó” nhưng 5 năm trở lại đây, từ “khó” đã dần được thay thế bằng cụm từ “hài lòng” như: “doanh nghiệp hài lòng với thủ tục thuế, hải quan”, “ngành Tài chính đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính”, “giữ vững top đầu về cải cách hành chính”…khi nói về cải cách thủ tục hành chính của ngành Tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Xác định công tác cải cách thủ tục hành chính không thể làm một sớm một chiều vì nó liên quan đến nhiều vấn đề, từ cải cách về thể chế đến tổ chức quản lý, yếu tố con người và ứng dụng công nghệ thông tin…, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung quyết liệt thực hiện cải cách TTHC, đặc biệt là về thuế, hải quan theo hướng lấy doanh nghiệp, người nộp thuế làm trung tâm, sự hài lòng của đối tượng phục vụ là động lực cải cách và thước đo đánh giá.

Kiên trì và bền bỉ, từ năm 2016 đến nay, Bộ đã thực hiện rà soát cắt giảm 304 thủ tục hành chính, sửa đổi, đơn giản hoá 265 thủ tục hành chính. Kết quả, tính đến tháng 11/2020, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 979 thủ tục hành chính, trong đó, 100% thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tổng số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 là 585 thủ tục, đạt gần 60% tổng số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Về tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, trong nửa đầu nhiệm kỳ, Bộ Tài chính đã rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 190/370 điều kiện kinh doanh của 21 ngành, nghề thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, đạt 51,4% theo yêu cầu của Chính phủ. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội ban hành 2 Luật, trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định, theo đó Bộ Tài chính đã cắt giảm và đơn giản hoá 163 điều kiện nữa; đồng thời, bãi bỏ 9 điều kiện thuộc ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Như vậy, tổng số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính còn hiệu lực hiện nay là 290 điều kiện thuộc 20 ngành, nghề kinh doanh.

Những nỗ lực của Bộ Tài chính được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao. Mới đây nhất, trong báo cáo chỉ số đánh giá Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2020 (APCI 2020) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng đã ghi nhận những nỗ lực của cơ quan hải quan trong thực hiện cải cách, hiện đại hóa, cải cách TTHC để giảm thời gian, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, nhóm TTHC thuế năm 2020 tiếp tục được ghi nhận là nhóm TTHC dẫn đầu với điểm số tăng 5,5 điểm do mức phí tuân thủ thấp với hơn 80% doanh nghiệp hài lòng và đánh giá mức độ dễ tiếp cận đối với chính sách thuế.

Megastory: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020

Nhìn vào bảng chỉ số mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) nhiều năm (2013 - nay), người xem không khỏi ngạc nhiên khi thấy Bộ Tài chính luôn đứng trong top đầu khối các bộ, ngành (8 năm liền). Nhưng khi nhìn lại những gì Bộ làm được trong suốt 5 năm qua thì không phải là không có lý.

Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã phát động phong trào thi đua "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT xây dựng Bộ Tài chính điện tử", trong đó, ứng dụng CNTT được đẩy lên thành một vế của khẩu hiệu cho thấy sự quan tâm của Bộ đối với công tác này.

Không dừng lại ở khẩu hiệu, trong suốt 5 năm qua, Bộ đã triển khai ứng dụng sâu rộng công nghệ trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, quản lý nhà nước của Ngành.

Cụ thể, Bộ Tài chính là đơn vị đầu tiên trong khối bộ, ngành đã ban hành Nghị quyết và Kế hoạch hành động triển khai ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là xây dựng và ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tài chính và Kiến trúc cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, đảm bảo hiện đại, bao quát đầy đủ các lĩnh vực nghiệp vụ của Bộ Tài chính; cung cấp thông tin, số liệu chính xác, kịp thời phục vụ nghiệp vụ quản lý của các đơn vị thuộc Bộ; đảm bảo tính liên kết, tích hợp khả năng kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính.

Bên cạnh đó, ngành Tài chính đã tập trung triển khai các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi, mang tính tích hợp cao theo phương thức tập trung trên các lĩnh vực chuyên ngành, như: quản lý điều hành ngân sách nhà nước, hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ, quản lý trong lĩnh vực thuế - hải quan, triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, quản lý nợ công, quản lý giá, quản lý tài sản công, quản lý giám sát thị trường tài chính, quản lý dự trữ nhà nước; xây dựng hệ thống thông tin báo cáo kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, triển khai chương trình quản lý văn bản điều hành eDocTC, xây dựng chương trình quản lý văn bản và điều hành trên nền tảng di động, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến…

Đặc biệt, năm 2018, Bộ Tài chính đã được Tổ chức Công nghiệp điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng ASOCIO trong hạng mục Tổ chức ứng dụng CNTT xuất sắc. Đây là lần đầu tiên một cơ quan của Chính phủ Việt Nam nhận được giải thưởng danh giá này.

Megastory: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020

Đoàn đại biểu Việt Nam trong lễ nhận giải ASOCIO digital summit 2018

Megastory: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020

Lĩnh vực thuế và hải quan là 2 lĩnh vực được hưởng lợi nhất từ ứng dụng CNTT, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao. Hiện các chỉ tiêu triển khai ứng dụng CNTT hỗ trợ kê khai thuế, hải quan điện tử đều vượt so với mục tiêu đề ra.

Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế phối hợp với 55 ngân hàng thương mại (đã hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế) và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Tính đến 19/2/2021, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 802.792 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 98,86%.

Số lượng doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng là 801.460 doanh nghiệp, đạt 98,95% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Đến nay có 255 doanh nghiệp đang tham gia thí điểm sử dụng hệ thống hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Đồng thời, Tổng cục Thuế đã triển khai ứng dụng đáp ứng yêu cầu khai điện tử tờ khai đối với hoạt động cho thuê tài sản (trong đó có hoạt động cho thuê nhà) tại 63 cục thuế và các chi cục thuế trực thuộc.

Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không tại tất cả các sân bay quốc tế trên cả nước. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7, đảm bảo an ninh, an toàn, đường truyền thông suốt phục vụ đắc lực cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Đến nay, 99,65% doanh nghiệp tại 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc tham gia hệ thống VNACCS/VCIS.

Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và triển khai thành công hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tại 33/35 cục hải quan tỉnh, thành phố. Đến nay, 44 ngân hàng đã phối hợp thu với Tổng cục Hải quan trong đó có 37 ngân hàng tham gia nộp thuế điện tử và thông quan 24/7.

Trong lĩnh vực kho bạc, hệ thống thanh toán song phương điện tử đã triển khai thành công và phối hợp thu ngân sách trên toàn quốc với bốn hệ thống ngân hàng thương mại cho toàn bộ các kho bạc nhà nước (KBNN) cấp huyện trong hệ thống KBNN và sở giao dịch KBNN, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ ngân sách.

Ngoài ra, Việt Nam đã kết nối Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 08 nước ASEAN gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar và Lào.

Megastory: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020

Triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chủ động, chỉ đạo, quán triệt và yêu cầu toàn Ngành tập trung rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, tổ chức lại các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước.., đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với quá trình đổi mới phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế.

Megastory: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020
Giao dịch không tiếp xúc trực tiếp, không giấy tờ là một trong những thành quả lớn ngành Tài chính đạt được trong cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: Thùy Linh

Từ năm 2015 đến nay, toàn Ngành đã giảm được 5.248 đơn vị hành chính, 9 đơn vị sự nghiệp công lập. Riêng năm 2020, đã giảm 6.460 biên chế hành chính so với năm 2015 (tương đương 8,7%) theo KH được giao. Tổng số biên chế của các đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã giảm khoảng 896 chỉ tiêu so với năm 2015 (tương đương 39,25%). Kết quả sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế đã cho thấy những hiệu quả rõ nét, góp phần giảm bớt các nấc trung gian, giảm bộ phận quản lý nội ngành, tập trung nguồn lực cho bộ phận tác nghiệp trực tiếp; gắn cải cách bộ máy với cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành, thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Megastory: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, Bộ Tài chính là một trong những bộ, ngành đi đầu và chủ động trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Theo ông Phong, cái khó của sắp xếp tổ chức cán bộ là khi bớt người, bớt đầu mối thì phải nâng tầm về nguồn nhân lực. Nếu trong quá trình tinh giản biên chế, trong 3 người chọn 1 người giỏi nhất vào một vị trí thì rõ ràng năng lực phục vụ sẽ tăng. Việc giảm người nhưng vẫn đảm bảo được công việc thông suốt cho thấy Bộ Tài chính đã thành công.

Megastory: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020

Khi nói về thị trường chứng khoán Việt Nam 20 năm phát triển, ông Dominic Scriven, OBE, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital đã nhấn mạnh 2 điều Việt Nam (Bộ Tài chính) đã làm được là “đi từ số 0 đến số có” và tạo ra “sự sống” cho thị trường.

Khái niệm đầu đúng là bởi việc cho ra đời TTCK đã tạo ra một khái niệm, một phạm trù mà trước đây Việt Nam chưa từng có. Tạo ra những cái chưa có kinh nghiệm là rất khó, dĩ nhiên mình có học hỏi kinh nghiệm của các nước đã có TTCK, nhưng phải triển khai sao cho phù hợp với Việt Nam lại là một câu chuyện khác.

MEGASTORY: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020
Ảnh minh họa.

Thứ hai là tạo ra “sự sống” tức là đã tạo ra được khái niệm về xây dựng và phát triển TTCK, đưa được thị trường vào vận hành, rồi tăng quy mô, tăng chiều rộng, chiều sâu phát triển của TTCK. Minh chứng là năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, tác động xấu tới hầu hết các thị trường chứng khoán, TTCK Việt Nam một lần nữa khẳng định sức sống mãnh liệt của mình. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2020, chỉ số VN-Index vượt 1.100 điểm, đạt 1.103,87 điểm, tăng mạnh tới 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020, tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019; chỉ số HNX-Index tăng gần 119% so với thời điểm cuối quý I/2020 và tăng 98,1% so với cuối năm 2019. Nhờ đó, TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 thị trường chứng khoán có sức chống chịu với đại dịch và phục hồi tốt nhất thế giới.

Để có được kết quả vượt trội đó là nhờ khung khổ pháp lý cho hoạt động của thị trường chứng khoán giai đoạn 2016-2020 tiếp tục được hoàn thiện. Nhiều đề án, dự án và cơ chế, chính sách quan trọng được xây dựng và ban hành phù hợp với tình hình thực tế, trong đó, quan trọng nhất là Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước và thúc đẩy hội nhập quốc tế, qua đó thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển hiệu quả, an toàn, lành mạnh, ổn định…

Bên cạnh đó, công tác giám sát, thanh tra và kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chứng khoán đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường được đẩy mạnh; công tác phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, cơ quan công an được thực hiện thường xuyên. Các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán được xử lý nghiêm minh, kịp thời và công khai theo quy định. Nhờ vậy, thị trường chứng khoán giai đoạn 2016-2020 luôn được đảm bảo ốn định, an toàn và được nhà đầu tư tin tưởng.

Trong giai đoạn 2016-2020, quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán ước đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng hơn 29% so với giai đoạn 2011-2015, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội. Trong đó, Chính phủ đã huy động được hơn 1.178 nghìn tỷ đồng thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ; doanh nghiệp huy động được khoảng hơn 394 nghỉn tỷ đồng thông qua đấu giá cổ phần và phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Số lượng tài khoản nhà đầu tư mở tại các công ty chứng khoán tính đến hết tháng 10/2020 đạt gần 2,7 triệu tài khoản, số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp so với nhà đầu tư trong nước nhưng vẫn tăng khoảng 91% so với cuối năm 2015.

Megastory: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020

Giai đoạn 2016-2020, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, trong xây dựng pháp luật về phòng chống tham nhũng, Bộ Tài chính đã ban hành 27 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng đối với các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; ban hành theo thẩm quyền 1.318 Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật, quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài dạn.

Megastory: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020
Công tác thanh tra, kiểm tra để phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại luôn được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Ảnh: Quang Hùng

Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính được thực hiện theo đúng kế hoạch và tiến độ được phê duyệt. Đã thực hiện trên 433,7 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiếm tra trên 3,25 triệu hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế; qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 70,37 nghìn vụ. Qua thanh tra, kiểm tra kiến nghị xử lý về tài chính 223,7 nghìn tỷ đồng; đã thu nộp NSNN 70 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, tổ chức tiếp 3.966 lượt với 4.264 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận, phân loại 19.913 đơn, thư; giải quyết theo thẩm quyền 6.533/7.686 đơn, thư khiếu nại, 1.433/1.830 đơn, thư tố cáo.

Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị yêu cầu rà soát, đôn đốc thu hồi nợ thuế và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm; chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng, công tác khảo sát, thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu và các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo pháp luật và phù hợp với thực tế.

Hoàn thiện thể chế thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN; tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2020, đã có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp trên 443 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207,2 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị thực tế bán được là 22,7 nghìn tỷ đồng, tổng giá trị thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp từ công tác cổ phần hóa là 36,4 nghìn tỷ đồng (đạt 1,6 lần so với giá bán). Đối với công tác thoái vốn, lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2020 đã thoái được 25,7 nghìn tỷ đồng, thu về 172,9 nghìn tỷ đồng.

Nhìn chung, việc thực hiện các phương thức cổ phần hóa, thoái vốn đảm bảo công khai minh bạch, việc thoái vốn được đảm bảo nguyên tắc thị trường, bảo toàn vốn đầu tư ra ngoài ngành của DNNN ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong chuyển nhượng vốn. Theo đó, tiếp tục khẳng định cổ phần hóa là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN.

Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Hầu hết các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều SXKD có hiệu quả, nộp ngân sách nhà nước và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Megastory: Ngành Tài chính: Những dấu ấn nhiệm kỳ 2016-2020

5 năm với vô vàn thử thách đi qua đã ghi lại nhiều dấu ấn đậm nét trên mọi mặt công tác của ngành Tài chính. Bước sang giai đoạn 2021-2025, tuy còn nhiều thách thức nhưng với sự nỗ lực, sự nhiệt tình và trách nhiệm, nhiệm vụ tài chính - ngân sách chắc hẳn sẽ tiếp tục bứt phá, tạo lực đẩy cho toàn Ngành “cán đích” thành công.

Nội dung: Hồng Vân - Thanh Lan

Thiết kế: Hoàng Anh

Ảnh: Tạp chí Hải quan

Hoàng Anh

Phiên bản di động