Doanh nghiệp thêm khó vì giá vật liệu xây dựng tăng cao

11:17 | 12/11/2021

(HQ Online) - Thị trường vật liệu xây dựng đang có xu hướng tăng cao đã và đang tạo nên rất nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và cả các đơn vị xây dựng.

Hướng dẫn kiểm tra nhà nước đối với hàng hóa nhập khẩu là vật liệu xây dựng
Bộ Tài chính: Kiểm soát chặt giá cả vật tư, hàng thiết yếu để ổn định tâm lý người tiêu dùng
Vướng kiểm tra chất lượng vật liệu xây dựng, Hải quan đề nghị Bộ Xây dựng sớm tháo gỡ
Doanh nghiệp thêm khó vì giá vật liệu xây dựng tăng cao
Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao đang ảnh hưởng tới thị trường xây dựng, bất động sản. Ảnh: T.D

Nguy cơ “vỡ trận”

Chưa kịp vui mừng vì được hoạt động trở lại sau một thời gian do thực hiện giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19, ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Sài Gòn Thiên Phú Gia cho biết, công ty lại đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi vật liệu xây dựng tăng “sốc” từ đầu tháng 10 đến nay. Trong các hợp đồng đã ký trước đó, giá cả áp dụng cho dự án không thay đổi và nhà thầu cũng không thể cắt giảm chi phí xây dựng để đảm bảo lợi nhuận bởi ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Nếu trong thời gian tới giá vật liệu tiếp tục tăng cao, cộng với giá nhân công điều chỉnh tăng sẽ khiến nhà thầu không thể đảm bảo được lợi nhuận để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, lượng khách hàng cũng giảm vì khách dễ hoãn kế hoạch xây dựng trong bối cảnh chi phí tăng cao.

Đặc biệt, với những doanh nghiệp lớn, mức thiệt hại này còn lớn hơn rất nhiều. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình chia sẻ: “Giá vật liệu xi măng, sắt, thép… tăng theo ảnh hưởng của giá thế giới. Các nhà thầu trong quá trình làm hợp đồng cũng đã tính tới yếu tố trượt giá. Tuy nhiên, với mức tăng hiện nay đã vượt so với dự toán từ 3-5%. Theo đó, tùy thuộc vào kết cấu từng loại công trình, tổng thầu sẽ chịu mức chi phí tăng khác nhau và mức lợi nhuận giảm. Trong khi, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài, các công trình xây dựng phải tạm ngừng hoạt động đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, nay giá vật liệu tăng càng làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu có sự chia sẻ từ nhà cung cấp, chủ đầu tư nhà thầu sẽ giảm bớt được khó khăn.

Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, trong một dự án chi phí sắt thép chiếm khoảng 15-20%. Do đó, giá sắt thép tăng lên 40-50% buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán thêm 5-10%, thậm chí 15%. Trường hợp không điều chỉnh giá bán, chủ đầu tư phải chấp nhận giảm kỳ vọng lợi nhuận xuống.

Theo ông Phúc, khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao sẽ đẩy chi phí xây dựng tăng lên, cấu thành vào giá bán, điều đó bắt buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá tăng lên. Với các dự án chưa công bố bán hàng, chưa khởi công xây dựng, chủ đầu tư vẫn còn đủ thời gian để điều chỉnh giá bán. Riêng với những dự án đã khởi công xây dựng và đang trong quá trình triển khai, chủ đầu tư sẽ phải chịu thiệt thòi về lợi nhuận.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp nhận định, hiện nay các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ. Nguyên nhân là các chủ đầu tư không phải vốn Nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng. Lực lượng nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận”.

Áp lực tăng giá bất động sản

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho rằng, việc tăng giá vật liệu xây dựng chắc chắn sẽ tác động đến các dự án bất động sản đang triển khai và ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu, chủ đầu tư. Khi chi phí tăng cao, lợi nhuận kỳ vọng ban đầu sẽ giảm xuống. Đối mặt với tình trạng này, một số dự án có thể sẽ bị thi công cầm chừng, hoặc phải đàm phán lại giữa chủ đầu tư và nhà thầu.

Mặt khác, nhiều dự án có thể tạm dừng chờ giá nguyên vật liệu giảm xuống để qua đợt khó khăn này. Việc tạm dừng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng dự án và chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến những người mua nhà hình thành trong tương lai.

“Giá thép và vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến tăng chi phí và làm giảm lợi nhuận của các chủ đầu tư. Do đó, một số chủ đầu tư sẽ tìm giải pháp khác cho vật liệu xây dựng với chi phí thấp hơn hoặc kéo dài thời gian xây dựng, chờ giá giảm. Tuy nhiên, việc giãn tiến độ này sẽ làm giảm nguồn cung của thị trường trong thời gian từ nay đến cuối năm”, ông Hoàng nhận định.

Đánh giá về thị trường bất động sản trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng tăng cao, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, việc tăng giá vật liệu xây dựng tác động trực tiếp lên giá thành nhà ở, bởi công thức tính giá bán bao gồm tổng của ba yếu tố: giá thành xây dựng; chi phí bán hàng và lợi nhuận kỳ vọng.

Trong đó, giá thành xây dựng bất động sản được cấu thành bởi hai tiêu chí là chi phí về đất và chi phí về xây dựng. Chi phí về đất thường chiếm 15% đối với nhà chung cư, 30% đối với nhà phố và 50% đối với nhà biệt thự. Chi phí xây dựng (vật liệu, nhân công, lắp đặt thiết bị...) thường chiếm khoảng 60% giá thành xây dựng của bất động sản. Trong chi phí xây dựng thì chi phí vật liệu lại chiếm khoảng 60%. Do đó, khi giá vật liệu xây dựng tăng thì giá bất động sản tăng, ông Châu nhấn mạnh.

Để thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến động của giá thép đến hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương đề nghị thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp. Các cơ quan liên quan đánh giá tác động của Covid-19 và biến động giá vật liệu xây dựng, chủ yếu là thép xây dựng, từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng. Bộ Xây dựng đang tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng.

Thu Dịu