e magazine
12:22 | 31/10/2022
MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM

12:22 | 31/10/2022

(HQ Online) - Cục Hải quan TPHCM đang quản lý hoạt động về hải quan trên địa bàn với 16 cảng biển, hàng không lớn, nhỏ, với khoảng 180 hãng tàu biển đang hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển; hơn 55 hãng hàng không đang khai thác; trên 50.000 doanh nghiệp thường xuyên hoạt động XNK tại địa bàn TPHCM. Hàng năm, Cục Hải quan TPHCM thu nộp ngân sách chiếm tỉ lệ gần 40% số thu của toàn ngành...
MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM

Cục Hải quan TPHCM đang quản lý hoạt động về hải quan trên địa bàn với 15 cảng biển, lớn, nhỏ và một cảng hàng không quốc tế, với khoảng 180 hãng tàu biển đang hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển; hơn 55 hãng hàng không đang khai thác; trên 50.000 doanh nghiệp thường xuyên hoạt động XNK tại địa bàn TPHCM. Hàng năm, Cục Hải quan TPHCM thu nộp ngân sách chiếm tỉ lệ gần 40% số thu của toàn ngành...

Để đáp ứng yêu cầu công việc của đơn vị Hải quan lớn nhất toàn ngành, Cục Hải quan TPHCM bền bỉ trong nhiều năm qua thực hiện cải cách thủ tục, hiện đại hóa hải quan và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, là tiền đề để Hải quan TPHCM và toàn ngành tiến tới Hải quan số, Hải quan thông minh…

MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM

Trong câu chuyện giữa lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM với phóng viên Tạp chí Hải quan về chuyển đổi số mới đây đã mở ra nhiều điều thú vị về tầm nhìn, hướng đi của một đơn vị đầu tàu của ngành Hải quan trong những năm gần đây để chinh phục công cuộc chuyển đổi số trong thời kỳ phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cục Hải quan TPHCM được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động về hải quan trên địa bàn có hệ thống cảng biển lớn, gồm 15 cảng lớn, nhỏ; một cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; Chuyển phát nhanh quốc tế, các khu chế xuất, khu công nghệ cao, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp gia công... Trên tuyến đường biển, có khoảng 180 hãng tàu biển đang hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, mỗi năm có khoảng 10.000 chuyến tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh. Còn tuyến hàng không với hơn 55 hãng hàng không đang khai thác chiếm tỉ lệ 66% của cả nước. Tại địa bàn TPHCM có trên 50.000 doanh nghiệp trong nước và hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên hoạt động XNK qua các cửa khẩu TPHCM. Số thu nộp ngân sách hàng năm của Cục Hải quan TPHCM mỗi năm một tăng, chiếm tỉ lệ gần 40% số thu của toàn Ngành.

MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thị sát khu vực giám sát trực tuyến của Hải quan TPHCM trong lần tới thăm và làm việc với đơn vị năm 2019.

Thực hiện khối lượng công việc ngày một tăng trong điều kiện số lượng biên chế của đơn vị giảm dần theo từng năm, Cục Hải quan TPHCM đã nghiên cứu, xây dựng và áp dụng thành công nhiều chương trình quản lý bằng ứng dụng công nghệ thông tin, mang lại hiệu quả cao trong công việc, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động XNK, đầu tư, gia công của doanh nghiệp và hoạt động của hành khách, phương tiện tàu biển, máy bay xuất nhập cảnh.

Có mặt tại cổng B cảng Cát Lái vào ngày cuối tuần tháng 9/2022, chúng tôi chứng kiến hàng chục chiếc xe container nối đuôi nhau đều đều chạy qua cổng cảng, không phải xếp hàng chờ đợi làm thủ tục như trước đây. Ông Đặng Bùi Việt, Đội trưởng Đội Kiểm soát Giám sát hải quan - Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe chở container hàng hóa ra vào cảng, nhưng thủ tục giám sát được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống phần mềm, chỉ cần 1-2 công chức thực hiện công việc giám sát bằng hệ thống phần mềm giám sát, thay vì cả gần chục công chức như trước đây. Cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan đều không mất nhiều thời gian để thực hiện.

Chia sẻ về lợi ích này, ông Trần Xuân Hiệp, Công ty TNHH Hóa chất Navy cho biết, trước đây, khi vận chuyển hàng ra khỏi cảng, doanh nghiệp phải mang bộ hồ sơ giấy đã hoàn thành thủ tục hải quan, cùng lệnh xuất kho đến Đội giám sát hải quan để thực hiện thủ tục đóng dấu, sau đó, khi hàng ra cổng cảng, doanh nghiệp tiếp tục xuất trình cho Hải quan giám sát cổng để đóng dấu mới hoàn tất. Tuy nhiên, hiện nay, công việc này đều được cơ quan Hải quan thực hiện trên hệ thống phần mềm giám sát tự động nên doanh nghiệp không phải mất thời gian thực hiện các thủ tục như trước đây.

MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Tổng cục trưởng TCHQ Nguyễn Văn Cẩn tôn vinh các doanh nghiệp tiêu biểu làm thủ tục tại Hải quan TPHCM.

Đây là kết quả của việc triển khai Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế theo Kế hoạch của Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính năm 2017 mà Cục Hải quan TPHCM là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chọn thí điểm thực hiện vào đầu năm 2018. Với chương trình tích hợp nhiều chương trình quản lý hiện đại, Hệ thống này đã giúp cơ quan Hải quan theo dõi chặt chẽ kịp thời quá trình di chuyển, biến động và tình trạng hàng hóa từ khi vào đến khi ra khỏi cảng, kho hàng, cũng như quá trình vận chuyển giữa các địa điểm chịu sự giám sát của Hải quan.

MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM

Sau gần 5 năm triển khai hệ thống đã tạo ra bước đột phá trong công tác quản lý hải quan tại cảng biển, cảng hàng không, rút ngắn thời gian và chi phí của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường công tác quản lý của cơ quan Hải quan, nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp, ngăn ngừa gian lận thương mại và buôn lậu. Hệ thống này đến nay đã tăng tính tự động trong việc kết nối cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp; hài hoà giữa quy trình giám sát quản lý của cơ quan Hải quan và quy trình vận hành khai thác của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng; giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp XNK, tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan Hải quan.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng được hưởng lợi khi có đầy đủ thông tin về tình trạng cấp phép thông quan từ cơ quan Hải quan đối với từng lô hàng để cho hàng ra- vào khu vực giám sát hải quan theo quy định của pháp luật, giảm thiểu rủi ro so với thực hiện chứng từ giấy. Phía doanh nghiệp XNK, giảm thủ tục nhận hàng khi không phải xuất trình chứng từ để cơ quan Hải quan đối chiếu, kiểm tra như trước đây, cho nên sẽ giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Rời cảng Cát Lái, chúng tôi trở về Cục Hải quan TPHCM, nơi làm việc của các phòng tham mưu. Ông Lã Việt Hùng, Trưởng Trung tâm Công nghệ thông tin- Cục Hải quan TPHCM cho biết, các phòng tham mưu và các chi cục sử dụng một chương trình phần mềm ứng dụng do Cục Hải quan TPHCM xây dựng năm 2018 rất hữu ích, đó là Hệ thống HCAS. HCAS mang tính đột phá trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CNTT tích hợp, đa nền tảng, kết nối quản lý hành chính nội bộ với chỉ đạo điều hành và hỗ trợ xử lý nghiệp vụ (dữ liệu giá, tra cứu mã số HS nhanh, tra cứu văn bản, phân tích phân loại, quản lý rủi ro, mang hàng về bảo quản, báo cáo quyết toán, theo dõi trạng thái tờ khai tại các khâu trong quy trình nghiệp vụ...), theo dõi kết luận chỉ đạo của Lãnh đạo các cấp.

Bên cạnh đó, Hệ thống HCAS còn hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cục Hải quan TPHCM với các sở, ban ngành trên địa bàn TPHCM; kết nối hoạt động nghiệp vụ với hỗ trợ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp XNK; giao dịch của cơ quan Hải quan và DN thông qua giao dịch điện tử...

Cũng theo ông Lã Việt Hùng, cái hay của Hệ thống HCAS là lãnh đạo các cấp của Hải quan TPHCM có thể điều hành hoạt động của đơn vị mọi lúc, mọi nơi thông qua Hệ thống CNTT. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có thể giám sát mọi hoạt động của Cục Hải quan TPHCM. Việc trao đổi và cung cấp thông tin của các ban ngành TPHCM được nhanh chóng. DN có thể được hỗ trợ thông tin kịp thời thông qua các giao dịch điện tử. Công chức hải quan được hỗ trợ công cụ để tác nghiệp nhanh hơn, rút ngắn thời gian thông quan.

MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM

Các đại biểu bấm nút triển khai Đề án "Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái".

Một chương trình ứng dụng nữa, không thể không kể đến, đó là Đề án “Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và chống ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái”. Cảng Cát Lái là cảng biển có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất cả nước hiện nay, chiếm khoảng 60% lượng hàng hóa qua các cảng biển phía Nam. Có những giai đoạn hàng hóa tại cảng Cát Lái ùn ứ nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của cảng, hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ngay từ cuối năm 2019, Cục Hải quan TPHCM đã xây dựng và triển khai Đề án “Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và chống ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái” với mục đích giảm tối đa thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp có kim ngạch XNK lớn, chấp hành tốt pháp luật hải quan. Đối tượng được lựa chọn tham gia Đề án là đại lý hải quan và 200 doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan…

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, sau hơn 2 năm triển khai, Đề án đã tạo bước đột phá mới thể hiện sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM, cụ thể hóa chỉ đạo của lãnh đạo các cấp trong việc cải cách nhanh, hiện đại hóa mạnh, xây dựng hệ thống dịch vụ tiện ích về hải quan, hiện thực hóa mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng/năm. Qua đó nâng cao khả năng liên kết vùng, gia tăng khả năng lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng Cát Lái đến khu vực vành đai và các tỉnh lân cận. Đề án này đang được Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam quan tâm, phối hợp với Cục Hải quan TPHCM mở rộng phạm vi áp dụng…

Đó chỉ là ba trong nhiều chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý của Cục Hải quan TPHCM đang triển khai. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, Cục Hải quan TPHCM đang vận hành ổn định, thông suốt 28 phần mềm do Tổng cục Hải quan phát triển thuộc các nhóm chính: Nhóm phần mềm lõi của hệ thống thông quan tự động, trong đó có hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; Nhóm phần mềm vệ tinh hỗ trợ thông quan gồm 4 phần mềm; Nhóm phần mềm hỗ trợ ra quyết định gồm 17 phần mềm; Nhóm phần mềm hỗ trợ công tác đặc thù cho từng đơn vị chức năng gồm 6 phần mềm. Những phần mềm ứng dụng này sẽ là tiền đề để Cục Hải quan TPHCM hướng tới con đường chuyển đổi số.

MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM
MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM

Theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM, những kết quả trên xuất phát từ sự nỗ lực, đồng hành của Hải quan TPHCM và cộng đồng doanh nghiệp từ nhiều năm nay, được xây dựng trên nền tảng: Thái độ phục vụ và niềm tin.

Được xem là lực lượng tiên phong trong tiến trình hội nhập, kể từ khi thành lập đến nay, đặc biệt trong những năm gần đây, Hải quan TPHCM luôn chú trọng xây dựng hình ảnh về một lực lượng chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó đặc biệt xây dựng thái độ phục vụ ngày càng hài hòa, bền vững giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp.

Quản lý và làm thủ tục cho trên 50.000 doanh nghiệp XNK, Cục Hải quan TPHCM luôn lấy doanh nghiệp làm mục tiêu xây dựng các giải pháp cải cách để phục vụ doanh nghiệp được thuận lợi nhất. Đây cũng là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp đặt niềm tin vào cải cách, hiện đại hóa, cũng như công cuộc chuyển đổi số tới đây của đơn vị.

MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM

Trong câu chuyện cởi mở với chúng tôi, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, chia sẻ: Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn là doanh nghiệp đồng hành cùng Cục Hải quan TPHCM thực hiện nhiều đề án ứng dụng CNTT trong công tác tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa. Trong nhiều năm qua, Cục Hải quan TPHCM luôn chủ động đi đầu trong ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, cũng như các khâu nghiệp vụ hải quan. Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã phối hợp cùng Cục Hải quan TPHCM triển khai nhiều chương trình quản lý hiện đại, như: ứng dụng giám sát hải quan; đề án tạo thuận lợi thương mại tại cảng Cát Lái; hệ thống máy soi container hàng hóa... Các ứng dụng này đã nhận được sự đánh giá tích cực của các doanh nghiệp vì mang lại hiệu quả thiết thực, cắt giảm nhiều khâu thủ công. Đồng hành thực hiện các chương trình tiện ích, nhiều doanh nghiệp hoạt động XNK cũng ghi nhận và đánh giá cao những tiện ích về các chương trình ứng dụng hiện đại hóa của Cục Hải quan TPHCM. Chúng tôi rất hài lòng về thái độ phục vụ tận tình của Hải quan TPHCM.

Ông Bernardo Bautista, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Quốc gia, Công ty Chuyển phát nhanh quốc tế DHL Express Việt Nam không giấu được niềm vui, cho biết: Trong những năm gần đây, ngoài việc cải cách và đơn giản hóa các thủ tục, Cục Hải quan TPHCM còn ứng dụng nhiều chương trình quản lý hiệu quả, ví dụ như giải pháp đồng bộ, cấp số và trả lời tự động đối với các hồ sơ của doanh nghiệp Chuyển phát nhanh và Bưu chính. Trước khi có ứng dụng này, chúng tôi tốn khá nhiều thời gian và công sức do phải thực hiện thủ công tất cả thủ tục giấy tờ liên quan đến các lô hàng nhập khẩu bằng cách in và nộp trực tiếp cho cơ quan Hải quan. Với ứng dụng trên nền tảng quản lý HCAS của cơ quan Hải quan, mọi quy trình đều được điện tử hóa, nhờ đó các hồ sơ được xử lý ở dạng điện tử và phản hồi được gửi nhanh chóng qua email. Với các doanh nghiệp có lưu lượng hàng hóa lớn cần khai thác như DHL, ứng dụng này đặc biệt hữu ích bởi tính kết nối cao, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Chúng tôi luôn đặt niềm tin vào cải cách và tiến trình chuyển đổi số tới đây của Cục Hải quan TPHCM.

MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM

MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM
Doanh nghiệp tra cứu thông tin trên hệ thống phần mềm.

Là doanh nghiệp lớn, mỗi ngày làm thủ tục cho khoảng 200-300 tờ khai hải quan, ông Lương Minh Trí, Trưởng phòng XNK, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam tâm sự: “Nếu không có các ứng dụng phần CNTT của cơ quan Hải quan, cũng như sự hỗ trợ của công chức Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TPHCM), công ty chúng tôi không thể thực hiện được việc khai báo, làm thủ tục đối với số tờ khai hải quan lớn như vậy. Hiện nay, việc thực hiện thủ tục hải quan đều được công ty thực hiện trên hệ thống điện tử, chỉ những trường hợp lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến các chứng từ kiểm tra chuyên ngành..., chúng tôi mới phải thực hiện trực tiếp tại chi cục hải quan. Sắp tới, Cục Hải quan TPHCM nói riêng và ngành Hải quan nói chung triển khai đề án Hải quan số, Hải quan thông minh, chắc chắn thủ tục hải quan sẽ được thuận lợi và nhanh chóng hơn nữa, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh...”

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đánh giá cao công tác cải cách thủ tục, hỗ trợ của Cục Hải quan TPHCM với cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động XNK. Sự hỗ trợ của Cục Hải quan TPHCM đối với cộng đồng doanh nghiệp ngày càng rõ nét, hiệu quả thông qua việc ứng dụng các chương trình quản lý hiện đại của cơ quan Hải quan. “Hiện nay, hầu hết các khâu thủ tục hải quan từ khai báo hải quan, kiểm tra, thông quan… đều được thực hiện qua hệ thống máy móc, phần phềm ứng dụng, nên thời gian thông quan rất nhanh chóng, tiện lợi”- ông Lê Duy Hiệp nhận xét.

MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM

Trở lại câu chuyện về Hải quan số, trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM tự tin cho rằng, với nền tảng hiện đại hóa đã có, Cục Hải quan TPHCM đang chuẩn bị kỹ các bước sẵn sàng cho thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và nhất định sẽ thành công.

Trước bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, lưu lượng hàng hoá lưu thông giữa các nước ngày càng gia tăng; cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ,... đặt ra yêu cầu cơ quan Hải quan phải áp dụng phương thức quản lý mới tiên tiến, hiện đại với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại tối đa cho doanh nghiệp. Thực hiện Quyết định số 707/QĐ-TCHQ ngày 04/5/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mới đây, Cục Hải quan TPHCM đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với từng mục tiêu cụ thể.

MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM
Công chức Hải quan TP Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa XNK.
MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM

Về hạ tầng công nghệ thông tin, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho biết sẽ đảm bảo trang thiết bị CNTT đồng bộ và hoạt động 24/7 đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng, kết nối, tích hợp các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác quản lý giám sát hải quan (camera, seal định vị, cân điện tử...).

Về nghiệp vụ hải quan, Cục Hải quan TPHCM phấn đấu triển khai thành công Hải quan số theo lộ trình của Tổng cục Hải quan, theo hướng thủ tục hải quan sẽ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện. Quản lý hoạt động hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Trong đó, 100% hồ sơ thuộc bộ chứng từ hải quan được số hoá, chuyển sang dữ liệu điện tử và xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc bí mật nhà nước). 100% thủ tục hành chính được cập nhật công khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tối đa thủ tục được cung cấp dịch vụ công mức độ 4 và được thực hiện trên nhiều phương tiện khác nhau, mọi lúc, mọi nơi.

Còn với quản trị và điều hành nội bộ, đơn vị sẽ đẩy mạnh triển khai môi trường làm việc điện tử; hướng tới môi trường phi giấy tờ thông qua việc sử dụng chữ ký số, đảm bảo 100% văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc phạm vi bí mật nhà nước)…

Thực hiện những bước tiến trên, doanh nghiệp sẽ được tiếp nhận, trao đổi thông tin, tra cứu theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính, trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan với các tổ chức cá nhân trên môi trường số. Đồng thời, doanh nghiệp được tiếp nhận và trao đổi các thông tin liên quan đến quá trình thực hiện thủ tục hải quan, quản lý nhà nước về hải quan với ngân hàng, các bộ, ngành, cơ quan liên quan trên hệ thống CNTT.

MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM

Với khát vọng đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng những mô hình mới, Hải quan TPHCM luôn sẵn sàng là đơn vị đi đầu trong triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh với 3 trụ cột chính là: con người, công nghệ và pháp lý.

Nói về con người, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho rằng, để tiến tới hải quan số, hải quan thông minh thì một trong những vấn đề quyết định đó là nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nhận thức của cán bộ công chức về chuyển đổi số. Đồng thời, rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng hiện đại, tập trung, chuyên nghiệp, chuyên sâu. Phát triển nguồn nhân lực tinh thông nghiệp vụ, liêm chính, chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình hải quan thông minh và các nhiệm vụ chính trị của ngành Hải quan.

Về công nghệ, Hải quan TPHCM cần phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, có thể kết nối và liên thông dữ liệu với hệ thống hải quan thông minh như hệ thống giám sát bằng hình ảnh có khả năng nhận diện đối tượng, hệ thống định vị thông minh phát hiện sự thay đổi bất thường của đối tượng cũng như các hệ thống máy soi hành lý, hàng hóa tích hợp trí tuệ nhân tạo…

MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM
Công chức Cục Hải quan TPHCM phân tích hình ảnh qua máy soi.

Còn với trụ cột pháp lý, theo lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM, cần phải có hành lang pháp lý mới phù hợp để chuyển đổi mô hình hiện tại lên mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh mà ở đó thông quan và xử lý tập trung, phân tích thông tin tập trung là lựa chọn cần thiết. Hải quan Thành phố đã cử các chuyên gia nghiên cứu các tài liệu của Tổng cục Hải quan, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, hoàn thiện các bài toán nghiệp vụ; xây dựng chuẩn giao tiếp thông tin; hoàn thiện cơ sở pháp lý trên cơ sở rà soát sửa đổi, bổ sung toàn diện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình thủ tục hải quan.

Để đạt được kế hoạch chuyển đổi số với các mục tiêu đề ra như trên, Cục Hải quan TPHCM sẽ triển khai hàng loạt giải pháp trong thời gian tới, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường mối quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp; nâng cao vai trò người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan theo xu hướng số hóa thông tin, dữ liệu. Phối hợp tổ chức các chương trình trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp về xu thế và tính tất yếu của chuyển đổi số hiện nay trong doanh nghiệp; ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng nguồn dữ liệu mở để khai thác các giá trị nhằm phát triển doanh nghiệp trong thời đại số.

Cục cũng có kế hoạch tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, có kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng làm việc trên môi trường số, có kỹ năng khai thác, thống kê nhà nước về hải quan, năng lực phân tích, xử lý dữ liệu số. Tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyên sâu về hệ thống CNTT dựa trên công nghệ 4.0 cho CBCC và đội ngũ làm công tác tin học đáp ứng yêu cầu triển khai, quản lý, vận hành, đảm bảo an ninh an toàn hệ thống nghiệp vụ Hải quan trên môi trường số. Đồng thời, Cục Hải quan TPHCM xây dựng đội ngũ chuyên gia an ninh mạng để kịp thời theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp xử lý, khắc phục các sự cố về an toàn, an ninh mạng, quản trị, vận hành, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của các thiết bị, phần mềm, cơ sở dữ liệu của đơn vị…

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua và hướng đi cụ thể, quyết tâm trong thời gian tới, Cục Hải quan TPHCM tin tưởng rằng sẽ sớm thành công với Hải quan số, cùng toàn ngành hướng tới Hải quan thông minh.

MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM
MEGASTORY: Đường tới Hải quan số của Cục Hải quan TPHCM

Thu Hòa

Phiên bản di động