Theo báo cáo “Tương lai nghề nghiệp - Future of job” của Diễn đàn kinh tế thế giới, rào cản lớn nhất của 55,4% doanh nghiệp toàn cầu khi ứng dụng công nghệ mới là nhân sự địa phương thiếu hụt nhiều kỹ năng như quản lý, làm việc với máy móc, thiết bị hiện đại.
Có thể thấy, khi có tư duy và phương thức sản xuất mới, nền kinh tế và các doanh nghiệp phải có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới. Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, nguồn nhân lực không chỉ cần đáp ứng về kiến thức, trình độ, ngoại ngữ mà còn phải có kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách hàng quốc tế, đồng thời là kỹ năng về tìm kiếm khách hàng, tìm hiểu thị trường và thị hiếu khách hàng… Hiện nay, nhiều trường đại học đã có những bộ môn chuyên ngành liên quan đến kinh doanh và thương mại quốc tế, tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tế luôn có khoảng cách rất xa, cần sự rèn luyện và học tập kinh nghiệm từ người lao động.
Trên thực tế, chính doanh nghiệp mới là nhân tố chính để tạo môi trường có thể tuyển dụng, đào tạo và giữ chân người lao động bền vững. Theo đó, việc xây dựng môi trường với những điều kiện làm việc, văn hóa kinh doanh, chính sách nhân sự, chính sách đãi ngộ đầy đủ… là điều cần thiết. Đặc biệt, với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, môi trường và cơ sở hạ tầng càng cần có sự đầu tư hiện đại, phù hợp theo xu thế quốc tế nhằm giúp người lao động có thêm “không khí” và động lực để phát huy hết khả năng, sở trường cho công việc.
Trong chỉ đạo mới đây về phát triển thị trường lao động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo cơ hội và ổn định việc làm cho người lao động.
Trong bối cảnh kinh tế còn đương đầu với nhiều khó khăn, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cần phải quan tâm hơn đến nguồn nhân lực, còn người lao động cần phải hiểu khó khăn của doanh nghiệp để cùng nhau góp sức duy trì hoạt động, tìm kiếm cơ hội phục hồi và phát triển. Hơn nữa, trong bối cảnh nguồn nhân lực cần tăng cả lượng và chất, việc kết nối giữa nhà trường - doanh nghiệp, doanh nghiệp - cơ sở nghiên cứu là giải pháp cần thiết, giúp hạn chế sự đứt gãy nguồn cung nhân sự chất lượng cao trong tương lai.
Bình Nam