Megastory: Hải quan Việt Nam- 75 năm xây dựng và trưởng thành

Ngày 10/9/1945, chỉ 8 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời đã ký sắc lệnh số 27/SL thành lập Sở Thuế quan và thuế gián thu - đánh dấu sự ra đời của Hải quan Việt Nam.

1. Những dấu mốc nổi bật trong 75 năm xây dựng và trưởng thành

Năm 1955: Thành lập Sở Hải quan thuộc Bộ Công Thương

Năm 1958: Ngành Hải quan chuyển giao trực thuộc Bộ Ngoại Thương

Năm 1960: Điều lệ Hải quan văn bản pháp quy tương đối hoàn chỉnh đầu tiên về hải quan được ban hành.

Năm 1962: Đổi tên Sở Hải quan thành Cục Hải quan Trung ương.

Năm 1976: Hội nghị Hải quan toàn quốc lần thứ 1 diễn ra tại TP HCM sau ngày đất nước thống nhất.

Năm 1984: Hội đồng Nhà nước phê chuẩn Nghị quyết số 547/NQ-HĐNN thành lập Tổng cục Hải quan – cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Năm 1990: Pháp lệnh Hải quan ra đời đánh dấu giai đoạn phát triển mới.

Năm 1992: Tiếp nhận, xây dựng và tiến hành thực hiện Hệ thống tự động hóa hải quan (SYDONIA)

Năm 1993: Hải quan Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hội đồng hợp tác hải quan quốc tế (CCC) nay là Tổ chức Hải quan Thế giới.

Năm 1996: Hải quan Việt Nam tham gia chính thức Diễn đàn Hợp tác Á- Âu (ASEM) với tư cách là một thành viên sáng lập.

Năm 1997: Hải quan Việt Nam tham gia công ước KYOTO về đơn giản hoá hài hoà hoá thủ tục hải quan.

Năm 2001: Quốc hội khóa X thông qua Luật Hải quan đầu tiên có hiệu lực từ ngày 1/1/2002.

Năm 2005: Chính thức triển khai thủ tục hải quan điện tử. Cũng trong năm 2005 Quốc hội ban hành Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1/1/2006.

Năm 2014: Luật Hải quan lần thứ 3 được ban hành thay thế Luật Hải quan 2001 và Luật Hải quan 2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan 2001. Trong năm 2014 bắt đầu triển khai chính thức hệ thống VNACCS/VCIS trên toàn quốc.

Năm 2015: Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN chính thức được công bố thực hiện.

Năm 2017: Ngành Hải quan triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Chính thức vận hành Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển (VASSCM).

Tám chữ vàng- Lời căn dặn của Bác

Một tuần sau ngày nước nhà giành được độc lập, xác định rõ tầm quan trọng của công tác thuế quan, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ban hành Sắc lệnh thành lập Sở Thuế quan và Thuế gian thu- tiền thân của ngành Hải quan ngày nay.

Hải quan Việt Nam diễu hành tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2000

Điều lệ Hải quan năm 1960 đánh dấu bước phát triển mới của Hải quan Việt Nam

Do đó, để phù hợp với tình hình thực tế, về lâu dài đòi hỏi phải có những văn bản pháp lý về quản lý kinh tế hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài- các chính sách, thể lệ hải quan cũng nằm trong tình trạng chung đó.

Xuất phát từ yêu cầu chung, ngành Hải quan đã bắt đầu tiến trình dự thảo Điều lệ Hải quan. Trước khi Chính phủ cho phép ban hành, bản Điều lệ Hải quan đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp xem và cho thêm ý kiến. Người đặc biệt quan tâm đến tính chất công tác và phẩm chất của người hải quan cách mạng nhằm phân biệt rõ bản chất của Hải quan Việt Nam với các lực lượng thuế quan của thực dân đế quốc.

Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Hải quan Việt Nam phải có đạo đức “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Lời dạy đó của Bác đối với cán bộ và nhân viên hải quan đã trở thành nội dung ở Điều 6 của Điều lệ Hải quan:

“Nhân viên Hải quan phải có thái độ hòa nhã, tôn trọng hành khách, giữ gìn hàng hóa, nêu cao đạo đức: cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”

Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của Bác và Chính phủ về công tác xây dựng tổ chức bộ máy và ban hành những văn bản pháp quy phù hợp với điều kiện phát triển chung của đất nước, ngành Hải quan đã dần từng bước tiếp cận được các yêu cầu, nhiệm vụ ngày một cao của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan. Và trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, nhiều thế hệ cán bộ, công chức hải quan đã và đang tiếp bước vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.

Bạn đọc hãy cùng Báo Hải quan điểm lại chặng đường 75 năm lịch sử vẻ vang của Hải quan Việt Nam!

Ngày đầu kiên cường đấu tranh bảo vệ chủ quyền ngoại thương và thuế quan (giai đoạn 1945- 1954)

Trong những ngày đầu sau khi giành được chính quyền, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn về tài chính. Nhằm phục vụ tốt chính sách thu thuế, ngày 10/9, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam ký Sắc lệnh số 26/SL:

“Tạm giữ những luật lệ hiện hành của Sở Tổng thanh tra độc quyền muối và thuốc phiện và các Sở Thương chính”.

Bản mộc Sắc lệnh 27/SL thành lập Sở Thuế quan và thuế gián thu

Sắc lệnh 27/SL có chữ ký của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp Trụ sở Sở Thuế quan và thuế gián thu đầu tiên

Cùng ngày Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký tiếp Sắc lệnh số 27/SL thành lập Sở Thuế quan và Thuế gián thu “để đảm nhiệm công việc của Sở Tổng thanh tra độc quyền muối và thuốc phiện và các Sở Thương chính Bắc, Trung và Nam bộ”. Theo đó, nhiệm vụ của Sở Thuế quan và Thuế gián thu là thu các quan thuế nhập cảng và xuất cảnh; thu các thuế gián thu có biên vào số tổng dự toán; thu các món tiền do sự kinh doanh các độc quyền mà có; có thể thu hộ các thuế lặt vặt cho quỹ địa phương, quỹ thành phố hay quỹ các phòng thương mại.

Có thể nói cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền về ngoại thương và thuế quan giữa Chính phủ ta với thực dân Pháp diễn ra căng thẳng và quyết liệt ngay từ sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Và để khẳng định quyền kiểm soát ngoại thương của ta, ngày 9/11/1945 Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 48-TC tuyên bố hủy bỏ Sắc lệnh ngày 13/8/1941 do Tổng thống Pháp ban hành và được nhà cầm quyền Pháp cho thi hành ở Đông Dương. Theo đó, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép mọi nhà kinh doanh Việt Nam đều có quyền kinh doanh xuất nhập cảng theo luật pháp của nước nhà. Tuy nhiên tình hình chính trị, quân sự trong nước diễn biến khá phức tạp gây cho ta nhiều khó khăn trong các hoạt động ngoại thương. Điển hình ngày 29/8/1946 thực dân Pháp ngang nhiên dùng vũ lực tấn công Trụ sở Thuế quan của ta ở Hải Phòng và độc chiếm quyền kiểm soát XNK. Chúng tìm mọi cách xúc tiến việc thiết lập hệ thống kiểm soát thuế quan ở miền duyên hải và các cửa khẩu ở nước ta.

Nếu như tại Hội nghị trù bị Đà Lạt (diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/4/1946) và Phôngtenơblô, thực đân Pháp khăng khăng đòi nắm giữ quyền kiểm soát thuế quan nhưng bị Chính phủ ta kiên quyết phản đối nên phía Pháp đã lấn tới dùng vũ lực để chiếm lấy quyền thu thuế quan và quyền kiểm soát ngoại thương.

Lúc này, hành trình cùng cả dân tộc trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng thuế quan Việt Nam tiếp tục vươn lên đảm nhận những nhiệm vụ mới phục vụ công cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Mặc dù chiến sự ngày càng lan rộng nhưng hoạt động của cơ quan thuế quan trong phạm vi ta quản lý không vì thế mà ngưng trệ. Từ đầu năm 1947 đến tháng 3/1948, hoạt động của các cơ quan thuế quan chủ yếu làm công tác kiểm soát chống buôn lậu hàng ngoại hóa, kiểm soát hàng hóa, tiền bạc của tư thương xuất, nhập giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa thuế quan với công an trong việc kiểm soát ngoại hóa và các thứ hàng lậu càng được quan tâm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp- nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ký lưu niệm vào bản sao Sắc lệnh số 27-SL.

Ngay sau Hội nghị Thuế quan liên khu I và X được tổ chức cuối năm 1949, công tác tổ chức, giáo dục, rèn luyện tư tưởng đạo đức phẩm chất cho các cán bộ, nhân viên thuế quan được đẩy mạnh. Phương pháp làm việc máy móc, chỉ thị, mệnh lệnh, thụ động… dần dần được chấn chỉnh- mọi hoạt động của ngành Thuế quan bắt đầu đi vào quy cũ, nề nếp. Mặc dù vậy, công tác XNK trong thời kỳ này bị hạn chế rất nhiều do tình hình chiến sự diễn ra ngày càng ác liệt và một phần chính sách bao vây kinh tế địch của ta chi phối.

Trong giai đoạn này, hoạt động ngoại thương trong tình hình mới đòi hỏi công tác hải quan phải có nhiều cơ chế và chính sách phù hợp. Do đó, Chính phủ ban hành thêm nhiều văn bản pháp quy quan trọng thuộc lĩnh vực hải quan như: Điều lệ tạm thời về quản lý ngoại thương, sửa đổi biểu thuế XNK…

Có thể nói, thời kỳ này, đội ngũ cán bộ, nhân viên Thuế quan không quản hy sinh gian khổ, vừa tổ chức tham gia chống địch càn quét, vừa đảm bảo công tác thu thuế đạt kết quả tốt trong quá trình đấu tranh với địch để bảo vệ chủ quyền ngoại thương và thuế quan, góp phần xây dựng nền kinh tế kháng chiến, một trong những nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Vững vàng phục vụ nhiệm vụ cách mạng mới (giai đoạn 1954 - 1975)

Trước tình hình chiến tranh lan rộng, chấp hành chỉ thị của Chính phủ, lực lượng Thuế XNK được điều động và chuyển hướng nhiệm vụ tập trung cho công tác tiếp quản. Đây là một công tác hoàn toàn mới và có nhiều khó khăn phức tạp, đòi hỏi ngành Thuế XNK phải có những biện pháp nghiệp vụ và phương thức đấu tranh thích hợp để vừa đấu tranh kinh tế một cách có hiệu quả vừa không để địch lợi dụng, vu cáo Việt Nam vi phạm Hiệp định Giơ ne vơ.

Để ổn định tổ chức, phiên họp thường kỳ tháng 10/1954, Hội đồng Chính phủ đã quyết định chuyển ngành Thuế XNK sang Bộ Công Thương để thành lập ngành Hải quan. Trên tinh thần đó, ngày 15/11/1954 liên Bộ Tài chính- Công Thương có Nghị định số 121/TC-CT-NĐ chuyển ngành Thuế XNK thuộc Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương. Ngày 14/12/1954, Bộ trưởng Bộ Công Thương Phan Anh ký Nghị định số 136/BCT/KB/NĐ thành lập Sở Hải quan thuộc Bộ Công Thương là bước đệm quan trọng để Bộ Công Thương gấp rút soạn thảo các văn bản pháp lý cho việc hình thành và xây dựng bộ máy ngành Hải quan. Và ngày 6/4/1955, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 508-TTg thành lập “Sở Hải quan thuộc Bộ Công Thương”. Sự kiện này đã chính thức hóa về mặt thủ tục hành chính, giao cho hải quan nhiệm vụ “thi hành những luật lệ về quản lý XNK để đảm bảo sự thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển sản xuất nội địa, mở rộng giao lưu hàng hóa trong nước với ngoài nước”.

Đây được xem là nhiệm vụ cơ bản có tính nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam và các điều ước, thông lệ quốc tế về ngoại thương mà nước ta công nhận.

Và để cụ thể hóa nhiệm vụ, ngay trong ngày 6/4/1955, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Nghị định số 73/BCT/NĐ/KB quy định nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy tổ chức của ngành Hải quan. Đây là văn bản quan trọng quy định nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy tổ chức của ngành Hải quan. Việc Sở Hải quan Trung ương ra đời đã thay đổi căn bản về cơ cấu tổ chức và hoạt động của hải quan từ thời chiến sang thời bình, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới. Cũng từ đây, thuật ngữ “Hải quan” được sử dụng chính thức trong các văn bản của Nhà nước từ đó đến nay.

Thời điểm này, xuất phát từ phương hướng nhiệm vụ chung của ngành Ngoại thương, ngành Hải quan cũng phải có những sự chuyển đổi cho phù hợp với những yêu cầu đó.

Một trong những nhiệm vụ cấp bách là từng bước xây dựng lực lượng Hải quan chính quy đáp ứng được các yêu cầu hoạt động ngoại thương ngày một mở rộng.

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, 5 năm vừa khôi phục vừa phát triển kinh tế (1955-1960), Nhà nước đã hoàn toàn nắm giữ các hoạt động ngoại thương. Do yêu cầu thành lập thêm các bộ, cơ quan ngang bộ để tăng cường hiệu quả công tác chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương được chia tác thành Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp. Sau đó Bộ Thương nghiệp được tách thành Bộ Nội thương và Bộ Ngoại thương. Ngành Hải quan cũng được chuyển giao trực thuộc Bộ Ngoại thương và trong tình hình mới đòi hỏi công tác hải quan cũng phải có nhiều cơ chế và chính sách phù hợp.

Từ năm 1958, hoạt động ngoại thương của nước ta không ngừng phát triển, Hải quan có nhiệm vụ giám sát, quản lý, đôn đốc việc thi hành chính sách, thể lệ, thủ tục XNK hàng hóa. Trong đó, ngành Hải quan đã từng bước hoàn thành việc xây dựng các thủ tục, thể lệ và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các thủ tục, thể lệ đó; chấn chỉnh tổ chức… Có thể nói, việc thành lập Sở Hải quan Trung ương thay thế cho ngành Thuế XNK cùng với nhiều văn bản pháp quy chuyên ngành về linh vực hải quan đã góp phần phục vụ chính sách quản lý ngoại thương, ngoại hối, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Xuất phát từ yêu cầu chung, Bộ Công Thương giao Sở Hải quan Trung ương chủ trì tiến hành dự thảo Điều lệ Hải quan và ngày 27/2/1960 Chính phủ ban hành Điều lệ Hải quan. Đây là văn bản pháp quy tương đối hoàn chỉnh đầu tiên về các luật lệ, thủ tục hải quan của Nhà nước ta được công bố, đánh dấu bước phát triển mới của Hải quan Việt Nam. Điều lệ Hải quan đã hoàn chỉnh thêm một bước về hệ thống văn bản pháp quy, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của hoạt động hải quan, từ hoạt động phân tán thiếu sự chỉ đạo thống nhất sang hoạt động chính quy. Đặc biệt, những nội dung cơ bản của Điều lệ là cơ sở pháp lý đảm bảo cho công tác hải quan và cho việc xây dựng các văn bản pháp quy cao hơn của giai đoạn sau.

Một lần nữa, để phù hợp với cơ cấu tổ chức chung, ngày 17/6/1962, Bộ Ngoại thương ban hành Quyết định số 490/BNT-QĐ đổi tên Sở Hải quan trung ương thành Cục Hải quan trung ương.

Hang đá nơi sơ tán của chiến sỹ Hải quan Quảng Ninh luôn vững chắc tay súng, tích cực tham gia chiến đấu trong chiến tranh phá hoạt của đế quốc Mỹ (giai đoạn 1965-1972)

Năm 1965 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào một thời kỳ mới. Lúc này, mọi hoạt động chuyển hướng phù hợp với điều kiện chiến tranh và đảm bảo đúng pháp luật, duy trì nề nếp chính quy của từng khâu nghiệp vụ nhằm tạo đà cho việc xây dựng ngành Hải quan lâu dài. Có thể nói, trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc, lực lượng Hải quan Việt Nam không chỉ đóng góp mồ hôi công sức mà còn cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình. Nhiều cán bộ hải quan đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ để bảo vệ hàng hóa, tài sản của Nhà nước được an toàn.

CBCC Trạm Hải quan đường sắt quốc tế Yên Viên- đơn vị lao động xã hội chủ nghĩa đầu tiên của Sở Hải quan Hà Nội (tháng 4/1972)

Với niềm tự hào trước chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc, Hải quan Việt Nam đã sẵn sàng bước vào giai đoạn mới của công cuộc xây dựng đất nước trong điều kiện Tổ quốc, non sông thu về một mối với những thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức mới.

Cùng đất nước thống nhất lực lượng Hải quan cả nước (giai đoạn 1975 - 1986)

Trong bầu không khí của mùa xuân chiến thắng, lực lượng Hải quan Việt Nam cùng với các bộ, ngành khẩn trương bắt tay vào công cuộc thống nhất lực lượng trên phạm vi cả nước, nhanh chóng triển khai các hoạt động chuyên môn nhằm đáp ứng với những đòi hỏi cấp bách của đất nước sau ngày thống nhất.

Để bộ máy Hải quan miền Nam có thể hoạt động một cách hiệu quả, trong một thời gian ngắn, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã ban hành Điều lệ Hải quan (trên cơ sở Điều lệ Hải quan Việt Nam được ban hành năm 1960) và Biểu thuế XNK của Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Từ xuất phát điểm bắt nguồn do những thay đổi to lớn và căn bản của bối cảnh đất nước và nhất là dựa trên tinh thần Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành TW Đảng và Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất, ngành Hải quan Việt Nam lúc này đã có sự chuyển biến cần thiết và kịp thời. Để đáp ứng với đòi hỏi khách quan của thực tiễn, Bộ Ngoại thương đã quyết định hợp nhất lực lượng hải quan hai miền. Trên tinh thần đó, Hội nghị Hải quan toàn quốc lần thứ I được tổ chức từ ngày 12/8/1976 tại TP Hồ Chí Minh. Việc tổ chức hội nghị nhằm triển khai công tác toàn ngành lúc này là sự chuyển biến mới có tính chất bước ngoặt trong quá trình xây dựng, củng cố và phát triển của lực lượng Hải quan Việt Nam. Với sứ mệnh đó, Hội nghị Hải quan toàn quốc lần thứ I đã chú trọng đến mục tiêu thống nhất tổ chức ngành Hải quan trên phạm vi cả nước và đưa ra những nguyên tắc cơ bản cho hoạt động của Ngành. Hội nghị cũng đã tập trung tinh thần, sức lực và trí tuệ đề ra phương hướng và nhiệm vụ của ngành Hải quan thống nhất trong cả nước.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975

Dựa trên những mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể, ngành Hải quan đã nhanh chóng tiến hành hệ thống hóa các thủ tục, luật lệ hải quan, bổ sung và xây dựng một số chính sách, thể lệ mới, bao gồm việc xác định lại tính chất, chức năng, nhiệm vụ, hệ thống tổ chức bộ máy hải quan trong cả nước, phương hướng đào tạo lực lượng, chế độ chính sách đãi ngộ của ngành Hải quan.

Và ngày 19/7/1978, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương ban hành Thông tư số 147-BNT/TCCB quy định chế độ trang phục của Hải quan Việt Nam.

Một dấu mốc nổi bật trong quá trình phát triển của Ngành phải kể đến ngày 30/8/1984 Hội đồng Nhà nước ra Nghị quyết 547/NQ-HĐNN phê chuẩn thành lập Tổng cục Hải quan, cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Việc thành lập Tổng cục Hải quan vào thời điểm này là nhằm nâng cao vai trò, chức năng của ngành Hải quan- đây cũng là sự kiện đánh dấu bước chuyển mới trên chặng đường xây dựng và phát triển của Hải quan Việt Nam. Tiếp sau đó, ngày 20/10/1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 139/HĐBT quy định chức năng, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Hải quan Việt Nam.

Cùng với việc thành lập Tổng cục Hải quan, vấn đề củng cố nội bộ ngành cũng như việc tăng cường kỷ cương trong hoạt động nghiệp vụ nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và lập lại trật tự kinh tế- chính trị- xã hội trở thành yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, lúc này việc chọn người đứng đầu Tổng cục Hải quan đã được Bộ Chính trị Ban Bí thư TW Đảng rất quan tâm. Do đó, ngày 13/12/1984, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đa lý Quyết định 418/CP bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Tài, Phó Chủ nhiệm Thanh tra Nhà nước giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đầu tiên.

Như vậy, thông qua Nghị định số 139/HĐBT, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định cụ thể những nhiệm vụ, quyền hạn của ngành Hải quan, khẳng định Hải quan là cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) là công cụ chuyên chính nửa vũ trang, thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của công tác hải quan.

Nghị định cũng khẳng định bằng văn bản pháp luật về tính chất công tác hải quan, xác định về vai trò, vị trí của Hải quan Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phục vụ công tác đối ngoại. Việc ban hành Nghị định 139/HĐBT đã có ý nghĩa quan trong cả về mặt lý luận cũng như đối với thực tiễn của công tác hải quan.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Tài trao Bằng khen cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong năm 1985 tại Hội nghị ngành Hải quan đầu năm 1986

Sở Hải quan Trung ương tại số 159 Bà Triệu- Tp Hà Nội (giai đoạn 1954 đến năm 1986)

Học viên Hải quan tham gia tập huấn nghiệp vụ do Sở Hải quan Trung ương tổ chức

Đoàn đại biểu Tổng cục Hải quan Việt Nam tại Hội nghị Hải quan các nước XHCN lần thứ 27 tại TP.HCM (9/1986)

Ngay từ thời điểm thành lập, Tổng cục Hải quan đã nhanh chóng tiến hành công việc chuyển giao và ổn định tổ chức trong toàn ngành. Theo đó, bắt đầu từ tháng 2/1985, bộ máy Tổng cục Hải quan chính thức triển khai hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức mới. Thời điểm này, Tổng cục Hải quan tiến hành đổi tên các chi cục hải quan thành các cục hải quan tỉnh, thành phố và thành lập một số đơn vị mới.

Đi lên đổi mới, từng bước hội nhập (giai đoạn 1987-2005)

Những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, Việt Nam bước vào một giai đoạn ngày càng khó khăn, phức tạp. Cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế ở trong nước, quan hệ đối ngoại, đặc biệt là kinh tế đối ngoại gặp rất nhiều khó khăn. Đứng trước sự suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế, Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI diễn ra đã khởi động đường lối đổi mới toàn diện đất nước.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Tài phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết ngành Hải quan năm 1988.

Những thay đổi trong đường lối quản lý kinh tế, theo tinh thần đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế đặt ra cho ngành Hải quan nhiệm vụ phải phát triển, tự đổi mới mình, từ đội ngũ, phương thức quản lý tới phương pháp, phong cách làm việc và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiệp vụ để có thể đáp ứng được những yêu cầu của thời kỳ mới.

Hoạt động tại khu vực máy soi hành lý của Hải quan Nội Bài năm 1989

Cán bộ nhân viên ngành Hải quan vui mừng đón đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm và làm việc với ngành HQ 28/02/1994

Trụ sở Tổng cục Hải quan tại 162 Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội (giai đoạn 1988-2012)

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thăm và kiểm tra công tác HQ tại cửa khẩu Lao Bảo Quảng Trị 1993

Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện, lập biên bản đối với người XK trái phép cổ vật.

Việc trang bị các thiết bị kiểm tra hiện đại thay thế kiểm tra thủ công cũng đã được ngành quan tâm chú trọng. Năm 1992 được sự giúp đỡ của Chính phủ Pháp, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và tiến hành đề án tin học SYDONIA (Hệ thống tự động hoá Hải quan). Kể từ đó đến nay, ngành Hải quan đã ứng dụng CNTT vào các khâu hoạt động nghiệp vụ, góp phần thay đổi tư duy, phong cách làm việc từ môi trường thủ công sang môi trường hiện đại hoá. Nhờ đó cũng tạo ra sự nhất quán trong việc áp dụng quy trình nghiệp vụ tại các điểm làm thủ tục hải quan trên toàn quốc. Đặc biệt, các hệ thống CNTT của ngành Hải quan đã tạo ra một cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hoá XNK, giúp cơ quan Hải quan lập các báo cáo thống kê định kỳ một cách đầy đủ, chính xác.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm và làm việc tại của khẩu Móng Cái, Tỉnh Quảng Ninh( 28/10/2001)

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh chụp ảnh lưu niệm với Ban soạn thảo Luật Hải quan 2001, nhân dịp Luật được biểu quyết thông quan tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa X

Ông Phan Diễn - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư thừa ủy quyền trao Huân chương Hồ Chí Minh (lần 2) cho Hải quan Việt Nam năm 2005

Bước sang đầu thế kỷ 21, sau những cuộc cải cách mạnh mẽ trong những năm 90 của thế kỷ trước và việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào công tác nghiệp vụ, Hải quan Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước và tác động tích cực tới tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam với khu vực và thế giới. Trong tiến trình cải cách, trình độ, năng lực của cán bộ công chức hải quan được nâng lên một bước, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được tăng cường. Đặc biệt, xuất phát từ tình hình thực tế, từ năm 1993, Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Hải quan soạn thảo dự án Luật Hải quan nhằm đáp ứng xu thế hội nhập và tháng 6/2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký lệnh công bố Luật Hải quan (có hiệu lực từ ngày 1/1/2002) đã tạo cơ sở pháp lý cho những bước phát triển tiếp theo của ngành Hải quan. Đây cũng là cơ sở để Hải quan Việt Nam tiếp cận với kỹ thuật hải quan hiện đại để có thể tiến kịp trình độ chung của hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới.

Có thể nói, thông qua việc mở rộng quan hệ quốc tế nhiều chiều, nhiều lĩnh vực, theo hướng “đa phương hoá, đa dạng hoá” và muốn làm bạn với tất cả các nước” của Đảng và Nhà nước, hoạt đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hải quan Việt Nam trong những năm đổi mới đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng, vừa mở rộng được quan hệ hợp tác với hải quan các nước vừa bảo vệ được chủ quyền kinh tế, an ninh của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ trong Ngành có cơ hội tiếp xúc, nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nghiệp vụ.

Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hoá thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế (Giai đoạn 2005 đến nay)

Nối tiếp sự phát triển vượt bậc trong ứng dụng CNTT vào quy trình nghiệp vụ. Trước yêu cầu tiếp tục tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, Hải quan Việt Nam coi công tác hiện đại hoá, đổi mới các hoạt động nghiệp vụ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Hải quan Việt Nam đã chủ động triển khai áp dụng thủ tục hải quan điện tử vào tất cả các khâu nghiệp vụ; sử dụng phương tiện hiện đại trong hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; tăng cường hợp tác quốc tế trên nhiều mặt….

Trong các văn bản pháp luật hải quan đã nội luật hoá nhiều chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để ngành Hải quan triển khai áp dụng nhiều quy định mới về quản lý hải quan. Trong đó, Hải quan Việt Nam đã chủ trì, trình Quốc hội ban hành Luật Hải quan năm 2005 về cơ bản đã đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, nội luật hoá các chuẩn mực quốc tế theo lộ trình cam kết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bổ sung những quy định của pháp luật quốc gia phù hợp với yêu cầu thực tiễn… Luật Hải quan 2005 cho phép cơ quan Hải quan được chuyển từ phương pháp quản lý hải quan truyền thống sang phương thức quản lý hiện đại.

Cụ thể, Hải quan Việt Nam đã đẩy mạnh đơn giản hoá giảm bớt các khâu, các bước trong thủ tục, kiểm tra, giám sát hải quan và thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử, rút ngắn tối đa thời gian thông quan, giảm chi phí cho DN, đảm bảo công tác thu NSNN được cộng đồng DN đánh giá cao.

Lễ khánh thành địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung bằng máy soi container

Cú hích mang tính đột phá cho quá trình hiện đại hoá của ngành Hải quan bằng việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 149/2005/QĐ-TTg chính thức thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử. Thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử đã tác động tích cực đối với công tác quản lý hải quan. Hầu hết các DN đều đồng tình, ủng hộ chủ trương mở rộng thủ tục hải quan điện tử, đánh giá cao và tích cực ứng dụng phương pháp này.

Cùng thời gian này, ngành Hải quan đã triển khai một loạt phương pháp quản lý mới hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế như: áp dụng hệ thống quản lý rủi ro, xác định trị giá hải quan, tăng cường kiểm tra sau thông quan, khuyến khích phát triển đại lý làm thủ tục hải quan… đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Chính thức triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 năm 2017

Đặc biệt, giai đoạn 2006-2010, Hải quan Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trang thiết bị vào kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, góp phần giải toả được ách tắc hàng hoá tại cửa khẩu lớn cũng như tại khâu đối chiếu nợ thuế. Song song với đó, một loạt các đề án ký thoả thuận, hợp tác trong thu thuế điện tử với các ngân hàng thương mại, kho bạc và với các cơ quan liên quan được triển khai đồng bộ.

Lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng Ban soạn thảo Luật Hải quan khi được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7 năm 2014 thông quan với số phiếu rất cao.

Quang cảnh Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 24, tại Brunei, ngày 20/5/2015

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Thứ trưởng Cấp cao Bộ Tài chính Nhật Bản Jiro Aichi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đỗ Hoàng Anh Tuấn cắt băng tại Lễ Bản giao Hệ thống VNACCS-VCIS ngày 25/4/2014

Với lưu lượng hàng hoá XNK, hành khách, phương tiện xuất nhập cảnh tăng lên không ngừng, nhưng thủ tục hải quan luôn được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phát triển nền kinh tế đất nước.

Hệ thống máy soi container cố định tại Cục Hải quan Hải Phòng

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc trực tiếp kiểm tra thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS tại Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng KV II ngày 22/4/2014

Hải quan Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu NSNN hàng năm- số thu năm sau luôn cao hơn năm trước đã góp phần quan trọng cân đối thu- chi trong NSNN, đảm bảo lành mạnh nền tài chính quốc gia. Để tạo điều kiện tối đa cho DN, năm 2017, ngành Hải quan triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 và năm 2019 trên nền tảng này, Tổng cục Hải quan triển khai Chương trình DN nhờ thu.

Lễ khai trương chính thức thực hiện Hệ thống VASSCM tại Hải Phòng tháng 12/2017.

Hải quan Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả nhiều quy trình nghiệp vụ mang tính đột phá, hỗ trợ đắc lực và đem lại nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai các quy trình nghiệp vụ.

Theo đó, ngành Hải quan luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan chức năng, DN và người dân đánh giá là một trong những ngành dẫn đầu về cải cách thủ tục hành chính.

Song song với đó, Hải quan Việt Nam luôn luôn xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng ngày càng vững mạnh, chính quy, hiện đại, hoạt động có hiệu quả, không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Xuân Phúc thăm Trung tâm chỉ huy trực tuyến tại Tổng cục Hải quan. Hệ thống máy soi container cố định tại Cục Hải quan Hải Phòng

Đặc biệt, trong công tác chống buôn lậu mà Đảng và Nhà nước giao cho ngành Hải quan từ những ngày đầu thành lập. Trên mặt trận gian khó, quyết liệt đầy cạm bẫy cũng như hiểm nguy, Hải quan Việt Nam đã góp phần đắc lực cho việc giữ vững an ninh, chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh kinh tế, xã hội của đất nước và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các DN, góp phần đưa các hoạt động XNK tuân thủ pháp luật.

Cùng với sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế chung của cả nước, trong 75 năm qua, ngành Hải quan đã khẳng định rõ nét vai trò “người gác cửa nền kinh tế đất nước”- điều này thể hiện bằng sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của toàn thể CBCC trong toàn ngành Hải quan.